Làm gì để phát triển nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam theo hướng hiện đại?

Các chuyên gia trong lĩnh vực phim truyện, điện ảnh đã đưa ra nhiều ý kiến tại Hội thảo Điện ảnh Việt Nam từ khi đất nước thống nhất 50 năm - Một chặng đường nhằm tìm hướng phát triển nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam theo hướng hiện đại, hội nhập...

50 năm - Một chặng đường

Ngày 10/9, tại TP Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Hội điện ảnh Việt Nam tổ chức Hội thảo "Điện ảnh Việt Nam từ khi đất nước thống nhất 50 năm – Một chặng đường". Hội thảo nằm trong khuôn khổ hoạt động của Giải thưởng Cánh diều 2024.

Các chuyên gia trao đổi tại Hội thảo "Điện ảnh Việt Nam từ khi đất nước thống nhất 50 năm – Một chặng đường". Ảnh: Trung Nhân

Các chuyên gia trao đổi tại Hội thảo "Điện ảnh Việt Nam từ khi đất nước thống nhất 50 năm – Một chặng đường". Ảnh: Trung Nhân

Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; lãnh đạo Vụ Văn hóa-Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cùng các chuyên gia, nhà khoa học, nhà văn, nhà biên kịch, nhà làm phim, đạo diễn, diễn viên, các doanh nghiệp du lịch, điện ảnh,...

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Vũ Ngọc Thanh, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh, nhận định rằng nền điện ảnh Việt Nam đã trải qua nửa thế kỷ phát triển với nhiều thành tựu, song cũng tồn tại những hạn chế cần được khắc phục. Sự phát triển của điện ảnh Việt Nam thành 4 giai đoạn: từ 1975-1986 là thời kỳ hậu chiến; 1986-2002 là thời kỳ đổi mới; 2002-2020 là thời kỳ kinh tế thị trường; và từ 2020 đến nay là giai đoạn hội nhập toàn cầu.

PGS.TS Vũ Ngọc Thanh nhấn mạnh, mỗi giai đoạn đều có những ưu và khuyết điểm riêng, và để điện ảnh Việt Nam có bước phát triển đột phá, cần khai thác thế mạnh văn hóa dân tộc trong phim truyện. Ông cho rằng các tác phẩm có bản sắc văn hóa dân tộc mới có thể thu hút và được đánh giá cao trên thị trường quốc tế. Đồng thời, cần tăng cường đầu tư và phát triển theo cơ chế thị trường, tìm kiếm các dự án phim được đầu tư và tạo điều kiện cho nghệ sĩ sáng tạo tối đa.

PGS.TS Vũ Ngọc Thanh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Trung Nhân.

PGS.TS Vũ Ngọc Thanh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Trung Nhân.

“Bên cạnh việc tìm kiếm các dự án được đầu tư đối với các nhà làm phim, lợi nhuận đặc biệt lớn từ các phim thương mại có thể được trích lại để tái đầu tư cho các dự án phim truyện vốn không hướng tới mục đích bán vé trước tiên... Đồng thời hiện thực hóa việc ra đời và tác dụng tích cực đối với phim truyện của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh” - PGS.TS Vũ Ngọc Thanh gọi mở.

Tập trung phát triển nhân lực

Tại Hội thảo, TS. NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, đã đề xuất một số giải pháp quan trọng nhằm phát triển điện ảnh Việt Nam, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo bà, cần đầu tư chương trình đào tạo chuyên sâu và đặc thù cho ngành điện ảnh, tạo ra đội ngũ chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp này.

Bên cạnh đó, TS.NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng cần xây dựng kế hoạch đào tạo khẩn cấp cho đội ngũ quản lý điện ảnh, để phát triển ngành theo hướng hiện đại, mang tính dân tộc và nhân văn. Điều này đồng thời góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của ngành, không chỉ là một lĩnh vực nghệ thuật mà còn là một ngành kinh tế tiềm năng.

TS.NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: Trung Nhân

TS.NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: Trung Nhân

Nhà báo - nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn cũng chia sẻ quan điểm tương tự, cho rằng sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng là rào cản lớn đối với điện ảnh Việt Nam. Ông nhấn mạnh, Việt Nam cần có chiến lược đào tạo bài bản, toàn diện để phát hiện và bồi dưỡng những tài năng trẻ trong các lĩnh vực như đạo diễn, biên kịch, diễn viên, quay phim, và thiết kế mỹ thuật. Những tài năng này sẽ là động lực giúp điện ảnh Việt Nam hội nhập quốc tế.

Nhà báo Việt Văn cho rằng, điện ảnh Việt Nam đang thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng. Ảnh: Trung Nhân

Nhà báo Việt Văn cho rằng, điện ảnh Việt Nam đang thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng. Ảnh: Trung Nhân

TS. Trần Thị Phương Lan - Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa-Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương. Ảnh: Trung Nhân

TS. Trần Thị Phương Lan - Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa-Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá hội thảo là một hoạt động có ý nghĩa của Hội Điện ảnh Việt Nam, triển khai thực hiện Kế hoạch số 390 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tổ chức các hoạt động Tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025), trong đó có điện ảnh - một lĩnh vực quan trọng, có thể xem là mũi nhọn của ngành công nghiệp văn hóa.

TS. Trần Thị Phương Lan kỳ vọng Hội thảo sẽ tổng kết, đánh giá toàn diện và sâu sắc những thành tựu nổi bật của điện ảnh Việt Nam qua chặng đường nửa thế kỷ trên đầy đủ các phương diện, loại hình, cùng nhìn nhận những tồn tại, hạn chế.

Qua đó, đề xuất giải pháp để xây dựng, phát triển nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam theo hướng hiện đại, hội nhập, mang đậm bản sắc dân tộc, đáp ứng tốt nhu cầu về đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân.

Trung Nhân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lam-gi-de-phat-trien-nen-cong-nghiep-dien-anh-viet-nam-theo-huong-hien-dai.html