Làm gì để quản trị doanh nghiệp bền vững trong một xã hội thay đổi?

Doanh nghiệp được coi là phát triển bền vững cần phải làm tốt 3 vai trò vừa là trụ cột kinh tế, vừa tạo tương tác tốt trong xã hội và vừa góp phần gìn giữ môi trường

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2020.Ảnh: VCCI

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2020.Ảnh: VCCI

Trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững 2020, ngày 25/9 tại Hà Nội, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VBCSD-VCCI) phối hợp với Công ty TNHH Deloitte Việt Nam tổ chức hội thảo chuyên đề "Quản trị doanh nghiệp bền vững trong một xã hội đang thay đổi".

Sự kiện thu hút đông đảo mối quan tâm của giới chuyên môn, các hiệp hội ngành nghề và cộng đồng doanh nghiệp.
Khai mạc hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, đồng Chủ tịch VBCSD cho biết, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong 10 quốc gia đang chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu và cũng là 1 trong 5 quốc gia đang xả thải nhiều nhất chất thải nhựa ra môi trường. "Chúng ta vừa là nạn nhân, vừa là tác nhân", ông Lộc nói.
Chỉ riêng ô nhiễm không khí đã khiến Việt Nam có thể mất đi hơn 5% GDP, ô nhiễm nước có thể gây ra thiệt hại cho Việt Nam 3,5% GDP.

Chưa kể, tình trạng suy giảm tài nguyên, tiêu thụ nhiều năng lượng, ô nhiễm, suy thoái đất, đặc biệt là biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của nền kinh tế Việt Nam.

Vì lẽ đó, các doanh nghiệp đang ngày càng cảm thấy bất an vì những biến đổi bất thường của thời tiết, của khí hậu và sự phát triển bền vững hiện nay.
Liên quan tới chủ đề "Quản trị doanh nghiệp bền vững trong một xã hội đang thay đổi", bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, Phó Chủ tịch VBCSD giới thiệu sách “Cẩm nang Ứng phó, Phục hồi, Phát triển trong và sau khủng hoảng dành cho doanh nghiệp”; đồng thời, nhấn mạnh, một doanh nghiệp được coi là phát triển bền vững cần phải làm tốt 3 vai trò vừa là trụ cột kinh tế, vừa tạo tương tác tốt trong xã hội và vừa góp phần gìn giữ môi trường.

Doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững cần phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp và có kỹ năng quản trị tốt; cũng như cần 1 ban lãnh đạo kiên tâm trong điều hành.
Cuốn cẩm nang dành cho doanh nghiệp là 1 sản phẩm hợp tác giữa Deloitte và VCCI và được coi là công cụ quản trị kinh doanh thực tiễn với những nguyên tắc hoạt động nhằm giúp doanh nghiệp đứng vững trước khủng hoảng.
Theo đó, các nội dung hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng 1 nền tảng bền vững, song song với việc bảo toàn và thúc đẩy doanh thu, giảm và quản lý chặt chẽ chi phí, tối ưu hóa tài sản và nợ phải trả, vốn chủ sở hữu. Cùng với đó là tăng tốc chuyển đổi số và những định hướng quản lý kỳ vọng khác...
Theo bà Thu Thanh, doanh nghiệp cần lựa chọn những chiến lược phù hợp với các nguy cơ và cơ hội đặt ra trước mắt cũng như lâu dài.

Các nhà lãnh đạo của doanh nghiệp cần giữ vững phẩm chất cốt lõi ở đội ngũ lãnh đạo thông qua các hành động chủ chốt trong 3 giai đoạn của khủng hoảng, bao gồm ứng phó, phục hồi và phát triển. Song song đó, cần không ngừng củng cố sự tín nhiệm của các bên liên quan đối với doanh nghiệp.
Từ thực tiễn của doanh nghiệp, ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam cho hay, kể từ năm 1992 bắt đầu khởi sự kinh doanh tại Việt Nam, tới nay, Nestlé đã có 6 nhà máy, với tổng mức đầu tư hơn 17 nghìn tỷ đồng.

Nestlé hiện có 369 đối tác phân phối với gần 2.800 nhân viên với hơn 50% cán bộ cấp quản lý là nữ giới.

Nestlé đang là nhà thu mua cà phê lớn nhất tại Việt Nam và quan hệ thương mại với 21 nghìn nông hộ; đồng thời không chỉ tạo việc làm mà Nestlé còn cấp 230 nghìn lượt đào tạo cho nông dân Việt Nam trong lĩnh vực này.
Với mục đích tối ưu hóa vai trò của thực phẩm để nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi người, Nestlé đang thiết lập chiến lược vượt bão với 5 ưu tiên hàng đầu là an toàn cho nhân viên, tối ưu hóa nguồn cung, tối ưu các kênh phân phối, linh hoạt trong tương tác với người tiêu dùng, chung tay hỗ trợ Chính phủ và cộng đồng; đồng thời, tăng cường khả năng quản lý tài chính....
Từ những thành công của chính mình, lãnh đạo của Nestlé Việt Nam đã rút ra được bài học kinh nghiệm. Đó là, doanh nghiệp phát triển bền vững cần thiết lập cơ cấu phù hợp, đảm bảo sự rõ ràng và ổn định khi thị trường có sự bất ổn hoặc rối loạn.

Doanh nghiệp cần lấy con người là trung tâm quan trọng nhất còn những yếu tố khác thì xếp thứ hai.

Doanh nghiệp cần không ngừng tìm hiểu, thu thập và nghiên cứu thông tin để có những phản ứng nhanh. Bởi tốc độ quan trọng hơn sự hoàn hảo. Cuối cùng, ông Binu Jacob nhấn mạnh: "Khủng hoảng là lúc chúng ta cần cho đi. Không phải lúc trục lợi"./.

Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/lam-gi-de-quan-tri-doanh-nghiep-ben-vung-trong-mot-xa-hoi-thay-doi/170726.html