Làm gì để quy định đi vào cuộc sống?

Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực thi hành từ ngày 15-11-2020.

Điểm nổi bật của nghị định là những quy định mới, nâng cao mức xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính liên quan đến thuốc lá, trong đó có hành vi hút thuốc lá nơi công cộng. Làm gì để quy định này đi vào cuộc sống, phát huy được hiệu quả là vấn đề được dư luận quan tâm.

Tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP, nội dung xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến thuốc lá được quy định từ Điều 25 đến Điều 29. Điều 25 quy định xử phạt vi phạm về địa điểm cấm hút thuốc lá. Nếu như trước đây hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm chỉ bị xử phạt 100.000-200.000 đồng thì hiện nay tăng lên 200.000-500.000 đồng. Hành vi không có chữ hoặc biểu tượng “cấm hút thuốc lá” tại địa điểm cấm hút thuốc lá theo quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt 3-5 triệu đồng...

Bà Phạm Lê Thanh, cán bộ kỹ thuật Chương trình Phòng, chống tác hại thuốc lá và các bệnh không lây (Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam) cho biết: “Trước đây, thẩm quyền xử phạt được quy định rất chung chung, chồng chéo, không xác định rõ cơ quan nào có thẩm quyền xử lý vi phạm. Nghị định số 117/2020/NĐ-CP đã phân định rất rõ, mở rộng thẩm quyền xử phạt tới nhiều cơ quan như: Lực lượng công an, thanh tra y tế, chủ tịch UBND các cấp... Bên cạnh đó, cơ quan chức năng được sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc qua phản ánh, kiến nghị của người dân để phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm liên quan tới sử dụng, quảng cáo thuốc lá. Các địa phương cần có sự phối hợp, huy động sự vào cuộc của các lực lượng chức năng; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành giám sát, xử lý vi phạm và có chế tài kỷ luật với các tổ chức, cơ quan, cá nhân không tuân thủ các quy định phòng, chống tác hại của thuốc lá”.Hầu hết người dân mà chúng tôi hỏi ý kiến đều cho rằng việc Nghị định số 117/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định số 176/2013/NĐ-CP là phù hợp và cần thiết. Nghị định mới đã làm rõ hơn, đầy đủ hơn các hành vi vi phạm, mức xử phạt tăng lên, có tính răn đe. Tuy nhiên, theo phản ảnh của người dân và qua khảo sát thực tế, chúng tôi thấy mặc dù Nghị định số 117/2020/NĐ-CP đã có hiệu lực nhưng tình trạng vi phạm, rõ nhất là hành vi hút thuốc lá nơi công cộng vẫn diễn ra khá phổ biến.

 Người dân hút thuốc lá tại điểm trung chuyển xe buýt Long Biên (Hà Nội).

Người dân hút thuốc lá tại điểm trung chuyển xe buýt Long Biên (Hà Nội).

Có mặt tại Bệnh viện Nhi Trung ương chiều 10-12, chúng tôi ghi nhận, mặc dù bệnh viện đã có biển “cấm hút thuốc lá” nhưng chỉ khoảng 10 phút đã có gần 10 người hút thuốc lá ngay trong khuôn viên bệnh viện. Điều đáng nói là hành vi vi phạm này lại không hề bị ngăn cản hay nhắc nhở. Những hình ảnh như vậy không khó để bắt gặp tại nhiều nơi công cộng khác. Bà Trần Thị Ngọc, hộ lý Khoa Sản thường, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chia sẻ: “Trong quá trình làm việc, nếu phát hiện có người hút thuốc trong khuôn viên bệnh viện, chúng tôi đều nhắc nhở. Nếu người hút thuốc vẫn cố tình vi phạm thì chúng tôi sẽ gọi bảo vệ đến lập biên bản để các cơ quan chức năng xử phạt theo quy định. Tuy nhiên, những hành vi này diễn ra nhanh nên rất khó phát hiện và lực lượng chức năng không phải lúc nào cũng có mặt thường xuyên nên việc xử phạt rất khó khăn”.

Việc tăng chế tài xử phạt, mở rộng thẩm quyền các cơ quan xử lý, cho phép cộng đồng giám sát, cung cấp bằng chứng xử phạt nguội là cơ sở để chúng ta hy vọng vào một xã hội không khói thuốc nơi công cộng. Tuy nhiên, để quy định này thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, đòi hỏi phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, đồng thời luật pháp phải được thực thi một cách nghiêm minh.

Luật sư Nguyễn Văn Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh, cho rằng: “Nghị định số 117/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15-11-2020. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ những nội dung xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến thuốc lá trong nghị định này. Bởi vậy, cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền để mọi người dân hiểu, nắm rõ. Người dân cũng phải có trách nhiệm lên tiếng, đấu tranh, tố giác đối với hành vi vi phạm. Lực lượng chức năng cần kiên quyết và xử lý nghiêm vi phạm theo đúng quy định hiện hành. Nếu thường xuyên để xảy ra tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng mà không bị xử lý thì phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu địa bàn đó. Đối với những khu vực phức tạp cần tăng cường lực lượng xử lý”.

Đồng quan điểm về vấn đề này, bà Phạm Lê Thanh cho rằng: “Công tác tuyên truyền phải được thực hiện triệt để. Bên cạnh việc tuyên truyền phổ biến pháp luật liên quan đến phòng, chống tác hại của thuốc lá, chúng ta cần tuyên truyền để thế hệ trẻ nói không với thuốc lá. Tại những nơi có quy định cấm hút thuốc lá cần ghi rõ số điện thoại của lực lượng chức năng để người dân kịp thời phản ảnh, tố cáo người vi phạm”.

Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá TP Hà Nội, qua công tác kiểm tra cho thấy, những đơn vị thực hiện tốt môi trường không khói thuốc một phần quan trọng là nhờ đưa quy định cấm hút thuốc lá vào quy chế nội bộ cơ quan, trưởng các đầu mối phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm. Để xử phạt nghiêm hành vi hút thuốc lá tại nơi cấm hút thuốc lá, tới đây Sở Y tế TP Hà Nội sẽ phối hợp thành lập các đoàn kiểm tra, xử lý vi phạm.

VĂN THI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/lam-gi-de-quy-dinh-di-vao-cuoc-song-646349