Làm gì để sinh viên không thành 'con mồi', đồng phạm của tội phạm công nghệ cao?
Sinh viên với lối sống khép kín, thiếu kỹ năng nhận diện rủi ro đang trở thành mục tiêu dễ bị thao túng, lôi kéo vào các đường dây tội phạm công nghệ cao.
Gần đây, vụ việc liên quan đến tiktoker Phó Đức Nam (Mr. Pips) gây xôn xao dư luận khi có hơn 1.000 học sinh, sinh viên bị xử lý.
Vụ án đặt ra hồi chuông cảnh báo về những cạm bẫy lừa đảo được giăng sẵn trên không gian mạng. Chỉ một cú click chuột, một tài khoản ngân hàng được mượn, hay một lời mời gọi việc nhẹ lương cao cũng có thể đẩy sinh viên rơi vào vòng lao lý.
Khi ranh giới giữa thế giới thực và ảo ngày càng mờ nhạt, hoạt động giáo dục pháp luật và kỹ năng sống cho sinh viên cần được chú trọng hơn nữa trong môi trường đại học.
Giáo dục pháp luật là hoạt động tiên quyết trước làn sóng tội phạm công nghệ cao
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Thành, Trưởng phòng Phòng Công tác chính trị - sinh viên, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho biết: “Liên quan đến đường dây lừa đảo do Phó Đức Nam cầm đầu, theo thông tin nhà trường nắm được hiện tại chưa có sinh viên nào của trường nằm trong danh sách bị triệu tập hay xử lý liên quan đến vụ việc.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nhà trường được phép chủ quan. Công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng cho sinh viên không thể chỉ được triển khai khi có sự cố xảy ra, mà cần phải diễn ra thường xuyên, liên tục, như một “hàng rào đề kháng” trong nhận thức của sinh viên. Bởi lẽ, hôm nay có thể là Phó Đức Nam, ngày mai sẽ có những đối tượng khác với nhiều thủ đoạn mới và tinh vi hơn”.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Thành, Trưởng phòng Phòng Công tác chính trị - sinh viên, Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Ảnh: website nhà trường.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Thành, khi thực hiện công tác tư tưởng, chính trị cho sinh viên về phòng, chống tội phạm lừa đảo, nhà trường tiếp cận từ hai góc độ: sinh viên với vai trò là người gây ra hành vi vi phạm và sinh viên là nạn nhân bị lừa đảo. Khi xác định rõ hai góc độ này sẽ giúp nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục pháp luật cho sinh viên hiệu quả hơn.
“Ở góc độ thứ nhất, sinh viên là chủ thể trực tiếp gây ra hành vi vi phạm pháp luật, công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật cho sinh viên trở nên vô cùng cấp thiết và cần được thực hiện một cách bài bản, liên tục.
Những học phần liên quan đến pháp luật, ví dụ như Pháp luật đại cương, cần được điều chỉnh, cập nhật định kỳ nhằm đảm bảo truyền tải đầy đủ những quy định mới nhất, đặc biệt là nội dung liên quan đến luật an ninh mạng, quy định về phòng chống tội phạm công nghệ cao.
Ngoài chương trình giảng dạy chính khóa, các buổi sinh hoạt công dân đầu khóa, sinh hoạt lớp định kỳ cũng là cơ hội để nhà trường truyền tải thông tin pháp luật đến sinh viên một cách gần gũi, thực tế hơn. Trung bình, mỗi sinh viên sẽ được tiếp cận với nhóm nội dung này từ 4 đến 5 lần mỗi năm học.
Song song với hoạt động trên giảng đường, nhà trường còn tận dụng tối đa hệ sinh thái truyền thông nội bộ như fanpage, website, hay các mạng xã hội sinh viên thường xuyên sử dụng. Đây là những nơi nhà trường có thể đăng tải nhanh chóng các cảnh báo về chiêu trò lừa đảo mới, cũng như phương thức, thủ đoạn tội phạm công nghệ cao, giúp sinh viên cập nhật thông tin và nâng cao tinh thần cảnh giác”, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Thành chia sẻ.
Cũng theo thầy Thành, khi sinh viên là nạn nhân, việc truyền thông và hỗ trợ không chỉ dừng lại ở mức cảnh báo. Các nội dung cần được cá nhân hóa, cập nhật thường xuyên và phù hợp với những mối đe dọa đang ngày càng đa dạng, tinh vi hơn.
“Dù hậu quả về mặt hình sự trong một số vụ việc có thể chưa đến mức nghiêm trọng như vụ Mr. Pips, nhưng tổn thất về kinh tế là vô cùng nặng nề đối với sinh viên, vốn là nhóm còn phụ thuộc nhiều vào gia đình. Việc mất trắng toàn bộ số tiền tiết kiệm, hoặc dính vào những khoản nợ do vô tình tiếp tay cho lừa đảo, có thể để lại cú sốc lớn về tâm lý cho các em.
Do đó, để sinh viên không trở thành “nạn nhân vô thức” hay đồng phạm, việc giáo dục pháp luật cần được xem là hoạt động cốt lõi của cơ sở giáo dục trong chiến lược bảo vệ người học trước tội phạm công nghệ cao”, Trưởng phòng Phòng Công tác chính trị - sinh viên, Trường Đại học Mỏ - Địa chất nhấn mạnh.
Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Bùi Anh Tú, Trưởng phòng Công tác học sinh – sinh viên, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) chia sẻ: “Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, sinh viên đã có sự nhận thức khá tốt về những rủi ro trên không gian mạng.
Tuy nhiên, do sự tinh vi ngày càng cao của các tổ chức lừa đảo với nhiều hình thức, thủ đoạn đa dạng, đặc biệt là qua mạng xã hội và ứng dụng công nghệ cao, vẫn còn một bộ phận sinh viên thiếu kinh nghiệm sống dễ bị dụ dỗ bởi những chiêu trò “việc nhẹ lương cao”, đa cấp trá hình, hay những hình thức tuyển cộng tác viên online,...”.

Tiến sĩ Bùi Anh Tú, Trưởng phòng Công tác học sinh – sinh viên, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên). Ảnh: NVCC
Tiến sĩ Bùi Anh Tú cho biết, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) luôn nhấn mạnh với sinh viên rằng, sự cảnh giác không bao giờ là thừa trong thời đại số. Đồng thời, nhà trường chủ động triển khai nhiều chương trình truyền thông nội bộ, cảnh báo qua email sinh viên, cổng thông tin điện tử, mạng xã hội chính thức của nhà trường, cũng như qua hệ thống iBLS – nền tảng học tập thông minh do chính giảng viên và sinh viên nhà trường xây dựng.
Khi có các vụ việc thực tế xảy ra, nhà trường không chỉ đưa tin cảnh báo, mà còn tổ chức các buổi tọa đàm phản biện và phân tích nhằm nâng cao tư duy phản biện, giúp sinh viên nhận diện sâu sắc hơn về những rủi ro có thể xảy ra, quan trọng nhất là không bị cuốn vào các cạm bẫy lừa đảo.
Trưởng phòng Công tác học sinh – sinh viên, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) chia sẻ thêm: “Ngay từ tuần sinh hoạt công dân đầu khóa, nội dung tuyên truyền về nhận diện lừa đảo, kỹ năng tự bảo vệ mình trên không gian mạng đã được tích hợp vào các chuyên đề bắt buộc.
Nhà trường thường xuyên phối hợp với Công an tỉnh Thái Nguyên, phòng an ninh chính trị nội bộ, phòng an ninh mạng và chuyên gia đến từ nhiều tập đoàn công nghệ lớn để tổ chức chuyên đề, hội thảo, tọa đàm mang tính thời sự, đặc biệt là liên quan đến phòng, chống tội phạm công nghệ cao. Điều này giúp sinh viên không chỉ nghe lý thuyết mà còn tiếp cận với tình huống thực tế, cách học “thực chiến” được nhà trường đặc biệt coi trọng trong việc thực hiện công tác tư tưởng, chính trị cho sinh viên”.

Sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) được thông tin, tuyên truyền về nhận diện lừa đảo, kỹ năng tự bảo vệ mình trên không gian mạng. Ảnh: NTCC
“Lối sống vỏ ốc” khiến sinh viên dễ bị thao túng tâm lý, sa vào bẫy lừa đảo trên không gian mạng
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Thành, có 3 nguyên nhân chính khiến sinh viên dễ trở thành nạn nhân hoặc đồng phạm trong đường dây tội phạm công nghệ cao.
Thứ nhất, sự phát triển bùng nổ của công nghệ và các đồng tiền mã hóa đã tạo ra một môi trường giao dịch sôi động nằm ngoài sự kiểm soát, quản lý của Nhà nước. Hàng loạt đồng tiền mới liên tục xuất hiện, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thu hút ngày càng nhiều người tham gia với tổng giá trị giao dịch tăng mạnh.
Chính sự dễ dàng trong việc luân chuyển dòng tiền, cùng với những lời mời gọi “kiếm tiền nhanh”, “việc nhẹ lương cao” đã khiến không ít sinh viên lầm tưởng rằng có thể làm giàu mà không cần lao động chân chính. Ảo tưởng làm giàu dễ dàng này dần xóa nhòa đi ý thức cảnh giác và tinh thần phòng chống lừa đảo trong giới trẻ.
Thứ hai, nhiều sinh viên bị lôi kéo tham gia bởi bạn bè, tạo hiệu ứng lây lan trong nhóm. Theo tôi được biết, có trên 40% số sinh viên trong vụ án Phó Đức Nam là do bạn bè rủ rê. Khi một người trong nhóm tham gia và thấy việc kiếm tiền dễ dàng, trước mắt chưa gặp thiệt hại, rủi ro gì về con người, tài sản và pháp lý, họ có xu hướng chia sẻ và giới thiệu cho người khác. Điều này không chỉ làm tăng số lượng nạn nhân mà còn khiến nhiều sinh viên vô tình trở thành đồng phạm trong đường dây lừa đảo công nghệ cao.
Thứ ba, mặc dù đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, công tác tư tưởng từ phía nhà trường, nhưng mức độ tiếp nhận và nhận thức của một bộ phận sinh viên vẫn còn hạn chế. Nhiều bạn thiếu kỹ năng nhận diện rủi ro, chủ quan và không lường trước hậu quả pháp lý. Các bạn không nghĩ rằng hành vi của mình lại có thể bị xử lý hình sự, ảnh hưởng tới tương lai bản thân, gia đình và cả nhà trường.
Mặt khác, nhiều sinh viên với lối sống sống khép kín, ít chia sẻ, ít tương tác thực dễ trở thành “con mồi” mà nhóm tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao hướng đến.
“Lối sống vỏ ốc của giới trẻ hiện nay khiến các bạn sống bó mình, thu hẹp nội tâm, thu hẹp hoạt động của bản thân. Nhiều sinh viên khi gặp vấn đề không chia sẻ với thầy cô, bạn bè, hay gia đình, mà chỉ tìm lời khuyên trên mạng, nơi tràn ngập thông tin sai lệch, chiêu trò dẫn dụ khéo léo và trào lưu độc hại.
Và vì có lối sống vỏ ốc nên những thông tin đó lại không được chia sẻ, không được phân tích, không được tham vấn, tư vấn đầy đủ từ phía thầy cô, gia đình và cộng đồng trong cuộc sống thực. Chính “lối sống vỏ ốc” như thế khiến sinh viên dần xa rời với việc học tập, với hoạt động chung, và phải đến một thời gian sau khi mức độ sai phạm đã trở nên trầm trọng, nguy hiểm hơn thì gia đình, bạn bè, nhà trường mới biết đến”, Trưởng phòng Phòng Công tác chính trị - Sinh viên, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho hay.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Bùi Anh Tú cho rằng, một số nguyên nhân chính khiến sinh viên dễ trở thành nạn nhân hoặc đồng phạm trong các vụ việc liên quan đến tội phạm công nghệ cao xuất phát từ sự thiếu hiểu biết pháp lý, tâm lý cả tin và muốn làm giàu nhanh, cùng với hạn chế về trải nghiệm thực tiễn.
Nhiều bạn không nhận thức được rằng những hành vi tưởng chừng đơn giản như “giúp người khác rút tiền” hay “nhận chuyển khoản hộ” thực chất là vi phạm pháp luật. Trong khi đó, những lời mời gọi hấp dẫn lại thường đánh trúng vào nhu cầu tài chính hoặc mong muốn làm giàu nhanh của sinh viên, khiến các bạn dễ bị lừa gạt.
Đặc biệt, những sinh viên chưa từng va chạm với cuộc sống bên ngoài giảng đường thường thiếu khả năng nhận diện rủi ro và phản ứng kịp thời trước các tình huống lừa đảo. Do đó, việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật là cần thiết nhưng chưa đủ, để phòng ngừa hiệu quả, nhà trường cần chủ động lồng ghép đào tạo kỹ năng sống, kỹ năng pháp lý vào chương trình học và các hoạt động trải nghiệm, giúp sinh viên trang bị “hệ miễn dịch” vững chắc trước những chiêu trò tinh vi trên không gian mạng.
Tiến sĩ Bùi Anh Tú nhấn mạnh: “Ở thế giới số, mọi hành vi trực tuyến đều lưu lại dấu vết số và tồn tại vĩnh viễn. Chỉ một lần bất cẩn cũng có thể để lại hậu quả nghiêm trọng và lâu dài, ảnh hưởng đến cả danh dự lẫn trách nhiệm pháp lý.
Vì vậy, mỗi cá nhân phải luôn giữ sự tỉnh táo, không chia sẻ thông tin cá nhân một cách tùy tiện và không dễ dàng tin vào những lời hứa hẹn phi thực tế. Đặc biệt, khi gặp tình huống bất thường hoặc nghi ngờ bị lừa đảo, sinh viên nên chủ động báo cáo cho nhà trường, cơ quan chức năng hoặc tìm đến những người có kinh nghiệm để được hỗ trợ kịp thời. Sinh viên không bao giờ đơn độc, luôn có một hệ sinh thái học đường sẵn sàng đồng hành, lắng nghe và bảo vệ các bạn”.

Những lời mời gọi hấp dẫn, đánh trúng vào nhu cầu tài chính hoặc mong muốn làm giàu nhanh của sinh viên, khiến các bạn dễ bị lừa gạt. Ảnh: Phương Thảo
Trong khi đó, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Thành thông tin, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cũng phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC04), Công an Thành phố Hà Nội tổ chức hội thảo, tọa đàm với sinh viên. Nội dung bao gồm cả an ninh mạng, tội phạm công nghệ cao và ma túy, hai loại tội phạm được xem là cực kỳ nguy hiểm hiện nay.
“Dù chưa từng chứng kiến vụ việc nào có quy mô như Mr. Pips, nhưng nhà trường luôn đề cao cảnh giác và đưa các tình huống thực tế vào nội dung cảnh báo cho sinh viên. Bên cạnh nâng cao tính đề kháng tự thân từ phía sinh viên thông qua các hoạt động giáo dục, điều quan trọng nhất vẫn là phải ngăn ngừa để không cho những mầm mống liên quan đến tội phạm công nghệ cao, đánh bạc, rửa tiền, ma túy, buôn bán người xuất hiện trên không gian mạng, không gian hoạt động, không gian giải trí, không gian kết nối của sinh viên.
Vì vậy, mỗi cơ sở giáo dục nên xây dựng một môi trường học tập, sinh hoạt cởi mở, thân thiện, nơi sinh viên được khuyến khích chia sẻ và đặt câu hỏi. Nhà trường cũng chủ động quản trị các kênh thông tin như confession, fanpage, group sinh viên để các bạn tin tưởng, không tìm đến những nguồn thông tin phi chính thống đầy rủi ro.
Hơn nữa, cán bộ, nhân viên, giảng viên trường học cũng cần nâng cấp bản thân về mặt công nghệ, theo kịp các xu hướng mạng xã hội mới như Telegram, App X,... để có thể đồng hành, hướng dẫn sinh viên một cách hiệu quả nhất”, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Thành bày tỏ.