Làm gì để tăng tốc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém?
Nhiều ngân hàng vẫn chưa thoát khỏi diện yếu kém sau một thập kỷ tái cơ cấu dù đã có một số nhà băng đủ 'tiềm lực' sẵn sàng gánh vác. Nguyên nhân là do hành lang pháp lý còn bất cập, việc phối hợp, tham gia ý kiến của các bộ, ngành liên quan còn kéo dài do việc xử lý các ngân hàng yếu kém phức tạp, chưa có tiền lệ.
Tại kỳ họp thứ 6 đang diễn ra, Quốc hội sẽ thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Dự luật được bổ sung nhiều quy định kỳ vọng sẽ giúp hệ thống ngân hàng xử lý hiệu quả hơn nợ xấu, đồng thời giúp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sớm xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém.
Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc xử lý ngân hàng yếu kém chậm có tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ, ảnh hưởng đến việc tiết giảm chi phí, hạ lãi suất của các tổ chức tín dụng (TCTD).
Số phận của các ngân hàng 0 đồng ra sao?
Có thể thấy, tâm điểm của tái cơ cấu ngân hàng hiện nay là 3 ngân hàng mua lại 0 đồng (OceanBank, GPBank, CBBank) cùng 2 ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt là SCB, DongABank và một số ngân hàng có nợ xấu cao khác.
Theo tìm hiểu của VnBusiness, việc xử lý các ngân hàng yếu kém tưởng chừng như đã có bước tiến lớn khi OceanBank được MB và CBBank được Vietcombank nhận để thực hiện tái cơ cấu giai đoạn tiếp theo; còn DongABank được HDBank và GPBank được VPBank nhận nhiệm vụ hỗ trợ.
Trong báo cáo gửi Quốc hội, NHNN cho biết đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt (OceanBank, GPBank, CBBank, DongABank). Đồng thời, NHNN tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp xử lý các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt; chỉ đạo các bên liên quan thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định để hoàn thiện phương án chuyển giao bắt buộc, trình Chính phủ phê duyệt.
Riêng với SCB, trên cơ sở báo cáo đánh giá tổng thể thực trạng và đề xuất chủ trương cơ cấu lại của SCB cùng Ban Kiểm soát đặc biệt SCB, NHNN đang tìm kiếm nhà đầu tư tham gia cơ cấu lại SCB để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại SCB theo quy định.
Mặc dù vậy, phát biểu ý kiến thảo luận ở tổ, nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra sốt ruột vì tái cơ cấu ngân hàng diễn ra chậm, nợ xấu tăng cao. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng lo lắng vì 10 năm qua vẫn chưa giải quyết được ngân hàng 0 đồng nào, ngay cả khi đã có chủ trương cơ cấu lại các ngân hàng này.
Trong khi đó, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) lưu ý nợ xấu ngân hàng đang cao và sẽ tiếp tục gia tăng. “Đáng quan ngại, theo thông tin tôi có được, nếu cập nhật tới 31/8, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tiếp tục tăng lên mức gần 8%, mà nguyên nhân chính là do nợ xấu của một ngân hàng đang bị kiểm soát đặc biệt tăng vọt. Con số này sẽ tiếp tục tăng nữa, đặc biệt khi các khoản nợ xấu tiềm ẩn theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung) và Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hạn khoanh, giãn, hoãn”, đại biểu này cảnh báo.
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về kết quả kiểm toán tại NHNN năm 2023 cho thấy, Phương án xử lý TCTD yếu kém còn chậm, kéo dài qua nhiều năm phát sinh (từ năm 2015 đến nay). Theo Kiểm toán Nhà nước, việc kéo dài tiến độ xử lý dẫn đến nguồn lực dự kiến hỗ trợ thông qua các hình thức cho vay đặc biệt tăng do hoạt động kinh doanh của các ngân hàng này lỗ liên tục. Dự kiến tổng quy mô khoản vay đặc biệt của 4 đơn vị (CBBank, OceanBank, GP Bank và DongAbank) là 168.000 tỷ đồng.
Về "số phận" của các ngân hàng này, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng nêu rõ, đến thời điểm kiểm toán (tháng 8/2023), việc xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc mới ở bước được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc, đang ở giai đoạn xác định giá trị doanh nghiệp để chuyển giao bắt buộc, 1 ngân hàng mới được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc.
Đồng thời, tình hình tài chính của các ngân hàng vẫn rất khó khăn, cụ thể: nợ xấu và tài sản tồn đọng cao, âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế tiếp tục có xu hướng gia tăng, không đáp ứng quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng; một số ngân hàng thương mại tiềm ẩn rủi ro cao, gây mất an toàn hệ thống.
Hoàn thiện hành lang pháp lý
Về vấn đề xử lý các ngân hàng yếu kém, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng đây là một việc rất khó, cần có thời gian. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt; NHNN, các bộ, ngành cũng đã trình xin chủ trương của cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, xử lý ngân hàng yếu kém trong điều kiện bình thường đã khó, trong bối cảnh nửa nhiệm kỳ phải đối phó với dịch bệnh COVID-19 lại càng khó, trong khi kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều bất lợi.
Thống đốc NHNN cho hay, quá trình tái cơ cấu TCTD kéo dài do việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc khó khăn vì phụ thuộc lớn vào việc tự nguyện tham gia của các ngân hàng thương mại và cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài đồng thuận tham gia nhận chuyển giao bắt buộc.
Bên cạnh đó, cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý TCTD yếu kém nói chung và xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng mua bắt buộc và DongA Bank nói riêng còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài. Việc phối hợp, tham gia ý kiến của các bộ, ngành liên quan còn kéo dài do việc xử lý các ngân hàng yếu kém phức tạp, chưa có tiền lệ.
TS. Châu Đình Linh, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cũng cho rằng trọng tâm tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn hiện nay là xử lý dứt điểm ngân hàng yếu kém và tập trung giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu ngân hàng diễn ra chậm là do bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới những năm qua gặp nhiều bất lợi. Thêm vào đó, hành lang pháp lý bất cập cũng khiến ngành ngân hàng chưa thể đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu.
Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, xử lý ngân hàng yếu kém là nhiệm vụ trọng tâm cấp bách của NHNN hiện nay. Tuy nhiên, xử lý ngân hàng yếu kém trước tiên cần có hành lang pháp lý lành mạnh, sửa Luật Các TCTD chính là một trong những giải pháp giúp đẩy nhanh quá trình này.
Đáng chú ý, các chuyên gia cho rằng để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngân hàng cần phải có quy định “bảo hộ pháp lý đối với đội ngũ thanh tra, kiểm tra - giám sát TCTD”. Thực tế, quá trình tái cơ cấu ngân hàng diễn ra chậm thời gian qua ngoài vấn đề thị trường chưa thuận lợi, cơ chế chưa thông thoáng, thì còn do sự lo ngại không dám quyết của nhiều cán bộ thanh tra, giám sát và các cán bộ thực hiện công tác tái cơ cấu tại những ngân hàng yếu kém.