Làm gì để thu hút chuyên gia?
Thu hút ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước về làm việc là mục tiêu được Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW. Yêu cầu cấp bách là phải có cơ chế đột phá, chính sách đãi ngộ đặc biệt, môi trường làm việc khác biệt để chặn 'chảy máu chất xám' và kiến tạo lực lượng tinh hoa cho các ngành công nghệ mũi nhọn.
Thu hút ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu về nước làm việc
Ban Chỉ đạo T.Ư về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vừa ban hành Thông báo số 05 về kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm – Trưởng Ban Chỉ đạo tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng và nhiệm vụ trong tâm 6 tháng cuối năm 2025 thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Theo nội dung kết luận, một trong những nhiệm vụ trong tâm được Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo cần làm ngay để hiện thực hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW đó là phải khẩn trương xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực, nhân tài khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong và ngoài nước, nhất là nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghệ mũi nhọn (trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, vật liệu mới...); có chính sách đãi ngộ đặc biệt (vượt khung lương, nhà ở, môi trường làm việc) để thu hút ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu về nước làm việc. Nhiệm vụ này các bộ, ngành liên quan phải hoàn thành trong tháng 8/2025.
“Các bộ, cơ quan chủ động tìm kiếm, phát hiện và đề xuất các ứng viên tiềm năng cho các vị trí Tổng công trình sư, Kiến trúc sư trưởng, bao gồm các chuyên gia hàng đầu trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và các chuyên gia quốc tế có uy tín. Mục tiêu là phải hình thành được cơ chế và tìm kiếm được những cá nhân thực sự xuất sắc, có đủ đức, đủ tài, đủ uy tín và trao cho họ đủ thẩm quyền, nguồn lực để quy tụ lực lượng, dẫn dắt và chịu trách nhiệm cao nhất về sự thành công của các chương trình, nhiệm vụ chiến lược Quốc gia như Việt Nam đã có: GS Trần Đại Nghĩa, GS Tôn Thất Tùng, GS Lương Đình Của, GS Nguyễn Văn Hiệu…" - kết luận nêu rõ.

Hình minh họa
Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Đề án phát triển, trọng dụng nhân tài, đặc biệt là chuyên gia đầu ngành phục vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Quốc gia; triển khai Chiến lược thu hút nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050. Hoàn thành trong tháng 9/2025.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng chỉ đạo Bộ GD&ĐT chủ trì xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành khung chiến lược giáo dục đại học; Đề án rà soát, sắp xếp hệ thống các viện nghiên cứu trong các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục đại học trong các viện nghiên cứu, cơ chế đồng biên chế giữa viện nghiên cứu với cơ sở giáo dục đại học. Chủ trì, phối hợp với Bộ KH&CN, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình cấp học bổng toàn phần gửi các nhà khoa học trẻ, sinh viên xuất sắc đi đào tạo tại các trường đại học hàng đầu thế giới về các công nghệ chiến lược (bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học...).
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các địa phương có liên quan rà soát, thống kê nhu cầu xây dựng các trường và khu nội trú cho giáo viên, học sinh tại các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Chuyên gia cần gì?
Thực tế cho thấy, dù có nhiều chính sách ưu đãi, việc thu hút chuyên gia, nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đạt được kỳ vọng. Nguyên nhân chính được xác định là do các chính sách chưa thực sự sát với nhu cầu của chuyên gia, đồng thời vẫn còn tồn tại các rào cản về thủ tục hành chính, nhập quốc tịch, sở hữu nhà ở và thị thực.
Để bảo đảm nguồn nhân lực theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Quốc gia, chính sách phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài là bài toán đặt ra giai đoạn hiện nay.
Chia sẻ kinh nghiệm của các nước trong việc phát triển và thu hút người tài, GS.TS.NGƯT Nguyễn Văn Minh (Trường Đại học Sư phạm) cho biết, ở các nước có ngành khoa học, công nghệ phát triển, thành công của họ cuối cùng là đầu tư cho con người sáng tạo.
Theo GS.TS.NGƯT Nguyễn Văn Minh, một trí thức, một nhà khoa học chân chính thì luôn yêu Tổ quốc, yêu đất nước và đồng bào của mình. Đây là ngọn nguồn để họ khao khát dấn thân cống hiến. Để phát huy năng lực của họ cần tạo mội trường sống và làm việc “khác biệt”, vì họ thường nghĩ những điều khác người khác.
Bên cạnh việc thu hút người tài về nước, GS.TS.NGƯT Nguyễn Văn Minh đề xuất Việt Nam cũng nên tập trung đầu tư phát triển nhân lực, trọng dụng tài năng; đầu tư cho các cơ sở đào tạo đại học một cách bài bản và chuyên sâu; ưu tiên phát triển khoa học cơ bản gắn với công nghệ lõi; có chiến lược gửi đào tạo nhân lực các ngành trọng điểm quốc gia.
Dưới góc độ một chuyên gia có hơn 20 năm công tác tại nước ngoài, GS.TS Bùi Thị Minh Hồng - Giám đốc Quản lý giáo dục, Đại học VinUni, Phó Chủ tịch Quỹ VinFuture cho rằng, để mời gọi các nhà khoa học giỏi trong và ngoài nước, cần xây dựng tầm nhìn lớn, bài toán thực sự thách thức, mô hình hợp tác mở. “Đãi ngộ là cần thiết, nhưng không phải yếu tố quyết định. Người giỏi sẽ đến nếu họ nhìn thấy cơ hội cống hiến thực chất và được làm việc trong một môi trường tôn trọng giá trị khoa học” - bà Bùi Thị Minh Hồng nhấn mạnh.
Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia giảng dạy tại Việt Nam và Australia, đang tham gia dự án nghiên cứu tại nước ngoài, PGS.TS Phan Thị Thanh Thảo - Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô khuyến nghị, để thu hút các chuyên gia về làm việc tại Việt Nam, trước hết, cần có mức lương và đãi ngộ hợp lý; đồng thời đảm bảo sự phát triển nghề nghiệp và thăng tiến. Một yếu tố quan trọng khác là tạo môi trường làm việc không bị ràng buộc bởi thủ tục hành chính phức tạp, đồng thời đầu tư vào cơ sở vật chất hiện đại để tạo điều kiện cho họ nghiên cứu và phát triển công nghệ.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lam-gi-de-thu-hut-chuyen-gia.760767.html