Làm gì để thúc đẩy phát triển tài chính bền vững?

Cần có các giải pháp từ thể chế đến giải pháp trực tiếp cho thị trường, đồng thời xây dựng niềm tin cho nhà đầu tư để phát triển thị trường tài chính Việt Nam bền vững

Nhiều ý kiến thiết thực nhằm xây dựng và phát triển thị trường tài chính bền vững đã được nêu ra hội thảo khoa học với chủ đề "Phát triển bền vững thị trường tài chính Việt Nam" (FINHUB 2024) do Trường ĐH Ngân hàng TP HCM (HUB) tổ chức, Báo Người Lao Động bảo trợ thông tin.

Chủ trì hội thảo, GS- TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng HUB, cho rằng thị trường tài chính Việt Nam thời gian qua đã có những bước phát triển vượt bậc, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Ngoài hệ thống ngân hàng, hệ thống tài chính cũng phát triển toàn diện và đa dạng hơn, với thị trường chứng khoán, bảo hiểm và các định chế tài chính phi ngân hàng khác.

Sự phát triển của các công nghệ mới và tác động của chúng đến thị trường tài chính; vấn đề giám sát, tuân thủ và kỷ luật thị trường; phát triển cơ sở hạ tầng tài chính, nâng hạng thị trường, tài chính xanh, tài chính bền vững... là những cơ hội và thách thức mới đối với hệ thống tài chính của Việt Nam.

Khung cảnh cuộc hội thảo. Clip: Lê Tỉnh

Các đại biểu tham dự hội thảo

Các đại biểu tham dự hội thảo

Nói về những bài học thành công và thất bại trong cải cách hệ thống tài chính qua 40 năm đổi mới, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Fulbright Việt Nam, cho rằng Việt Nam đã có bài học thành công. Đó là tự do hóa và phát triển tài chính theo chiều sâu; trao quyền tự chủ cho các ngân hàng thương mại quốc doanh để hoạt động như ngân hàng thương mại hiện đại theo hướng thị trường; cải cách thể chế để tạo lập các định chế, thị trường tài chính mới và hội nhập tài chính quốc tế theo hướng thận trọng.

Tuy nhiên, việc cải cách hệ thống tài chính vẫn còn phụ thuộc vào các công cụ hành chính thay vì công cụ dựa vào thị trường để điều hành quản lý nhà nước về tài chính - ngân hàng; tình trạng sở hữu chéo xuất hiện; trong nỗ lực tái cấu trúc hệ thống tài chính vẫn để sở hữu chéo tồn tại. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển thiếu sự giám sát chặt chẽ và thất bại trong việc chế tài tuân thủ; chậm xây dựng khung pháp lý để hỗ trợ các dịch vụ tài chính mới, như tài chính xanh, tài chính số, ngân hàng số...

Toàn cảnh FINHUB 2024

Toàn cảnh FINHUB 2024

Nói về tài chính xanh và tài chính số, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng Việt Nam vẫn đang tụt hậu so với thế giới và khu vực, tụt hậu hơn cả Campuchia.

Các quốc gia Đông Nam Á đã ban hành khung pháp lý chính thức cấp phép cho tài chính số, ngân hàng số, trong khi Việt Nam thì còn vẫn còn thiếu. Trong trung hạn, Việt Nam cần vốn xanh nhưng không có. Vốn xanh vì mục tiêu phát triển thật sự bền vững thì nên chấp nhận một tỉ suất sinh lợi thấp hơn, trong khi Việt Nam chưa quen chấp nhận điều này.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP HCM, Ngân hành Nhà nước đã và đang tích cực triển khai các chính sách phát triển kinh tế xanh, góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững. Cụ thể, ngành ngân hàng đã xây dựng chương trình hành động để thực hiện các đề án quốc gia về phát triển kinh tế xanh, tài chính xanh; ban hành sổ tay tín dụng xanh quy định về quản trị rủi ro môi trường đối với hoạt động cấp tín dụng.

Các ngân hàng thương mại cũng đã và đang phát triển 2 hướng để thực hiện chính sách phát triển kinh tế xanh. Một là, thúc đẩy cho vay các dự án xanh, cụ thể là các dự án năng lượng xanh, năng lượng sạch, lĩnh vực nông nghiệp sạch. Hai là, đưa ra các sản phẩm, dịch vụ tài chính xanh.

Ngân hàng Nhà nước hiện đánh giá hiệu quả thực hiện chính sách phát triển kinh tế xanh của ngành ngân hàng theo các yếu tố: Nâng cao nhận thức của cán bộ ngân hàng về kinh tế xanh, ngân hàng xanh; khuyến khích các ngân hàng thương mại phát triển sản phẩm, dịch vụ tài chính xanh; tạo ra môi trường pháp lý cho hoạt động phát triển kinh tế xanh để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam.

Sơn Nhung- Lê Tỉnh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/lam-gi-de-thuc-day-phat-trien-tai-chinh-ben-vung-196240718171016248.htm