Làm gì để 'thượng đế' không phải đi 'xin' bảo hiểm mô tô, xe máy?
Quá trình thực thi chính sách bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đang bộc lộ nhiều bất cập, gây bức xúc trong dư luận...
Lts: Những ngày qua, dư luận xã hội “nóng” câu chuyện về những bất cập trong thực hiện bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới. Báo Giao thông trân trọng giới thiệu bài viết của TS. Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia về vấn đề này.
Sự cần thiết của bảo hiểm
Theo quy định của Luật bảo hiểm, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là loại bảo hiểm bắt buộc do pháp luật quy định về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu mà doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ chi trả cho chủ xe cơ giới để bồi thường thiệt hại cho nạn nhân (bên thứ ba) trong các vụ tai nạn giao thông (TNGT) do xe cơ giới gây ra.
Các vụ TNGT có thể có nhiều tình huống khác nhau: Người gây tai nạn cũng bị thiệt mạng, người gây tai nạn không có khả năng chi trả khắc phục thiệt hại của những người khác, hoặc thiệt hại với nạn nhân TNGT vượt quá năng lực tài chính của chủ xe, lái xe cơ giới.
Khi đó, nếu không có nguồn tài chính để bồi thường và khắc phục hậu quả đối với nạn nhân của vụ TNGT, thì sẽ tạo ra hệ lụy rất lớn về sức khỏe, tương lai của nạn nhân, gia đình nạn nhân. Bên cạnh đó, chính sách về công bằng, an sinh xã hội sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.
Đây chính là nguyên nhân hình thành nên loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với chủ xe cơ giới và hầu hết các quốc gia trên thế giới đều thấy rõ tính nhân văn của nó và quy định bắt buộc mọi chủ xe cơ giới phải thực hiện.
Bảo hiểm TNDS của xe cơ giới tạo nguồn tài chính đủ lớn để hỗ trợ kịp thời, bù đắp tương xứng đối với thiệt hại của nạn nhân TNGT mà không phụ thuộc vào việc người gây tai nạn có khả năng chi trả hay không.
Bên cạnh đó, bảo hiểm TNDS còn giúp chủ xe, lái xe nhanh chóng ổn định cuộc sống nếu không may gây ra TNGT và phải chịu bồi thường cho nạn nhân một khoản kinh phí lớn so với năng lực tài chính của bản thân.
Tại Việt Nam chính sách bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với chủ xe cơ giới đã được áp dụng từ rất lâu, ngay từ những ngày đầu của chính sách đổi mới với Nghị định số 30/1988 của Hội đồng Bộ trưởng về chế độ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Theo đó, chủ xe cơ giới, kể cả chủ xe là người nước ngoài có giấy phép sử dụng xe cơ giới trên lãnh thổ nước Việt Nam đều phải tham gia bảo hiểm tại cơ quan bảo hiểm Nhà nước về trách nhiệm dân sự đối với những thiệt hại do hoạt động của xe cơ giới gây ra cho những người khác.
Tới nay, quy định về bảo hiểm TNDS đã được điều chỉnh trong Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (cũng như trong những lần sửa đổi bổ sung vào năm 2010 và 2019).
Điều 58, Khoản 2 Điểm d Luật GTĐB 2008 quy định: Người lái xe khi điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ tham gia giao thông phải mang theo các giấy tờ trong đó có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 103/2008 quy định cụ thể bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Thông tư 22/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Khách hàng phải thủ vai người đi “xin”
Tuy vậy, quá trình thực thi chính sách bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới tại Việt Nam đang bộc lộ khá nhiều bất cập, gây bức xúc trong người dân và dư luận. Hiện số lượt xe cơ giới tham gia loại hình bảo hiểm này lên đến trên 110 triệu xe (trong đó số lượt xe máy khoảng trên 93 triệu xe).
Mặc dù là quy định bắt buộc, nhưng tỷ lệ tham gia bảo hiểm của xe máy vẫn còn rất thấp, đạt khoảng 30% với xe máy (trong tổng số gần 60 triệu xe máy) so với tỷ lệ tham gia lên đến 90% đối với xe ô tô (trong tổng số trên 3 triệu xe ô tô).
Mức bảo hiểm trách nhiệm theo quy định hiện hành chưa theo kịp biến động về giá dịch vụ khám chữa bệnh, chi phí y tế, chưa bảo đảm nguồn tài chính để điều trị thương tật cho gia đình và người thân khi nạn nhân không may bị tử vong do TNGT.
Bên cạnh đó, phí bảo hiểm mặc dù đã quy định trên cơ sở rủi ro liên quan đến loại xe, mục đích sử dụng của xe nhưng vẫn còn thấp, do đó chưa phát huy tối đa vai trò công cụ kinh tế trong công tác bảo đảm trật tự ATGT.
Mặt khác, tính chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm chưa cao. Vì vậy, ảnh hưởng đến hiệu quả và ý nghĩa nhân đạo của loại hình bảo hiểm này, khiến một bộ phận người dân và dư luận chưa đồng tình.
Điển hình là những bất cập trong khâu bán bảo hiểm khiến nhiều người dân không được doanh nghiệp bảo hiểm tư vấn, cung cấp đầy đủ thông tin về hợp đồng bảo hiểm và giải thích rõ quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của chủ xe cơ giới để từ đó hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm cũng như những việc cần làm để được chi trả bồi thường khi tai nạn xảy ra.
Chính vì vậy, hiện nay đa số chủ xe cơ giới mua bảo hiểm TNDS chỉ để đối phó với việc kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng.
Những tồn tại, vướng mắc trong việc cung cấp các tài liệu liên quan đến vụ tai nạn giữa DNBH và cơ quan công an khiến chủ xe tham gia bảo hiểm TNDS gặp nhiều khó khăn trong quá trình đề nghị thanh toán chi trả bảo hiểm.
Bên cạnh đó, trong thực tế để được bồi thường, chủ xe (lái xe) gây TNGT phải tự chuẩn bị và cung cấp cho công ty bảo hiểm rất nhiều loại giấy tờ, chứng từ chứng minh thiệt hại về người, tài sản... có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền khiến hầu hết chủ xe cơ giới khó thực hiện.
Đặc biệt, tỷ lệ chi trả bảo hiểm đối với mô tô, xe máy hiện nay rất thấp. Theo con số được đại diện cơ quan quản lý công bố gần đây thì tỷ lệ bồi thường trên tổng doanh thu bảo hiểm với mô tô, xe máy là 6%.
Trong khi đó, con số thống kê của Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với chủ xe cơ giới tại liên minh châu Âu năm 2019 cho thấy, tổng doanh thu là trên 135 tỷ euro, trong khi tổng đền bù thiệt hại là trên 103 tỷ euro, chiếm tới trên 76% doanh thu.
Như vậy tỷ lệ bồi thường 6% với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với chủ xe cơ giới là mô tô, xe máy của Việt Nam đang ở mức thấp tới kinh ngạc.
Nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên là do quy định pháp luật hiện nay đang dành quá nhiều trách nhiệm cho người mua bảo hiểm, dẫn tới tình trạng người mua bảo hiểm, là khách hàng, nhưng khi đề nghị bồi thường thì thủ vai người “xin”, còn người bán bảo hiểm lại ở vị thế của người “cho”. Nghịch lý này cần phải thay đổi.
Thêm nữa, công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm TNDS đối với chủ xe cơ giới chưa được quan tâm thích đáng. Kể từ khi Nghị định 103 ban hành từ năm 2008 tới nay, mặc dù tỷ lệ bảo hiểm bắt buộc của mô tô, xe máy rất thấp nhưng dường như việc kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm chủ yếu hướng vào đối tượng là người mua bảo hiểm TNDS. Ít thấy thông tin về hoạt động kiểm tra giám sát, xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp bảo hiểm.
Các quy định cụ thể trong lĩnh vực này đã bộc lộ những bất cập, như mức chi trả bảo hiểm không được cập nhật trong khi các mức thu nhập và chi tiêu đã có thay đổi lớn.
Công tác chia sẻ dữ liệu và phối hợp giữa các cơ quan hữu quan còn hạn chế. Nguyên nhân sâu xa dẫn tới việc này là do hệ thống quy định pháp luật có liên quan chưa đầy đủ, bất cập, quy định trách nhiệm chưa rõ ràng, không theo kịp yêu cầu của thực tế cuộc sống.
Cần khung pháp lý minh bạch
Để giải quyết những bất cập trên cần xây dựng cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất và minh bạch cho các DNBH, chủ xe cơ giới, lái xe, nạn nhân và các cơ quan liên quan trong quá trình thực hiện bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới.
Đầu tiên phải điều chỉnh phí bảo hiểm và mức trách nhiệm theo hướng nâng mức trách nhiệm bảo hiểm hướng tới đáp ứng cơ bản chi phí y tế và chi phí khắc phục thiệt hại theo thực tế; kịp thời hỗ trợ nạn nhân TNGT nhanh chóng khắc phục tổn thất, đặc biệt là tổn thất về tính mạng, thân thể, giúp chủ xe, lái xe nhanh chóng ổn định cuộc sống. Mức phí bảo hiểm cần tương ứng với mức trách nhiệm bảo hiểm và mức độ rủi ro của xe cơ giới, chủ xe, lái xe.
Tiếp theo cần hoàn thiện các quy định về hồ sơ, quy trình, thủ tục phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người mua bảo hiểm. Đặc biệt cần quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan chức năng về việc phải cung cấp cho DNBH các tài liệu liên quan đến các vụ TNGT.
Bên cạnh đó, quy định rõ trách nhiệm chính, chủ dộng của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc thu thập hồ sơ bồi thường, chịu trách hiệm trước pháp luật về tính chính xác, đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ bồi thường.
Quan trọng hơn là phải đơn giản hóa, minh bạch hóa việc khai báo, trách nhiệm tiếp nhận, điều tra, xác nhận hỗ trợ cung cấp các tài liệu, chứng từ... của các bên có liên quan.
Đặc biệt là phần trách nhiệm của người mua bảo hiểm, thay vì phải đi nơi này nơi kia để xin xác nhận thì người mua bảo hiểm có quyền nhận các văn bản xác nhận cần thiết liên quan đến bản thân và phương tiện trong vụ TNGT. Song song với đó là xử phạt thật nặng những trường hợp cố tình gian lận trục lợi chính sách.
Về vấn đề thực thi pháp luật, bên cạnh việc nghiên cứu điều chỉnh các chế tài xử lý đối với vi phạm của người mua bảo hiểm thì cần hơn cả là việc sửa đổi quy định cụ thể hơn về trách nhiệm và chế tài xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp bảo hiểm cũng như các cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với chủ xe cơ giới.
Để minh bạch và giúp người dân yên tâm, tin tưởng vào ý nghĩa nhân văn của bảo hiểm TNDS đối với xe cơ giới, cần quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý định kỳ công bố báo cáo về hoạt động này.
Đồng thời, tăng cường quản lý hoạt động bán bảo hiểm, trách nhiệm của các công ty bảo hiểm và hệ thống đại lý chính thức, hệ thống nhân viên bán hàng, quy trình bán... để bảo đảm hoạt động này tuân thủ đúng các quy định hiện hành.
Đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân nhận thức đầy đủ, minh bạch cũng như ngăn ngừa một số đối tượng xấu lợi dụng để ép người dân mua các loại hình bảo hiểm tự nguyện thay vì mua bảo hiểm TNDS theo quy định.
Hiện nay các vấn đề trên đã và đang được các cơ quan quản lý nghiên cứu tích hợp vào nghị định thay thế Nghị định 103. Ủy ban ATGT Quốc gia cũng như đa số người tham gia giao thông kỳ vọng Nghị định thay thế Nghị định 103 sẽ khắc phục được các tồn tại bất cập trên, nhằm phát huy tối đa lợi ích và tính nhân văn của bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, góp phần xây dưng văn hóa giao thông và nâng cao ATGT trong xã hội.