Làm gì để xóa tận gốc thuốc giả?

Trong bối cảnh thuốc giả 'xâm chiếm' thị trường, Bộ Y tế đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ, quyết không để thuốc giả lọt vào chuỗi cung ứng.

Số thuốc giả bị thu giữ trong đường dây chuyên làm giả thuốc chữa bệnh. Ảnh: Công an Thanh Hóa

Số thuốc giả bị thu giữ trong đường dây chuyên làm giả thuốc chữa bệnh. Ảnh: Công an Thanh Hóa

Trong đợt cao điểm phòng chống hàng giả từ 15/5 đến 15/6, Bộ Y tế đã phối hợp các lực lượng chức năng kiểm tra 38 cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm, phát hiện 17 cơ sở vi phạm.

Tại Hà Nội, hai nhà thuốc lớn là Đức Anh và An An cũng bị phát hiện buôn bán thuốc giả. Cụ thể, Đức Anh bán thuốc Nexium - loại điều trị dạ dày phổ biến, cùng nhiều loại thuốc nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Trong khi đó, An An phân phối thuốc điều trị hô hấp Theophylline extended-release tablets giả.

Theo Cục Quản lý dược, trong những tháng đầu năm, hệ thống kiểm nghiệm cả nước đã lấy hơn 16.000 mẫu thuốc và phát hiện 16 mẫu không đạt chất lượng. Bà Đào Hồng Lan - Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định: “Đây là vấn đề không thể chậm trễ. Phải xử lý tận gốc từ khâu cấp phép, sản xuất, lưu hành đến hậu kiểm - không để thuốc giả lọt vào chuỗi cung ứng”.

Ông Tạ Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho biết, đang rà soát toàn diện các quy định liên quan đến quản lý dược phẩm. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc tăng nặng hình phạt với các hành vi tái phạm, có tổ chức hoặc gây hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh.

Bộ Y tế cũng đẩy mạnh hậu kiểm, tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các nhà thuốc và cơ sở bán lẻ, nhất là những điểm có dấu hiệu bất thường về nguồn gốc thuốc, doanh số hoặc quảng cáo sai sự thật.

Ngoài ra, Bộ Y tế đang xây dựng cơ sở dữ liệu thuốc toàn quốc nhằm quản lý từ khâu cấp phép, phân phối đến kê đơn và bán lẻ. Các công nghệ như mã định danh sản phẩm, truy xuất QR, nền tảng dữ liệu liên thông sẽ là công cụ hỗ trợ phát hiện và chặn thuốc giả từ sớm.

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Bộ Quốc phòng phân tích: “Thuốc giả có thể không chứa hoạt chất, chứa sai liều lượng hoặc bị pha trộn tạp chất độc hại. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh, mà còn làm tăng nguy cơ kháng thuốc, khiến bệnh trở nên khó chữa hơn, thậm chí đe dọa tính mạng”.

Theo bác sĩ Hoàng, với những bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, tim mạch hay ung thư, việc sử dụng thuốc giả đồng nghĩa với việc đánh mất cơ hội sống. Thực tế cho thấy, thuốc giả được phát hiện có xu hướng tập trung vào những thuốc phổ thông, giá rẻ, bao bì đóng gói công nghệ thấp, tiêu thụ ở những vùng nông thôn, như thuốc chống sốt rét, một số kháng sinh thế hệ cũ….

Việc làm giả những thuốc như vậy ít gây sự chú ý của các cơ quan chức năng. Ngoài ra, thuốc giả cũng gặp nhiều ở những thuốc có nguồn gốc thảo dược, thuốc y học cổ truyền. Phần nhiều sản phẩm thuộc loại này thường đăng ký dưới dạng thực phẩm chức năng (do không vượt qua được yêu cầu khắt khe của kiểm nghiệm dược phẩm).

Vân Huyền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lam-gi-de-xoa-tan-goc-thuoc-gia-post739106.html