Làm gì khi chuyển tiền nhầm hoặc nhận được tiền từ người lạ?
Người dân khi chuyển tiền nhầm hoặc nhận được tiền từ người lạ, có dấu hiệu bất thường phải báo ngay cho cơ quan chức năng để được hỗ trợ.
Công an xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) tiếp nhận tin báo của anh Phạm Ngọc Huy (SN 1991, trú tại thôn Phố Neo, xã Nam Giang), có một tài khoản lạ thuộc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đứng tên Nguyễn Văn Thắng, chuyển nhầm số tiền 110 triệu đồng vào tài khoản của anh Huy.
Công an xã Nam Giang xác minh, làm rõ người chuyển nhầm là ông Nguyễn Văn Thắng (SN 1961, trú tại phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Lực lượng chức năng liên hệ và mời ông Thắng đến trụ sở Công an xã và tiến hành thủ tục trao trả lại số tiền nói trên.
Trước đó, Công an xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa nhận được đơn trình báo của chị Lê Thị Định về việc chuyển nhầm số tiền 20 triệu đồng vào số tài khoản khác qua ứng dụng Agribank Internetbanking trên điện thoại.
Ngay sau khi tiếp nhận đơn trình báo, kèm theo thông tin số tài khoản mà chị Định đã chuyển tiền nhầm, Công an xã Hoằng Thịnh phối hợp với Ngân hàng Agribank tỉnh Thanh Hóa xác minh chủ tài khoản nhận tiền là ông N.Đ.T. ở xã Phong Châu, tỉnh Thái Bình. Sau khi làm việc với lực lượng chức năng, ông T. tự nguyện trả lại 20 triệu đồng cho chị Định.
Theo Luật sư Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Công ty Luật Năm Châu (Đoàn luật sư Thanh Hóa) cho biết, việc nhặt được tài sản hoặc nhận được tiền qua tài khoản của người khác chuyển nhầm người dân cần báo cho cơ quan chức năng để trả lại cho chủ sở hữu. Đồng thời loại trừ được khả năng trở thành nạn nhân của kẻ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Thông tư 23/2014/TT-NHNN quy định chủ tài khoản có quyền sử dụng tiền trong tài khoản thực hiện giao dịch hợp pháp và có nghĩa vụ thông báo cho tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán khi phát hiện sự nhầm lẫn trên tài khoản. Ngoài ra, chủ tài khoản phải phối hợp hoàn trả lại khoản tiền nhầm lẫn được chuyển vào tài khoản của mình.
Tại khoản 1, Điều 579, Bộ luật Dân sự quy định: Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu của tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tại điểm đ, khoản 2, Điều 15, Nghị định 144/2021 quy định phạt tiền 3-5 triệu đồng đối với hành vi chiếm giữ tài sản của người khác.
Trường hợp người dân cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được sau khi có yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật thì bị xử lý theo quy định tại Điều 176, BLHS năm 2015, tội chiếm giữ trái phép tài sản.
Ngay khi phát hiện việc chuyển tiền nhầm cho người khác, người dân cần nhanh chóng tới phòng giao dịch, trụ sở ngân hàng để trình báo, đề nghị nhân viên hỗ trợ. Khi đi cần chuẩn bị giấy tờ tùy thân, hóa đơn chứng minh giao dịch chuyển tiền nhầm, hoặc tin nhắn trên điện thoại...
Trong trường hợp ngân hàng xác định người nhận nhầm chưa sử dụng số tiền đã chuyển nhầm, đơn vị này sẽ xem xét tiến hành phong tỏa tài khoản người nhận nhầm và hoàn lại số tiền chuyển nhầm cho khách hàng.
Người nhận nhầm đã sử dụng số tiền này thì cơ quan chức năng sẽ đưa ra yêu cầu và quy định thời gian tối đa để hoàn trả. Nếu quá thời gian quy định mà người nhận vẫn chưa hoàn trả, sẽ thông báo đến người dân để khởi kiện theo đúng quy định của pháp luật.
Để tránh tình trạng chuyển tiền nhầm tài khoản, người dân cần lưu ý nhập chính xác số tài khoản thụ hưởng, kiểm tra lại thông tin của người nhận trước khi chuyển bao gồm họ tên, số tài khoản, tên ngân hàng thụ hưởng. Nếu chuyển khoản với số tiền lớn, quý khách có thể đến trực tiếp tại quầy giao dịch để được hỗ trợ. Lưu số tài khoản người thụ hưởng trên ứng dụng Mobile Banking sau lần giao dịch đầu tiên để tránh sai sót khi nhập lại thông tin trong lần giao dịch sau.