Làm gì khi cơ quan thi hành án chậm trễ trong việc thực hiện thi hành án
*Bạn đọc hỏi: chị Trần Thị D., ở TP Hồ Chí Minh, hỏi: Vợ chồng bà Thảo ông Quy (gọi tắt là vợ chồng bà Thảo) ở Q.Sơn Trà (TP Đà Nẵng) nợ tôi khoản tiền 1,1 tỷ đồng. Tôi kiện vợ chồng bà Thảo ra Tòa án và Tòa án đã tuyên buộc vợ chồng bà Thảo phải trả nợ cho tôi. Tuy nhiên, sau đó, vợ chồng bà Thảo không tự nguyện trả nợ. Tôi đã gửi đơn yêu cầu thi hành án đến Chi cục Thi hành án dân sự Q.Sơn Trà (gọi tắt là Cơ quan thi hành án) để yêu cầu giải quyết thi hành án. Đến ngày 18/10/2023, Cơ quan Thi hành án ban hành quyết định buộc vợ chồng bà Thảo phải trả nợ cho tôi nhưng vợ chồng bà Thảo vẫn tiếp tục không chấp hành án. Được biết, vợ chồng bà Thảo đang đứng tên chủ sở hữu, sử dụng nhà đất ở quận Sơn Trà và đang thế chấp ở Ngân hàng. Đã gần 1 năm trôi qua mà Cơ quan thi hành án vẫn chưa thi hành được Quyết định do chính Cơ quan thi hành án ban hành. Tôi muốn biết, Cơ quan thi hành án có đang chậm trễ thực hiện thi hành án hay không, tôi phải làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp Cơ quan thi hành án vẫn chậm trễ trong việc thực hiện các biện pháp thi hành án như hiện nay, mong Chuyên mục giải đáp giúp.
*Luật sư Lê Ngô Hoài Phong - Văn phòng Luật sư Phong & Partners, trả lời:
Điều 19 Bộ luật tố tụng Dân sự quy định về nguyên tắc Bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án:
1. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.
2. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Tòa án và cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án phải nghiêm chỉnh thi hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ đó.
3. Tòa án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án thông báo tiến độ, kết quả thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Cơ quan thi hành án trực tiếp tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án có trách nhiệm trả lời cho Tòa án.
Điều 45 Luật Thi hành án dân sự quy định về Thời hạn tự nguyện thi hành án:
1. Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.
2. Trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc hành vi khác nhằm trốn tránh việc thi hành án thì Chấp hành viên áp dụng ngay biện pháp quy định tại Chương IV của Luật này.
Điều 46 Luật Thi hành án Dân sự quy định về Cưỡng chế thi hành án:
1. Hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật này, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.
2. Không tổ chức cưỡng chế thi hành án trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật và các trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định.
Điều 71 Luật Thi hành án dân sự quy định về Biện pháp cưỡng chế thi hành án:
1. Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.
2. Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.
3. Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.
4. …
Điều 140 Luật Thi hành án dân sự quy định về Quyền khiếu nại về thi hành án:
1. Đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Căn cứ các quy định vừa trích dẫn ở trên, có thể thấy rằng pháp luật quy định rất rõ về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan đến việc thi hành án và các biện pháp cưỡng chế thi hành án.
Trước tiên, theo quy định tại Điều 19 Bộ luật Tố tụng dân sự, phán quyết của Tòa án về việc buộc vợ chồng bà Thảo trả nợ cho chị D phải được thi hành. Cơ quan thi hành án cùng vợ chồng bà Thảo phải nghiêm chỉnh chấp hành phán quyết của Tòa án và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp không chấp hành.
Thứ đến, vì vợ chồng bà Thảo không tự nguyện thi hành án nên theo quy định tại Điều 45, Điều 46, Khoản 3 Điều 71 Luật Thi hành án dân sự, vợ chồng bà Thảo sẽ bị áp dụng cưỡng chế, với biện pháp cưỡng chế là Kê biên, xử lý tài sản là nhà đất mà vợ chồng bà Thảo đang đứng tên chủ sở hữu, sử dụng hoặc tất cả tài sản thuộc quyền sở hữu của vợ chồng bà Thảo. Theo đó, Cơ quan thi hành án sẽ thực hiện thủ tục Kê biên, xử lý tài sản thông qua việc bán đấu giá nhà đất của vợ chồng bà Thảo để đảm bảo thi hành phán quyết của Tòa án, đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho chị D.
Tuy nhiên, theo thông tin chị D. cung cấp, quyết định thi hành án được ban hành từ ngày 18/10/2023, đến nay cũng đã sắp tròn 1 năm nhưng việc thi hành án vẫn chưa xong là có dấu hiệu Cơ quan thi hành án chậm trễ trong việc thực hiện các thủ tục liên quan để thi hành phán quyết của Tòa án, cũng như thi hành chính quyết định ngày 18/10/2023 của chính Cơ quan thi hành án. Theo quy định tại Điều 140 Luật Thi hành án dân sự, chị D. có quyền khiếu nại hành vi chậm trễ thực hiện các thủ tục để thi hành án của chấp hành viên/Cơ quan thi hành án để yêu cầu chấp hành viên/Cơ quan thi hành án chấm dứt hành vi chậm trễ và thực hiện các thủ tục thi hành án. Trong trường hợp Cơ quan thi hành án vẫn không chấm dứt hành vi chậm trễ thực hiện các thủ tục thi hành án, chị D. có thể gửi khiếu nại đến cơ quan thi hành án cấp trên, hoặc các cơ quan nhà nước có liên quan để được can thiệp xử lý.