Làm gì khi con thi... trượt?

Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT được coi là thành quả nỗ lực của các sĩ tử suốt 12 năm đèn sách, mang theo nhiều hy vọng về tương lai tươi sáng với cánh cổng trường đại học rộng mở. Thế nhưng đi cùng với đó sẽ là không ít nỗi buồn khi kết quả thi của nhiều thí sinh không được như kỳ vọng.

Ngày 17/7 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Bên cạnh những thí sinh có điểm số cao, không ít thí sinh đạt được kết quả không như mong đợi, kỳ vọng ban đầu đặt ra.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chị Thanh ở phường Phú Thủy - TP. Phan Thiết những ngày qua trăn trở, lo lắng vì sắp đến ngày công bố kết quả thi THPT của con trai. Chị chia sẻ: Ngay sau khi hoàn thành các bài thi, con đã nói làm bài không tốt và rất lo lắng về điểm thi của mình. “Thực tế tôi cũng không quá quan trọng việc con có vào được đại học tốp đầu hay không nhưng con lại đặt kỳ vọng khá nhiều. Vì vậy, từ ngày thi về con thường buồn, ít nói chuyện với gia đình nên tôi càng lo lắng hơn. Hiện tại khi đã biết điểm thi, đúng như dự đoán ban đầu, con có kết quả không như mong muốn và tỏ ra rất thất vọng. Mặc dù đã an ủi nhiều nhưng con vẫn buồn nên tôi băn khoăn chưa biết làm thế nào để có thể cùng con vượt qua cú sốc này”.

Đây có lẽ là tâm trạng chung của nhiều phụ huynh, đặc biệt hơn với những thí sinh và gia đình có kết quả không được như ý, ngoài những cảm giác lo âu, hồi hộp, căng thẳng còn có thêm sự hụt hẫng, thất vọng, buồn bã... Đây là thời điểm những cảm xúc của cha mẹ và con cái dễ xung đột tạo ra những mâu thuẫn. Trong thực tế cho thấy có những bậc phụ huynh chỉ vì kết quả thi cử của con cái không được như kỳ vọng đã không tiếc lời trách móc, xúc phạm con mình và coi chúng là “đồ bỏ đi”. Điều này gây nên những tổn thương tâm lý hết sức nặng nề đối với những đứa trẻ, khiến chúng cảm thấy bơ vơ trước cú ngã đầu đời.

Để giảm bớt những căng thẳng sau khi biết được kết quả của kỳ thi, thay vì buồn trách, thất vọng với kết quả không đạt như mong muốn, cha mẹ hãy chia sẻ với con, để con nói ra những cảm xúc, trở thành chỗ dựa tinh thần cho con. Ở thời điểm này cha mẹ đừng để con một mình, hãy khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động cùng gia đình hoặc tập thể. Những hoạt động sẽ giúp con được giải tỏa những cảm xúc lo lắng, tiêu cực, sự quan tâm của gia đình sẽ giúp con vượt qua khủng hoảng nhanh chóng hơn. Điều quan trọng nhất là hãy cùng con tìm kiếm giải pháp. Cha mẹ hãy để con chia sẻ những mong muốn, sở thích và đam mê của con, để từ đó tìm những mục tiêu tiếp theo để con nhận thấy bất kể kết quả kỳ thi này thế nào thì vẫn còn hàng trăm lựa chọn, hàng ngàn cơ hội để vào đời và thành công.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/lam-gi-khi-con-thi-truot-121480.html