Làm gì khi trẻ có dấu hiệu bị bạo lực, xâm hại?

Chương trình tập huấn góp phần giúp cộng tác viên xã hội ở Thạch Hà (Hà Tĩnh) tìm ra cách giải quyết, xử lý khi trẻ em có dấu hiệu bị bạo lực, xâm hại.

Sáng 10/12, Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật Hà Tĩnh phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện Thạch Hà tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội trên địa bàn.

 Đại biểu tham dự lớp tập huấn.

Đại biểu tham dự lớp tập huấn.

Tham gia tập huấn, hơn 200 cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội trên địa bàn huyện Thạch Hà đã được truyền tải nội dung chuyên đề phòng chống bạo hành, xâm hại trẻ em.

Theo số liệu thống kê của Chính phủ tại báo cáo về thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em ngày 14/5/2020, kỷ luật mang tính bạo lực vẫn còn phổ biến ở Việt Nam, với 68,4% trẻ em trong độ tuổi từ 1-14 cho biết đã từng bạo hành từ cha mẹ và người chăm sóc trong gia đình.

Trong những năm qua, trên cả nước, số vụ bạo lực, xâm hại tình dục trẻ đã xảy ra 6.364 vụ xâm hại tình dục, 6.432 nạn nhân; 170 vụ giết trẻ em, 191 nạn nhân; 536 vụ cố ý gây thương tích đối với trẻ em, 666 nạn nhân; 126 vụ mua bán, bắt cóc trẻ em, 106 nạn nhân; 1.246 vụ xâm hại khác, 1.314 nạn nhân. Các hành vi xâm hại trẻ em xảy ra trong cộng đồng, nhà trường và trong chính gia đình có tính chất ngày càng phức tạp, nghiêm trọng.

Các kiểu bạo lực, xâm hại trẻ em thường bắt gặp chủ yếu bạo lực về mặt thể chất; bạo lực về mặt xã hội, bạo lực tinh thần; bạo lực tình dục; bạo hành trẻ em trên không gian mạng với nước có mức độ sử dụng Internet cao như ở Việt Nam. Trên không gian mạng trẻ em có thể bắt gặp những thông tin xấu, độc, bị kẻ xấu tung hình ảnh xâm hại đời tư, hay là bị tiếp cận, làm quen bằng những tin nhắn gạ gẫm, ép buộc, đe dọa.

 Thạc sĩ Lê Thị Bích Ngọc - giảng viên Chuyên Khoa tâm lí giáo dục Trường Đại học Hà Tĩnh truyền tải nội dung về chuyên đề bạo hành, xâm hại trẻ em.

Thạc sĩ Lê Thị Bích Ngọc - giảng viên Chuyên Khoa tâm lí giáo dục Trường Đại học Hà Tĩnh truyền tải nội dung về chuyên đề bạo hành, xâm hại trẻ em.

Một số nguyên nhân chính do sự thiếu quan tâm, thậm chí buông lỏng của gia đình trong việc quản lý, giáo dục; việc cho trẻ sử dụng điện thoại, tiếp cận internet sớm đã làm cho con tiếp cận gần hơn các nội dung độc hại, tiêu cực trên môi trường mạng.... Vì vậy, việc tuyên truyền, giáo dục, thực thi quyền trẻ em cần được tăng cường trong giai đoạn hiện nay.

Tại buổi tập huấn, giảng viên đã chia sẻ những tình huống từ thực tiễn, cung cấp các kiến thức bổ ích, kỹ năng cần thiết để các cán bộ, nhân viên, cộng tác viên xã hội tìm ra cách giải quyết, xử lý khi trẻ em có dấu hiệu bị bạo lực, xâm hại.

Đây là hoạt động ý nghĩa góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng phát huy vai trò trách nhiệm của nhân viên công tác xã hội khi tham gia trợ giúp, giải quyết tình huống nhằm giảm thiểu tối đa số vụ bạo lực, xâm hại trẻ em ngay tại địa phương.

Thơm Linh

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/lam-gi-khi-tre-co-dau-hieu-bi-bao-luc-xam-hai-post278882.html