Làm gì phòng chống bệnh bạch hầu nguy cơ bùng dịch ở TPHCM, Đắk Nông?
Sau Đắk Nông, TP HCM đã ghi nhận ca mắc bệnh bạch hầu đầu tiên. Cách tốt nhất để phòng tránh bệnh lây lan là cần chủ động chích ngừa đầy đủ.
Chiều 25/6, Trung tá Phan Bá Hiếu, Phụ trách khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) cho biết đơn vị này đang tiếp nhận điều trị cho một nam bệnh nhân 20 tuổi ở TP.HCM mắc bệnh bạch hầu.
Trước đó, nam bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt, đau họng, vùng hàm sưng to. Nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, các bác sĩ nhanh chóng khởi động quy trình cách ly, khử khuẩn toàn bộ các khu vực bệnh nhân đã đi qua và lấy mẫu xét nghiệm.
Kết quả xét nghiệm Bệnh viện Quân y 175 và Viện Pasteur TP.HCM khẳng định bệnh nhân mắc bạch hầu.
Bác sĩ Hiếu cho biết nhằm đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế và các bệnh nhân, bệnh viện đã nhanh chóng cách ly những trường hợp tiếp xúc gần với ca mắc trên trong phòng bệnh. Hàng chục nhân viên y tế và các bệnh nhân cùng phòng đã được uống thuốc điều trị dự phòng.
Cũng trong những ngày gần đây, Sở Y tế Đắk Nông, cho biết, tỉnh đang thực hiện các biện pháp cách ly, khử trùng, tiêm vắcxin phòng bệnh do địa phương có thêm một ổ dịch bạch hầu mới tại xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong. Điều đáng lo ngại là ổ dịch mới này không có mối liên quan đối với hai ổ dịch xảy ra tại huyện Krông Nô và xã Quảng Hòa (huyện Đắk Glong) nên địa phương phải tập trung rà soát nguồn lây bệnh để đảm bảo ngăn chặn kịp thời các điểm mới.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Đắk Nông, đến sáng 24/6, Việt Nam đã có 12 ca dương tính với bạch hầu gồm 4 ca tại huyện Krông Nô đã được điều trị; 5 ca ở xã Quảng Hòa (trong đó có 1 ca tử vong) và 3 ca ở ổ dịch mới tại xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong.
Việc liên tiếp xuất hiện 3 ổ dịch bạch hầu ở tỉnh Đắk Nông và một ca bệnh ở TP HCM khiến không ít người dân lo ngại và quan tâm đặc biệt đến cách phòng bệnh.
Hiện nay, đã có thuốc để điều trị bệnh bạch hầu, tuy nhiên, trong giai đoạn tiến triển, bệnh bạch hầu có thể gây hại cho tim, thận và hệ thần kinh của người bệnh. Ngay cả khi điều trị, bệnh bạch hầu có thể gây tử vong với tỷ lệ 3% những người mắc bệnh bạch hầu tử vong, tỷ lệ này còn cao hơn ở trẻ em dưới 15 tuổi.
Bệnh bạch hầu lưu hành rộng rãi ở mọi nơi trên thế giới và đã gây nên các vụ dịch nghiêm trọng, nhất là ở trẻ em trong thời kỳ chưa có vaccine dự phòng. Năm 1923, vaccine giải độc tố bạch hầu ra đời và từ đó đến nay tính nghiêm trọng của bệnh dịch đã thay đổi trên toàn thế giới.
Hiện nay, tiêm vaccine là giải pháp phòng bệnh bạch hầu hiệu quả và an toàn nhất. Vaccine phòng bệnh bạch hầu thường được tiêm phối hợp với vaccine phòng uốn ván và ho gà trong chương trình tiêm chủng mở rộng hoặc phối hợp trong vaccine 5 trong 1, vaccine 6 trong 1.
Bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và tiếp xúc với mầm bệnh. Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu (ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td) đủ mũi tiêm và đúng lịch.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
5. Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Lịch tiêm chủng vaccine SII hoặc ComBe Five trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng:
- Mũi 1: Tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi
- Mũi 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng
- Mũi 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng
- Mũi 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi.