Làm gì trước dân số vàng nhưng đang già?

Việt Nam bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng từ năm 2007. Tuy nhiên, sự suy giảm tỷ lệ sinh và hạn chế mức sinh đang khiến cho quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh, dự báo Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2038…

Cần chuẩn bị chính sách cho lao động người cao tuổi. (Ảnh minh họa trong bài: H.Ái)

Cần chuẩn bị chính sách cho lao động người cao tuổi. (Ảnh minh họa trong bài: H.Ái)

Chưa tận dụng được “giàu trước khi già”

Dân số Việt Nam đã vượt qua mốc 100 triệu dân vào tháng 4/2023, thuộc nhóm 15 quốc gia đông dân trên thế giới, đứng thứ 8 ở châu Á và thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Việt Nam cũng đang ở trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng với gần 70% dân số trong độ tuổi lao động, là cơ hội lớn để tận dụng nguồn nhân lực có chất lượng cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của đất nước.

Tuy nhiên, xu hướng già hóa dân số cũng đang diễn ra nhanh, dự báo đến năm 2038, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già. Do đó, thời kỳ dân số vàng là cơ hội “có một không hai” để các quốc gia phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng muốn phát huy được cơ hội vàng đó, nguồn lao động này phải “vàng” về tri thức, kỹ năng và tay nghề thì mới biến giấc mơ “hóa rồng” thành hiện thực.

Theo các nhà nhân khẩu học, cơ cấu dân số vàng là thời kỳ mà tỷ lệ những người từ 15 tuổi đến 64 tuổi (những người có thể có khả năng lao động) chiếm 66% tổng số dân trở lên. Đây là cơ cấu rất hiếm gặp được đánh giá quý và hiếm như vàng.

GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Dân số và Các vấn đề xã hội (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) đánh giá giai đoạn cơ cấu dân số vàng của Việt Nam kéo dài từ 30 đến 35 năm. Hiện tỷ lệ người từ 15 đến 64 tuổi của nước ta là 67,5%, như vậy với quy mô khoảng 100 triệu dân, số người có khả năng lao động tương ứng là 67,5 triệu. Đây là dư lợi lớn về lao động do cơ cấu dân số vàng mang lại, tạo cơ hội cho tăng trưởng kinh tế nhanh. Nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc… đã có bước phát triển kinh tế “thần kỳ” trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng.

Tuy nhiên, cơ cấu dân số vàng mới chỉ mang lại cơ hội cho tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước. Để tận dụng được cơ hội này, những người trong độ tuổi lao động phải khỏe mạnh, đủ sức làm việc và phải đủ trình độ. Những người đủ sức làm việc phải có việc làm và những người có việc làm phải làm việc với năng suất cao.

Hiện nay, lao động trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm khoảng 30%, cao hơn rất nhiều so với các nước phát triển (khoảng 3% đến 4%). Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động được đào tạo chuyên môn, kỹ thuật còn thấp, là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam chưa cao... Vì vậy, nâng cao năng suất lao động đang là thách thức lớn nhất để đưa nền kinh tế của nước ta đột phá tăng trưởng nhanh hơn nữa, sớm trở thành nền kinh tế có thứ hạng cao trên thế giới, tương xứng với quy mô dân số.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm 2022, cả nước có 51,7 triệu người trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, có tới 73,8% số người trong độ tuổi lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật; chỉ 26,2% lao động có chuyên môn kỹ thuật (trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học). Tính đến quý I/2023, trong số 52,2 triệu người thuộc lực lượng lao động, vẫn có khoảng 38,1 triệu lao động chưa qua đào tạo. Điều này càng đặt ra những vấn đề cấp bách khi đất nước muốn ứng dụng công nghệ cao để tăng tốc phát triển.

Cũng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Việt Nam chưa khai thác được hiệu quả lợi thế của cơ cấu dân số vàng. Nguyên nhân là do chất lượng nguồn nhân lực cũng như năng suất lao động còn hạn chế. Chúng ta chưa tận dụng được nguồn lao động dồi dào mà chủ yếu là khai thác lao động giá rẻ và lao động giản đơn, hiện 33,2% việc làm kỹ năng thấp, chỉ có 11,2% việc làm kỹ năng cao (trung bình các nước phát triển trên thế giới là 20%).

Có thể nói, dân số trẻ, quy mô lớn, nhưng mức thu nhập vẫn chỉ là trung bình thấp. Vậy làm thế nào để tận dụng hai yếu tố “trẻ và lớn” để nâng cao mức thu nhập cho người lao động đang là bài toán cần tìm lời giải. Theo GS.TS Giang Thanh Long, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, nếu nhìn về cơ cấu, độ tuổi trong khoảng 100 triệu dân hiện nay, chúng ta có thể tận dụng được những tinh túy của dân số vàng hay không, đó là vấn đề cần phải bàn. Dân số vàng nhưng đồng thời cũng đang già.

Đơn cử, một người đang ở tuổi 35 - 40, có nghĩa là khoảng hơn 20 năm nữa sẽ xếp vào khu vực dân số già. Nếu thời điểm này vẫn đang chung chiêng về nghề nghiệp thì gần như không có nguồn lực để lo tuổi già. Do đó, cần phát triển hệ thống y tế, giáo dục để thúc đẩy phát triển nhân lực, thể lực, trí lực, giúp người lao động Việt Nam được ra ở tuyến đầu và tuyến cuối của chuỗi sản xuất toàn cầu. Nếu nằm ở giữa chuỗi thì sẽ mãi thu nhập thấp, năng suất sẽ không tăng lên như kỳ vọng...

Thích ứng dân số già - đào tạo, chuyển đổi nghề cho người cao tuổi

Phần lớn người già sống ở các miền quê không có lương hưu.

Phần lớn người già sống ở các miền quê không có lương hưu.

Với quy mô dân số 100 triệu người và đang ở thời kỳ dân số vàng, Việt Nam rõ ràng có lợi thế trong hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện khát vọng đặt ra tại Nghị quyết XIII của Đảng là Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 - năm kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Trước mắt, vào năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Do đó, để tận dụng cơ cấu dân số vàng trong bối cảnh công nghiệp 4.0, đòi hỏi phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bắt đầu ngay từ khâu đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề.

Bên cạnh đó, cần tích cực thực hiện tốt các giải pháp tăng năng suất lao động kết hợp với các chính sách khuyến khích tăng tỷ lệ tham gia lao động. Đặc biệt là tỷ lệ tham gia lao động ở nhóm người cao tuổi (NCT), góp phần tạo thêm thu nhập, giúp giảm thiểu “thâm hụt vòng đời kinh tế” nhằm tận dụng lợi tức nhân khẩu học thứ hai cho quá trình tăng trưởng và phát triển bền vững. Đây là chia sẻ của ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục Dân số trong Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Dân số thế giới 11/7 diễn ra tại Hà Nội.

Còn theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, Việt Nam cần thực hiện nhiều giải pháp để đa dạng hóa nguồn thu nhập của NCT, đặc biệt là tăng tỷ lệ NCT có lương hưu; tăng tỷ lệ NCT có việc làm (nếu có khả năng và có nhu cầu), tăng tỷ lệ NCT được hưởng trợ cấp xã hội, có chính sách hỗ trợ để giảm chi phí khi vào các trung tâm dưỡng lão.

Hiện cứ 100 NCT thì có 38 người tham gia lực lượng lao động. Theo Tổng điều tra dân số 2019, khoảng 4,41 triệu NCT tham gia lực lượng lao động, chiếm 7,9% lực lượng lao động của cả nước và bằng 38% số NCT. Hàng triệu NCT đang hoạt động kinh tế vừa phản ảnh khả năng, vừa phản ảnh nhu cầu có việc làm của NCT, đồng thời là đóng góp lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, các thống kê cũng cho thấy phần lớn NCT tham gia lực lượng lao động gặp khó khăn trong tiếp cận việc làm. Để giải quyết vấn đề này, Nhà nước cần đa dạng chính sách thu hút, khuyến khích, hỗ trợ NCT và doanh nghiệp sử dụng lao động cao tuổi. Gia đình và xã hội ủng hộ NCT tiếp tục làm việc phù hợp khả năng sức khỏe, chuyên môn; chú trọng đào tạo nghề và đào tạo chuyển đổi nghề cho NCT.

Trước thực tế về tốc độ già hóa dân số nhanh chóng, mới đây Bộ Y tế đã trình đề nghị xây dựng Luật Dân số, trong đó đề xuất nhiều giải pháp liên quan đến thích ứng với dân số già. Với thích ứng già hóa dân số, Bộ Y tế đề xuất xây dựng quy trình, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về chăm sóc sức khỏe, chăm sóc dài hạn cho NCT. Có những gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho NCT, hệ thống chăm sóc dài hạn cho NCT phù hợp với đặc điểm về giới, độ tuổi, học vấn, văn hóa, kinh tế - xã hội, phù hợp các vùng miền và địa phương.

Đặc biệt, xây dựng các chương trình và dự án đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động trước khi là NCT phù hợp với nhu cầu, sức khỏe, trình độ, năng lực và nhu cầu thị trường. Xây dựng, tạo môi trường làm việc thân thiện với NCT.

Thực hiện các chương trình và dự án đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động trước khi là NCT; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực về chăm sóc dài hạn cho NCT,...

Những đề xuất này được các chuyên gia đánh giá phù hợp với tình hình già hóa dân số tại Việt Nam. Tuy nhiên, để thực hiện được cần có nguồn ngân sách hỗ trợ và sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ban, ngành khi thời gian già hóa đang trở thành tương lai gần ở nước ta…

Nguyễn Mỹ

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/lam-gi-truoc-dan-so-vang-nhung-dang-gia-post521427.html