Làm gì và như thế nào để chung sống an toàn với Covid-19?

Để chung sống an toàn với dịch bệnh, mỗi quốc gia đều cần một 'lộ trình' để đưa cuộc sống bình thường hóa trở lại. Những vấn đề gì sẽ đặt ra cho lộ trình đó? Phân tích của báo Thế giới & Việt Nam.

Để chung sống an toàn với dịch bệnh, không thể có mô hình chung nào hết cho tất cả hay nhóm quốc gia và vùng lãnh thổ. (Nguồn: Istock)

Các nước trên thế giới bước vào thời kỳ chung sống với dịch bệnh Covid-19 không phải với cùng điều kiện xuất phát. Ngoại trừ số rất ít nơi không bị ảnh hưởng của dịch bệnh, các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có thể được phân chia ra thành 2 diện, theo phương diện điểm xuất phát, là diện các nơi về cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh, cụ thể là không còn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng và diện các nơi vẫn trong tình trạng dịch bệnh lây lan ở cộng đồng.

Cần một lộ trình “bình thường hóa trở lại”

Do đặc thù riêng về địa lý, chính trị, tổ chức nhà nước và xã hội, văn hóa, tôn giáo, mức độ gắn kết với thế giới bên ngoài và mạng lưới quan hệ quốc tế nên việc cùng chung sống với dịch bệnh ở từng nơi khác nhau, không thể có mô hình chung nào hết cho tất cả hay nhóm quốc gia và vùng lãnh thổ, mọi bài học kinh nghiệm chỉ nên được tham khảo chứ không được coi là sự đảm bảo cho thành công. Cũng chính vì thế, mỗi nơi phải giải quyết những vấn đề khác nhau, theo mức độ ưu tiên khác nhau, ở chiều sâu và phạm vi rộng khác nhau trong thời cùng chung sống với dịch bệnh.

Dù vậy, vấn đề trước hết mà các nơi đều phải giải quyết là xác định lộ trình thực hiện những biện pháp chính sách nhằm "bình thường hóa trở lại" hoạt động của nhà nước, đời sống xã hội và sản xuất kinh doanh. Một lộ trình như thế là cần thiết không thể thiếu bởi thời kỳ cùng chung sống với dịch bệnh trong thực chất là thời kỳ chuyển từ "cấm đoán" sang "quản lý" hoặc từ "hạn chế" sang "nới lỏng" trong sự phòng ngừa thường trực kịch bản dịch bệnh tái bùng phát và lây lan.

Các nơi trên thế giới chỉ có thể thành công ở thời kỳ này khi đáp ứng được hai điều kiện tiên quyết là đẩy lùi được dịch bệnh ở bên trong cùng với ngăn ngừa được tuyệt đối dịch bệnh lây lan từ bên ngoài vào và hoàn toàn chủ động vận hành thời kỳ cùng chung sống với dịch bệnh.

Từ đó có thể thấy, lộ trình thực hiện những biện pháp chính sách cho thời kỳ này phải đồng thời nhằm tới và đạt được 4 mục tiêu sau: (1) không để bùng phát làn sóng dịch bệnh mới, (2) phục hồi và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế và thương mại, tăng cường xuất khẩu và hoạt động kinh tế đối ngoại, (3) ổn định mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt về công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động và (4) luôn sẵn sàng ứng phó dịch bệnh một cách chủ động và hiệu quả. Lộ trình như thế sẽ giúp cho chính quyền và người dân vững tin vững bước trong việc "bình thường hóa trở lại" bất chấp nguy cơ dịch bệnh vẫn còn tồn tại.

Những vấn đề đặt ra

Vấn đề đặt ra tiếp theo là chính quyền thực thi nhanh chóng những chương trình tài chính nhằm kích cầu phát triển kinh tế xã hội, trợ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và tác động tiêu cực bởi dịch bệnh cũng như đảm bảo an sinh xã hội. Tất cả những chương trình tài chính này được thực hiện càng nhanh chóng với hiệu quả thiết thực ngày càng cao thì quá trình "bình thường hóa trở lại" ở thời kỳ cùng chung sống với dịch bệnh càng thêm thuận lợi và dễ thành công, những tác động hay hậu quả và hệ lụy tiêu cực của dịch bệnh đối với chính quyền và người dân, đối với nền kinh tế và xã hội càng nhanh chóng có thể được khắc phục và đồng thời nhịp độ tăng trưởng của kinh tế và phát triển của xã hội có thể được nhanh chóng phục hồi và đẩy mạnh.

Ở đâu đạt được thành quả này thì ở đó sẽ nâng cao được đáng kể năng lực ứng phó, ngăn ngừa và đẩy lùi được dịch bệnh. Ở vấn đề này lại thể hiện rất rõ vai trò quyết định của chính quyền. Thời này vẫn là thời đòi hỏi chính quyền phải có và thể hiện bản lĩnh lãnh đạo và tầm nhìn chiến lược, sâu sát thực tiễn và nhạy bén trước biến động, kết hợp sự quyết đoán cho trước mắt với mưu tính cho lâu dài.

Vấn đề đặt ra thứ ba là chấn chỉnh và cải tổ, củng cố và tăng cường công tác phòng ngừa và ứng phó dịch bệnh nói riêng và biến cố bất ngờ nói chung, về tổ chức cũng như cơ chế, về cơ sở vật chất cũng như nhận thức đúng đắn chung. Mục đích ở đây là không chỉ luôn sẵn sàng ứng phó dịch bệnh mà còn phải ứng phó hiệu quả nhất ở thời cùng chung sống với dịch bệnh, đồng thời nâng cao hơn nữa hiệu quả thiết thực của công việc thường xuyên phòng ngừa dịch bệnh, phát hiện dịch bệnh từ xa, báo động về dịch bệnh từ sớm, nhuần nhuyễn việc vận hành các cơ chế ứng phó dịch bệnh khi các cơ chế ứng phó được kích hoạt.

Ở đây là vấn đề chính quyền phải quan tâm nhiều hơn, dành ưu tiên chính sách cao hơn và đầu tư nhiều hơn - bằng chính sách, cơ chế và tài chính, nhân lực - cho công tác ý tế dự phòng, cho việc đào tạo nguồn nhân lực, cho khả năng sẵn sàng chuyển hướng những ngành kinh tế nhất định nhanh chóng chuyển sang sản xuất phục vụ cho công cuộc chống dịch bệnh để không phụ thuộc vào nguồn cung ứng thiết bị, vật dụng hay thuốc men cần thiết. Chỉ như thế thì mới có thể tránh phải trả giá đắt khi dịch bệnh lại bùng phát và lây lan.

(Đón xem các phân tích tiếp theo về chủ đề : Thời chung sống với dịch bệnh)

Dịch Dung

Dịch Dung

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lam-gi-va-nhu-the-nao-de-chung-song-an-toan-voi-covid-19-115344.html