Làm gì với di tích 'quốc gia đặc biệt'?
Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định công nhận di chỉ khảo cổ học Sa Huỳnh thuộc thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi là 'di tích quốc gia đặc biệt'.
Tin này mang lại niềm vui cho tỉnh Quảng Ngãi nhưng lại kèm theo câu hỏi là làm gì để phát huy được giá trị của di tích văn hóa đặc biệt này?
Di chỉ khảo cổ học Sa Huỳnh được nhà khảo cổ học người Pháp M.Vinet phát hiện tình cờ qua một chuyến điền dã vào năm 1909 ngay bên bờ biển có tên gò Ma Vương, cạnh đầm An Khê thuộc xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ với hàng trăm mộ chum của người tiền sử.
Có ý kiến cho rằng, chủ nhân khu mộ chum này là của những thuyền nhân trong các chuyến hải hành vượt đại dương. Họ chôn người bị chết trong những chuyến đi, ngay cạnh bờ biển này để cho “dễ nhớ”.
Tuy nhiên, những gì thu lượm được qua các cuộc khai quật của các nhà khảo cổ học ở nhiều địa điểm khác nhau tại Quảng Ngãi, sau này là cả khu vực miền Trung, đã chứng minh rằng, tại khu vực Trung Bộ ngày nay từng tồn tại một nền văn minh của người tiền sử cách nay trên dưới 3 ngàn năm. Các nhà nghiên cứu định danh cho nền văn hóa này là Văn hóa Sa Huỳnh.
Xuất phát từ một địa chỉ cụ thể tại một địa chỉ có tên là Sa Huỳnh, Văn hóa Sa Huỳnh đã lan tỏa ra cả một vùng rộng lớn, trải dài suốt khu vực miền Trung. Di tích này được xếp hạng đặc biệt không chỉ là dựa vào những gì thu lượm được từ các đợt khai quật khảo cổ để lý giải sự tồn tại hàng ngàn năm của con người tại khu vực khắc nghiệt này, mà nó còn bao hàm trên một không gian rộng lớn, không giống với bất cứ một di tích quốc gia đặc biệt nào ở Việt Nam.
Thông thường, các di tích quốc gia, nhất là những di tích liên quan đến một nền văn minh hoặc những công trình văn hóa của người xưa, lập tức thu hút sự quan tâm của nhiều người. Họ hành hương về các địa chỉ ấy để được tận mắt chứng kiến những công trình kỳ vĩ từng tồn tại hàng ngàn năm nhưng di chỉ Văn hóa Sa Huỳnh thì khác.
Các hiện vật như mộ chum, rìu đá, các công cụ sản xuất của người tiền sử… chỉ mang nhiều ý nghĩa với giới nghiên cứu chứ với những người bình thường thì chỉ mang tính chất “xem qua cho biết” chứ không đọng lại gì nhiều.
Tuy nhiên, Sa Huỳnh không chỉ có mộ chum và rìu đá, mà địa danh này còn là một thắng cảnh ngay trên đường thiên lý Bắc - Nam. Hàng loạt các lễ hội dân gian như hát bả trạo, hát sắc bùa, bài chòi, hội lỗ lường, đua thuyền độc mộc và các hoạt động văn hóa đậm chất dân gian, nó tồn tại hàng bao đời nay với người miền biển này sẽ là một địa chỉ rất hấp dẫn cho du khách nếu biết khai thác.
Ngay như địa danh Gò Cỏ, một làng quê nằm cạnh gò Ma Vương - nơi phát hiện 200 mộ chum của người tiền sử, với những “huyền sử” mà nó đang mang trên người, đã thu hút một lượng khách du lịch cả Tây lẫn ta khá đông từ nhiều năm qua, nhất là những du khách thích khám phá những điều mới lạ.
Cần phải có một lộ trình bài bản và kế hoạch lâu dài, cẩn trọng để hình thành các điểm du lịch chung quanh di tích quốc gia đặc biệt này. Đây là một bài toán không dễ dàng như hình thành các khu công nghiệp - điều mà tỉnh Quảng Ngãi rất thành công trong nhiều năm qua.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lam-gi-voi-di-tich-quoc-gia-dac-biet-post622303.html