Làm giả hồ sơ để được xét tốt nghiệp đại học đúng hạn

Để được xét tốt nghiệp đại học đúng hạn, Trần Công Minh và Nguyễn Quốc Sơn đã làm giả hồ sơ cho bản thân và 8 người khác, thu lợi bất chính gần 25 triệu đồng.

Ngày 20-8, TAND TP HCM xét xử sơ thẩm đối với 2 bị cáo Trần Công Minh (SN 1994, ngụ TP HCM) và Nguyễn Quốc Sơn (SN 1994, ngụ TP HCM) cùng 8 bị cáo đồng phạm: Bùi Nguyễn Ngọc Hân (SN 1993, quê tỉnh Bình Phước); Võ Thị Hiệp (SN 1995, quê tỉnh Tây Ninh); Hàng Phước Can (SN 1998, quê tỉnh Đồng Tháp); Lê Sỹ Min (SN 1998, quê tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu); Lê Thị Kim Chi (SN 1987, quê tỉnh Long An); Trần Thị Nga (SN 1995; quê tỉnh Bình Định); Trịnh Thị Phượng (SN 1996, ngụ Thanh Hóa) và Văn Thị Hoàng Oanh (SN 1993, ngụ tỉnh An Giang) về tội "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức" và tội "Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".

Theo cáo trạng, Trần Công Minh (SN 1994, ngụ TP HCM) và Nguyễn Quốc Sơn (SN 1994, ngụ TP HCM) là sinh viên lớp Quản lý - cung ứng thuốc (hệ đào tạo liên thông tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng).

Theo quy định, để được xét tốt nghiệp đại học, sinh viên cần phải có các giấy tờ như: Đơn đề nghị, bản sao có chứng thực văn bằng tốt nghiệp chuyên môn, bản sao có chứng thực chứng minh nhân dân, Giấy khám sức khỏe, Giấy xác nhận thời gian thực hành tại Cơ sở thực hành chuyên môn về dược (Giấy xác nhân thực hành), phiếu lý lịch tư pháp.

Do chưa có Giấy xác nhận thực hành nên Minh và Sơn đã lên mạng xã hội đặt mua của 1 đối tượng chưa rõ lai lịch con dấu giả của Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, con dấu giả chức danh và chữ ký của lãnh đạo Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cùng nhiều con dấu giả khác để làm giả hồ sơ.

Sau đó, cả hai gửi hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dược lên Sở Y tế TP HCM và được Sở Y tế TP HCM cấp Chứng chỉ hành nghề dược.

Thấy mọi chuyện diễn ra đơn giản và thuận lợi, trong khoảng thời gian từ tháng 7-2022 đến tháng 10-2022, các bị cáo Minh và Sơn đã liên hệ với 8 cá nhân: Hân, Hiệp, Can, Min, Chi, Nga, Phượng, Oanh (cùng học ngành dược) có nhu cầu để làm giả hồ sơ với số tiền từ 4,5 đến 6,5 triệu đồng/bộ.

Sau khi làm giả 8 bộ hồ sơ, Minh và Sơn đã gửi đến Sở Y tế TP HCM đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dược và được Sở Y tế TP HCM cấp Chứng chỉ hành nghề dược cho 3 bộ hồ sơ của Min, Hân và Chi.

Riêng 5 bộ hồ sơ còn lại, Sở Y tế TP HCM đề nghị Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM xác minh, kiểm chứng. Sau khi tiếp nhận sự việc, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM đã chuyển hồ sơ đến Công an TP HCM điều tra làm rõ.

Bị cáo Trần Công Minh (áo xanh) và bị cáo Nguyễn Quốc Sơn tại tòa

Bị cáo Trần Công Minh (áo xanh) và bị cáo Nguyễn Quốc Sơn tại tòa

Tại tòa, các bị cáo khai nhận do chưa được cấp Giấy xác nhận thực hành nhưng vẫn muốn được xét tốt nghiệp đại học đúng hạn nên đã đưa tiền cho Minh và Sơn để làm giả hồ sơ.

Đại diện VKS nhận định rằng Chứng chỉ hành nghề dược được xem là chứng chỉ quan trọng. Bởi ngành Y là ngành nghề đặc biệt, có tác động, ảnh hưởng lớn đến xã hội và tính mạng con người. "Cho nên không thể so sánh việc làm giả Chứng chỉ hành nghề dược với việc làm giả các chứng chỉ hành nghề khác. Việc làm giả Chứng chỉ hành nghề dược là hành vi vi phạm nghiêm trọng." - Đại diện VKS đánh giá.

HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Trần Công Minh 4 năm 6 tháng tù về tội "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức", 3 năm tù về tội "Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức", tổng hợp hình phạt 7 năm 6 tháng tù. Bị cáo Nguyễn Quốc Sơn 4 năm 6 tháng tù về tội "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức", 3 năm tù về tội "Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức", tổng hợp hình phạt 7 năm 6 tháng tù.

Các bị cáo Bùi Nguyễn Ngọc Hân 2 năm 9 tháng tù; Võ Thị Hiệp 3 năm tù; Hàng Phước Can 3 năm tù; Lê Sỹ Min 3 năm tù; Lê Thị Kim Chi 2 năm 6 tháng tù; Trần Thị Nga 2 năm tù; Trịnh Thị Phượng 3 năm tù và Văn Thị Hoàng Oanh 3 năm tù cùng về tội "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức" và tội "Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".

Minh Diễm

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/lam-gia-ho-so-de-duoc-xet-tot-nghiep-dai-hoc-dung-han-196240820175144208.htm