Làm giàu bình an

Có cách nào vẫn làm giàu được mà có đời sống bình an không?

Ông Nguyễn Anh Tài, chuyên gia chính sách kinh tế - đầu tư

Ông Nguyễn Anh Tài, chuyên gia chính sách kinh tế - đầu tư

Đây là câu hỏi mà chính bản thân tôi đã tìm kiếm suốt hơn 10 năm! Hỏi bao nhiêu bậc trí giả, đọc bao nhiêu sách, nghiên cứu cả triết học, kinh phật cũng như kinh thánh...

Phải nói rằng, trên thế gian này, ở không, nhàn cư mà còn không yên với cái tâm hay nhảy múa, cái trí cũng chạy theo chuyện thế sự mệt nhoài. Huống hồ gì là một doanh nhân, một người buôn bán hay một nhà đầu tư để làm giàu cho bản thân, gia đình, xã hội.

Do vậy, có cách nào để vừa làm ra tiền của mà vẫn có được một tâm hồn thảnh thơi, an nhàn tự tại không? Vẫn còn thời gian ngắm hoa thưởng nguyệt, đọc thơ không?

Cứ ước ao mãi là một doanh nhân thành đạt mà tấm lòng vẫn trong sáng, vẫn tràn ngập tình yêu thương sau mấy chục năm thương trường. May thay tôi cũng tìm ra trong số không nhiều cuộc đời các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lớn họ đã làm và sống được như vậy. Họ đã giác ngộ, đã lĩnh hội những tư tưởng lời dạy từ hiền nhân, từ bậc đại trí để áp dụng vào chính đời sống của mình để trở một doanh nhân mẫu mực thành đạt có đời sống bình an cho đến lúc từ giã cõi trần này.

Không tham lam: Người doanh nhân nên có ham muốn làm giàu. Vì ham muốn này mà thôi thúc hành động khởi nghiệp, tham gia vào thương trường, tạo ra sản phẩm để trao đổi mua bán kiếm tiền. Nhưng nếu đẩy sự ham muốn này vượt quá giới hạn thì tham lam lập tức xuất hiện ngay. Lòng tham ấy khống chế lương tri, khống chế thần trí để đẩy con người tốt đẹp hướng thiện thành bất chấp làm giàu bằng mọi giá. Và lúc ấy “con quỷ” dối gian có thể xuất hiện vào trong đời sống người doanh nhân. Nô lệ cho đồng tiền xuất hiện…các tật xấu khác từ đấy mà nối đuôi nhau.

Buông bỏ kịp thời: luôn luôn đề phòng những gì không tốt xuất hiện để buông bỏ như vi phạm luật pháp trong kinh doanh, như gặp phải đối tác xấu thì phải cắt đuôi, dù họ có mang lại lợi nhuận khổng lồ. Biết buông ngay những dự án lỗ kéo dài, không được tiếc nuối. Thậm chí buông ngay những kiểu cách làm ăn chụp giật không bài bản, đi trái thuần phong mỹ tục. Buông bỏ là một can đảm đồng thời thể hiện dũng khí nhìn xa trông rộng của người kinh doanh, đặt biệt các vị trí lãnh đạo cấp cao.

Không kiêu ngạo: làm người doanh nhân càng thành đạt thì càng phải khiêm tốn. Khi sự nghiệp còn chưa là gì thì tính kiêu ngạo chưa thấy nguy cơ. Nhưng khi doanh nghiệp ấy dẫn đầu trong một lĩnh vực nào đó thì tính kiêu ngạo có thể giết chết họ. Kiêu ngạo chính là xây bức tường ngăn cản mọi điều góp ý, kiêu ngạo sẽ không chấp nhận cái mới, không sẵn sàng thay đổi để hợp với thời cuộc. Kiêu ngạo sẽ không còn học được gì thêm, khinh thường đối thủ. Dù có một quá khứ lẫy lừng, một sản phẩm độc tôn, một thị trường độc quyền thì tính kiêu ngạo cũng sẽ bị những đối thủ yếu hơn nhưng có tính sáng tạo, đột phá ra đời thay thế rất nhanh. Không sự thất bại nào cay đắng bằng sự thất bại khi đứng ở đỉnh cao sự giàu có và quyền lực nhưng bỗng chốc tiêu tan.

Bỏ thói nóng giận: con người là bất toàn, nhưng làm doanh nhân cố gắng chậm nóng giận. Để trị được bệnh này phải học hỏi tính nhẫn nại trong việc lắng nghe. Chưa nghe xong mà đã quát lên ầm ĩ thì nhất định lần sau không ai cho ý kiến nữa. Trong thương trường người càng biết lấy nhu chế cương thì người ấy càng dễ thành công. Chế ngự được nóng giận cũng là cách thêm bạn bớt thù, tạo nên được một hệ sinh thái tốt đẹp trong làm ăn, tương hỗ lẫn nhau. Không giận thì đương nhiên đưa ra quyết định sẽ sáng suốt hơn rất nhiều.

Không nói xấu, đâm thọc: không vì cạnh tranh “miếng ăn” mà đi nói xấu đối thủ, đồng nghiệp. Không vì hạ đối thủ cùng ngành mà đâm thọc sau lưng. Cạnh tranh phải lành mạnh, công bằng. Dùng năng lực mà cạnh tranh, dùng sản phẩm tốt, giá thành hạ mà đối đầu với các doanh nghiệp khác. Ta tốt sẽ có bạn hàng tốt, sẽ có nhân sự tốt...môi trường làm việc của doanh nghiệp ta cũng vì thế mà không có đâm thọc nói xấu sau lưng nhau. Tạo nên một môi trường bình đẳng, biết yêu thương lẫn nhau tại nơi làm việc.

Biết tiết kiệm và có đời sống giản đơn: đây là điều đi ngược lại với vô số suy nghĩ của các doanh nhân, người làm ra của cải, người lắm tiền nhiều của. Hầu hết suy nghĩ có tiền nhiều thì sử dụng nhiều, âu đó cũng là bình thường. Nhưng chúng ta đang bàn đến làm giàu mà có được sự bình an trong tâm hồn. Nếu không có lý tưởng trong việc làm giàu nhằm đóng góp cho xã hội, làm giàu cũng là phụng sự cho đất nước, thậm chí cho thế giới, cho nhân loại thì rất khó để giữ được chân tâm trong sáng, giữ được ý chí kiên cường không gục ngã khi gặp khó khăn. Nếu vẫn có tư tưởng khoe của, khoa trương sự giàu sang thì nhất định tâm hồn đầy gợn sóng. Giàu nhưng sống giản dị chan hòa, giàu nhưng vẫn tràn ngập sự sẻ chia với người nghèo, giàu nhưng không tự tách biệt mình với thế giới xung quanh thì nhất định hạnh phúc sẽ đến một cách tự nhiên. Giàu vậy thì nhất định không lo không sợ mất của cải, từ đó tự tại tự nhiên xuất hiện trong tâm hồn.

Hướng thiện vì cộng đồng: khi giàu có rồi hãy làm từ thiện, hãy lập học bổng, hãy giúp người già cơ nhỡ, hãy giúp trẻ nhỏ mồ côi có tiền đi học tiếp..vv. Rất nhiều đề mục cần người có tiền giúp đỡ, từ hành động rất nhỏ cho đến những dự án to, tầm cỡ quốc gia hay Liên Hiệp Quốc. Do vậy, có tiền càng nhiều chia sẻ càng lớn. Tâm hướng thiện lòng nhẹ tênh. Hãy đóng góp những đồng tiền kiếm được vào nơi đau khổ nhất cần ta giúp…cho đến cuối đời, khi nhắm mắt cũng là lúc đồng tiền cuối cùng phân phát ra cho những mục vụ từ tâm ấy.

Nói tóm lại, đời sống doanh nhân, đời sống của người làm giàu đã không dễ (vì dễ thì ai cũng đã giàu rồi) nhưng giàu trong bình an càng khó hơn bội phần. Cái khó ấy mới đáng quý là bao. Khi chúng ta tìm ra được bài học, con đường, phương cách đối trị cái xấu cái độc hại diễn ra trong đời sống doanh nhân thì càng vui sướng tự tin làm giàu.

Giàu mà vẫn tu thân, dưỡng tánh được. Giàu nhưng vẫn đầy yêu thương thì dại gì không tham gia vào hành trình làm giàu ấy!

Nguyễn Anh Tài, chuyên gia chính sách kinh tế - đầu tư

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/lam-giau-binh-an-1678331278794.htm