Làm giàu cho văn hóa

Ngày nay, khi đến tham quan, nghiên cứu các di sản, bạn sẽ bắt gặp các đoàn khách du lịch, một xu thế dần trở nên quen thuộc. Thay vì chỉ đến các bãi biển, thác, vịnh..., du khách tìm đến các di tích, nơi kết tinh từ sự sâu lắng của vùng đất, lịch sử.

Bởi thế, đã có sự xuất hiện của các tour mới như: Kết nối di sản thế giới các nước ASEAN; hành trình di sản miền Trung; các lễ hội của Việt Nam như Festival nghệ thuật Huế, Festival biển Nha Trang, Carnaval biển Hạ Long, Festival cồng chiêng Tây Nguyên, Festival hoa Đà Lạt...

Văn hóa là một kho tàng quý giá của đất nước và nhân loại.

Văn hóa là một kho tàng quý giá của đất nước và nhân loại.

Văn hóa là một nguồn tài nguyên đặc biệt quý giá nếu được khai thác đúng hướng để phục vụ cho ngành công nghiệp du lịch. Nhưng, từ đâu chúng ta có được những câu ca dao ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên đất nước, kiểu như: "Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh/ Nước Tháp Mười lóng lánh cá tôm"; "Bạc Liêu nước chảy lờ đờ/ Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu"; hay: "Ruộng đồng kinh xáng quê ta/ Dân tôi thích một bài ca Tháp Mười/ Tháp Mười này Tháp Mười ơi/ Đẹp trời đẹp nước, đẹp đời tự do"...

Để có những lời lấp lánh đó, chúng ta phải thầm cảm ơn những người nông dân bao đời đã khai khẩn, lập nên chòm xóm, làng mạc. Họ đã bám đất, giữ đất làm nên mùa màng hội hè, đình đám, làm giàu cho văn hóa Việt. Thử hỏi, nếu không có những cư dân bình dị "không ai nhớ mặt đặt tên đó", thiên nhiên của đất nước ta còn tươi đẹp, hấp dẫn đến ngày nay hay không? Văn hóa có phải là thứ tài nguyên bất tận? Câu hỏi đó xin dành cho các nhà chuyên môn. Trong bài viết này người viết chỉ muốn chia sẻ một điều: Chúng ta phải có trách nhiệm làm giàu cho nền văn hóa của mình.

Nếu bạn thấy điều đó là mơ hồ, vu khoát, thì bạn hãy nghe câu chuyện về anh Dương Anh Tuấn (37 tuổi, ngụ phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) người bao năm đã cưu mang đàn cá sông như thú cưng, anh chia sẻ: "Cá đến bao nhiêu tôi sẽ nuôi bấy nhiêu. Bởi, hiện nay, nhiều người đánh bắt theo kiểu tận diệt, làm các loài cá tự nhiên ngày một ít. Tôi mong muốn việc làm của mình lan tỏa. Càng nhiều mô hình cưu mang, bảo vệ cá sông sẽ góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản" (theo: Duy Tân, Báo Thanh Niên).

Thực ra, không chỉ riêng anh Tuấn mà có nhiều người tâm huyết với việc bảo tồn thiên nhiên. Họ đều là những người còn vất vả mưu sinh hằng ngày nhưng không đợi khi sung túc mới cưu mang chim trời, cá nước, đó mới là điều đáng trân trọng. Cũng như người thanh niên trẻ Dương Anh Tuấn, ông Nguyễn Văn Dương (ấp Châu Điền, xã Long Điền Đông A, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu), ông Lê Danh Cương (Cà Mau) cưu mang, cứu giúp đàn chim trời. Hay, như bà Nguyễn Thị Chất cưu mang đàn khỉ quý hiếm ở Hòa Trà (xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) và không thể kể hết những người cưu mang những chú chó, mèo bị bỏ rơi... Họ đã góp một phần bé nhỏ để giữ lại một "mảnh" thiên nhiên cho chúng ta và các thế hệ mai sau. Hay, ít ra, cũng làm được một việc nhân ái, tử tế, mang tính giáo dục. Nhưng, có phải ai cũng nghĩ giống họ?

Công an tỉnh Hà Tĩnh dầm mưa để phá bẫy, tịch thu các hình nộm người dân sử dụng để bắt chim trời.

Công an tỉnh Hà Tĩnh dầm mưa để phá bẫy, tịch thu các hình nộm người dân sử dụng để bắt chim trời.

Chỉ mới đây thôi, dư luận bức xúc về việc những chú chó phục vụ dịch vụ chụp ảnh với khách ở một điểm du lịch khá nổi tiếng. Điều đáng nói ở đây không chỉ là chuyện ngược đãi thú cưng mà ở sự lợi dụng tình yêu thương động vật của du khách. Khi xem clip về một chú chó Alaska bị xích và bị đánh đập, người viết không thể kiềm chế được sự bức xúc: văn hóa ở đâu khi động vật dành cho chúng ta những tình cảm yêu thương nhưng điều mà chúng nhận lại là sự ngược đãi?

Hẳn những người như anh Tuấn, ông Dương, ông Cương hay bà Chất và bao người có tấm lòng nhân ái khác sẽ rất đau xót khi biết tin này. Họ không hề có lợi lộc từ các đàn chim, đàn cá, đàn khỉ... mà còn hy sinh thời gian, tiền bạc vì sinh mệnh của các loại vật hoang dã. Thậm chí, họ còn chưa từng được cảm nhận sự âu yếm, nịnh nọt như các loại thú cưng đắt giá. Vậy, thử hỏi những kẻ đang gây bức xúc dư luận về sự lợi dụng, ngược đãi thú cưng kia đã gây thiệt hại cho hình ảnh du lịch của địa phương như thế nào? Hay, nói cách khác, họ đã hủy hoại những giá trị văn hóa truyền thống ra sao khi nhớ đến chú chó (tuất) trong 12 con giáp, đến tượng chó đá canh cửa đem lại niềm tin, sự may mắn, an yên...

Có lẽ, đằng sau tất cả những chuyện phản cảm, những bất cập đó vẫn là một điều sâu xa hơn: Chúng ta có thực sự muốn làm giàu cho kho tàng văn hóa của mình bằng những giá trị mới mẻ. Chúng ta đã có nền tảng kĩ thuật, công nghệ, chúng ta đã tiếp cận được quy luật thị trường, tiếp cận logistics, đã hướng đến việc bán tín chỉ carbon..., vậy tại sao lại để văn hóa của mình nghèo nàn đi bằng những toan tính trước mắt như thế.

Nhìn những chú chim trời tội nghiệp bị rao bán bên đường, nhìn những thiết bị kích điện bắt cá, những clip đặt bẫy thú rừng trên YouTube... có bao giờ bạn giật mình bởi chúng ta đang "tàn sát" tương lai. Khi dưới đất không còn thấy "bác Giun đào đất suốt ngày" (Trần Đăng Khoa), trên trời sẽ đâu còn "rợp trời chim én luợn" (Diệp Minh Tuyền) là lúc con em mình sẽ không còn sở hữu được một thứ tài sản vô giá đó là môi trường tự nhiên. Môi trường ấy là hệ sinh thái, là nền tảng hình thành văn hóa. Một môi trường đơn giản, sinh động và thuyết phục nhất...

Việc xác lập vị trí, ranh giới và diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) là một tín hiệu đáng mừng để bảo vệ không gian cho đời sống văn hóa.

Việc xác lập vị trí, ranh giới và diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) là một tín hiệu đáng mừng để bảo vệ không gian cho đời sống văn hóa.

Thật may, vẫn có những tín hiệu lạc quan. Mới đây, tỉnh Thái Bình đã tổ chức hội nghị công bố Quyết định số 1357/QĐ-UBND ngày 20/8/2024 của UBND tỉnh xác lập vị trí, ranh giới và diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, với tổng diện tích 12.500 ha. Cách đây chưa lâu, người viết được đọc một bài đề cập món cá kho tộ ở miền Tây ngày nay là cứ liệu để chúng ta nghiên cứu về chặng đường cả ngàn năm thực hành ẩm thực.

TS. Michelle S. Eusebio (Philippines) nhận định: "Sự kết hợp của dữ liệu dân tộc học, phân tích tàn tích hữu cơ và khảo cổ học động vật cho thấy món cá như cá kho tộ có thể đã được chế biến trong quá khứ. Điều này nhấn mạnh vào tầm quan trọng vào nguồn thủy sản, đặc biệt là cá, trong hiểu biết về thực hành ẩm thực ở Đồng bằng sông Cửu Long thời tiền sử" (Cá kho tộ: Lưu giữ cả nghìn năm thực hành ẩm thực, Tô Vân, Tạp chí Tia sáng). Những phân tích nêu trên cho chúng ta thấy rằng "kho báu" của văn hóa không hề xa xôi nhưng cũng rất mong manh. Chỉ cần chúng ta thiếu đi tình yêu, sự trung thực và quyết liệt sẽ tuột tay và đánh mất vĩnh viễn các giá trị ấy.

Voltaire (1694-1778) từng có một câu nói rất hay: "Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người". Rõ ràng, đọc sách cũng là một cách để bảo tồn các tri thức (trong đó có văn hóa) và làm phong phú cho chính tâm hồn mình, hướng đến việc sáng tạo ra các giá trị văn hóa mới. Cuốn sách mà nhà văn, sử gia nổi tiếng người Pháp muốn nói với chúng ta không chỉ là bản ghi chép, lưu giữ mà là thông điệp mà các thế hệ sẽ phải tạo ra và trao truyền. Chúng ta sẽ có gì để gửi thế hệ mai sau?

Làm giàu cho văn hóa là sứ mệnh của mỗi người. Sự giàu có từ cách ứng xử nhân văn, từ sự tiếp thu các tinh hoa văn hóa trong hội nhập, giao lưu và dựa trên chuẩn mực đạo đức xã hội sẽ tạo ra những giá trị tốt đẹp. Việc chung tay bảo tồn, phục dựng, tái tạo hệ sinh thái, hệ động, thực vật, các phong tục, lễ hội của cộng đồng và thái độ ứng xử của từng cá nhân với môi trường, với vật nuôi... sẽ mang đến những tín hiệu tích cực cho cuộc sống. Hãy tin và hành động để nền văn hóa của chúng ta ngày càng đa dạng, phong phú như thế...

Lâm Việt

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/lam-giau-cho-van-hoa-i742554/