Làm giàu kỹ năng từ sách

Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện tại, có nhiều phương tiện để làm giàu kỹ năng sống như YouTube, TikTok…, nhưng nhiều bạn trẻ vẫn tìm đến sách như một nguồn tham khảo đầy tin cậy.

Nhiều bạn trẻ tìm đến sách để làm giàu kỹ năng cho mình

Nhiều bạn trẻ tìm đến sách để làm giàu kỹ năng cho mình

Cần gì “nạp” nấy

Lựa chọn chuyên ngành Tổ chức sự kiện, nhưng học đến năm thứ 2, mọi thứ với Lê Thị Lâm Như (sinh viên năm 2, Trường Đại học Tôn Đức Thắng) vẫn còn rất mơ hồ. Tình cờ, Lâm Như gặp được cuốn sách Ở agency ý tưởng rất đắt (NXB Thanh niên) của tác giả Trần Hoàng Phong và cảm thấy “mừng như bắt được vàng”. Cuốn sách chia sẻ những trải nghiệm và kinh nghiệm trong suốt 9 năm làm trong ngành Truyền thông - Tổ chức sự kiện của tác giả, hoàn toàn là những kiến thức và kỹ năng mà Lâm Như đang cần.

“Thông qua cuốn sách này, tôi thấy được bối cảnh về ngành nghề, về giới agency (cung cấp dịch vụ truyền thông), cách mọi người làm việc, giải quyết vấn đề khi gặp 1001 tình huống về khách hàng và xây dựng ý tưởng. Hiện tại, khi đã làm trong lĩnh vực tổ chức sự kiện, tôi thấy sách mô tả khá bao quát về ngành, giúp tôi biết được quy trình làm việc, rút ra được concept (ý tưởng chủ đạo) là vấn đề cốt lõi của một dự án, và cách tìm ý tưởng từ nguồn nào...”, Lâm Như cho biết.

Cũng hiểu được điều này, thời gian qua, nhiều đơn vị xuất bản trong nước đã khai thác và cho ra mắt nhiều ấn phẩm, đáp ứng nhu cầu học hỏi và cập nhật kỹ năng khác nhau của giới trẻ. Có thể kể đến NXB Trẻ với 1% mỗi ngày của TS Ngô Di Lân, giúp các bạn vững tâm trên hành trình đi tìm bản thân; Học cách học của Kiều Hiếu, đưa ra một cách nhìn, cách học và cách suy ngẫm khi tương tác với kiến thức; Làm chủ tiền bạc từ khi còn đi học của TS Vũ Minh Tú, giúp trang bị kỹ năng dùng tiền cho bạn trẻ từ sớm, để hướng đến sự độc lập tài chính sau này… NXB Kim Đồng có bộ sách Hướng nghiệp 4.0 với 12 đầu sách về rất nhiều ngành nghề mới và đang được quan tâm như: sáng tạo nội dung; thu thập, xử lý, phân tích và đánh giá dữ liệu; Podcaster (người làm podcast); Wedding Planner (người lên kế hoạch lễ cưới); Animation Artist (họa sĩ, chuyên gia thực hiện việc thiết kế và phát triển một bộ phim hoạt hình)… Bộ sách được viết bởi các chuyên gia trong từng lĩnh vực, giúp bạn trẻ hiểu nghề để làm nghề một cách thuận lợi, đồng thời có được sự lựa chọn đúng đắn cho tương lai.

Sau những ấn phẩm về văn hóa Việt, sách thiếu nhi, văn học Trung Quốc…, gần đây, Chibooks ra mắt thêm dòng sách kỹ năng dành cho các bạn trẻ, mang đến những ấn phẩm do chính những tác giả trẻ trong nước viết như: Mình thấy gì khi ngước nhìn trời xanh? (Quốc Thái), Cho đứa trẻ hai mươi tập làm người lớn (Nguyễn Tuấn Đức), Kẻ nghiện yêu (Cao Phương Nga)… Bà Nguyễn Lệ Chi, Giám đốc Chibooks, cho rằng, trong một xã hội phát triển khoa học kỹ thuật mạnh mẽ như hiện nay, để thế hệ trẻ Việt xóa được khoảng cách với thế hệ trẻ trong khu vực nói riêng và trên thế giới nói chung thì việc học tập là điều bắt buộc, không chỉ trong trường mà còn phải qua cả sách vở, thực tiễn...

Đọc cần đi đôi với hành

Lần đầu tiên vào thành phố trọ học, bạn Hồ Trọng Đạt (19 tuổi, sinh viên trường ĐH Vinh, Nghệ An) không tránh khỏi cảm giác bỡ ngỡ và choáng ngợp. Mặt khác, giống như rất nhiều bạn bè đồng trang lứa, khi bước chân ra khỏi nhà đồng nghĩa với việc Đạt được sống trong một vùng trời tự do, được “tung hoành” ngang dọc mà không sợ bị kiểm soát, nếu không có bản lĩnh, đôi khi rất dễ bị lạc lối.

Theo chia sẻ của Trọng Đạt, may mắn với bạn là khi có một người cậu giới thiệu cho những cuốn sách kỹ năng về tâm lý, nhờ đó, Đạt không chỉ cảm thấy như được chia sẻ, động viên mà còn học hỏi được nhiều điều hữu ích từ sách. “Sách được viết từ chính những tác giả trong nước, ít nhiều đã có trải nghiệm thực tế nên tôi thấy được sự gần gũi, dễ hiểu. Nhờ đó, tôi học được nhiều điều để có thể hiểu về bản thân mình hơn, biết được mình đang muốn gì và cần phải làm gì để hạn chế sai lầm trong cuộc sống”, Trọng Đạt chia sẻ.

Thực tế, sách vở vẫn chỉ mang nặng tính lý thuyết, nếu các bạn trẻ chỉ đóng cửa ở nhà đọc sách, không giao lưu xã hội, không có thực tiễn cọ xát thì rất khó rút ra kinh nghiệm và cảm nhận sâu sắc về những thứ đã đọc, khó nhận định đo lường được việc đó đúng hay sai, có tác động mạnh mẽ đến mức độ nào. Bởi vậy, theo bà Nguyễn Lệ Chi, phương thức tốt nhất là các bạn trẻ nên đi ra ngoài nhiều hơn, nên có trải nghiệm thực tế của chính mình, nên tham gia nhiều công tác xã hội, cộng đồng trong phạm vi có thể, từ đó đó các bạn sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý.

“Hãy dành thời gian trải nghiệm văn hóa ở nhiều vùng khác nhau trong nước và quốc tế nếu có khả năng kinh tế cho phép. Chỉ khi các bạn đi ra bên ngoài nhiều, trải nghiệm thực tế mà các bạn tự đúc rút được sẽ là những bài học quý giúp các bạn trẻ trưởng thành hơn rất nhiều. Kể cả có vấp ngã, có sai lầm cũng là những bài học quý”, bà Nguyễn Lệ Chi nhắn nhủ.

QUỲNH YÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lam-giau-ky-nang-tu-sach-post751804.html