Làm giàu nhờ chuyển đổi cây trồng hợp lý
Thay vì độc canh cây mía, ông Trần Văn Luyện (làng Sơ Rơn, xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Hướng đi này đã mang lại thu nhập cho gia đình ông hơn 300 triệu đồng/năm.
Gia đình ông Luyện có hơn 8 ha đất chuyên trồng mía. Do cây mía không mang lại hiệu quả nên ông quyết định chuyển đổi một phần diện tích sang cây trồng khác. Năm 2011, ông mua 300 cây mắc ca về trồng trên diện tích hơn 1 ha. Trong vườn mắc ca, ông trồng xen bưởi, cam và dừa. Ngoài ra, tận dụng những khoảnh đất trống, ông trồng cỏ nuôi bò, nuôi nai lấy nhung. Trò chuyện với chúng tôi, ông Luyện cho hay: “Cây mắc ca, cây ăn quả sau khi trồng khoảng 3-4 năm bắt đầu cho thu hoạch. Vì thế, trong thời gian cây chưa tạo tán, tôi trồng cỏ nuôi bò, nuôi nai tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình”.
Theo ông Luyện, cây mắc ca phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng nên sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên, đến thời kỳ thu hoạch thì cây ra hoa, đậu quả kém. Vụ đầu tiên, ông Luyện chỉ thu được hơn 20 kg hạt. Tình trạng này tiếp tục diễn ra ở vụ kế tiếp. Không nỡ phá bỏ, ông lên mạng internet tìm hiểu và nghiên cứu kỹ thuật ghép cành nhằm giúp cây mắc ca cho năng suất cao hơn. “Đối với những cây không ra quả, tôi cắt hết cành rồi đưa giống mắc ca QN1 ghép vào gốc. Đặc điểm giống này là chịu hạn tốt, ít sâu bệnh, quả to. Nhờ vậy mà vườn mắc ca đạt năng suất, chất lượng không thua kém nơi khác. Vừa rồi, tôi thu hoạch hơn 1,8 tấn hạt, bán với giá 80.000 đồng/kg hạt tươi-ông Luyện cho biết”.
Không dừng lại ở đó, năm 2018, ông Luyện đầu tư vườn ươm cây mắc ca giống. Hàng năm, ông bán khoảng 2.000 cây giống cho người dân với giá 45-60 ngàn đồng/cây tùy thời điểm. Nhờ nguồn thu từ vườn ươm, ông Luyện có vốn để chuyển đổi cây trồng. Năm 2019, ông đã chuyển đổi 4 ha đất trồng mía sang trồng cây bạch đàn. Niên vụ 2018-2019, ông cũng mạnh dạn chuyển 3 ha mía giống cũ sang giống mới. Ông Luyện phấn khởi nói: “Tổng thu nhập của gia đình tăng lên gấp 3 lần so với khi độc canh cây mía. Chưa tính cây bạch đàn thì thu nhập của gia đình được hơn 300 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí”. Theo ông Luyện, thời gian tới, ông sẽ thu mua hạt mắc ca của người dân. Đồng thời, ông cũng sẽ đầu tư mua sắm máy sấy công suất lớn để chế biến các loại sản phẩm từ hạt mắc ca. Ngoài ra, ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây mắc ca cho những ai có nhu cầu.
Ông Hoàng Xuân Biễn (thôn 9, xã Yang Trung, huyện Kông Chro) chia sẻ: “Thấy mô hình trồng cây mắc ca của ông Luyện mang lại hiệu quả cao, giữa năm 2020, tôi mua hơn 100 cây giống về trồng. Bên cạnh cung cấp giống chất lượng, ông Luyện còn tận tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm. Sắp tới, tôi mua thêm 100 cây mắc ca để trồng xen trong vườn na của gia đình”.
Ông Khương Đình Huy-Chủ tịch UBND xã Chư Krêy-cho biết: “Từ mô hình của gia đình ông Luyện, đến nay, bà con nông dân trong xã đã trồng hơn 4 ha mắc ca. Chúng tôi đang làm hồ sơ, thủ tục đăng ký sản phẩm OCOP đối với sản phẩm từ cây mắc ca. Cùng với đó, xã sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng mở lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng nói chung và cây mắc ca nói riêng cho bà con nông dân trong xã”.