Làm giàu nhờ lập nghiệp từ mô hình HTX
Nhiều giám đốc HTX độ tuổi 8X, 9X, 2K tại Yên Bái đã biết cách nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, đặc biệt luôn tiên phong, sáng tạo áp dụng chuyển đổi số vào nhiều lĩnh vực, ngành nghề, góp phần thay đổi tư duy về nghề nghiệp, việc làm của bản thân và thế hệ trẻ, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.
Những năm gần đây, số lượng HTX do thanh niên làm lãnh đạo ở Yên Bái ngày càng tăng và hoạt động hiệu quả trong các lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, dịch vụ tổng hợp, vận tải, du lịch…
Khởi nghiệp từ HTX
Mạnh dạn đổi mới tư duy, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, đó là bí quyết để anh Lục Vân Anh (dân tộc Tày) sinh năm 1987 ở thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên đạt được những thành công trên con đường làm nông nghiệp sạch.
Vốn là một thạc sĩ nông nghiệp, nên khi trở về địa phương công tác, Lục Vân Anh quyết định thành lập HTX "Sáu không Farm” (không thuốc bảo vệ thực vật hóa học, phân bón vô cơ, giống biến đổi gen, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc diệt cỏ và không canh tác trên vùng đất, nguồn nước bị ô nhiễm...).
Ban đầu, HTX chỉ trồng thử nghiệm các loại rau màu, củ, quả trên diện tích khoảng 10.000m2. Sau đó, HTX tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng, nhà kính trên diện tích 5.000m2 và liên kết với các hộ dân tại thị trấn Yên Thế để trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm.
Đến nay, HTX đã mở rộng diện tích nhà màng, nhà kính lên khoảng 13.000m2 tại xã Tân Lập và thị trấn Yên Thế. Về đầu ra, HTX liên kết với các hộ dân trên địa bàn huyện Lục Yên cung cấp rau cho chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch và siêu thị, đồng thời đẩy mạnh bán hàng trên sàn thương mại điện tử.

Khu vườn trồng nho của HTX “Sáu không Farm”.
Hiện tại, sản phẩm của HTX đã có mặt tại nhiều cửa hàng, siêu thị ở thành phố Yên Bái, Hà Nội, Đà Nẵng… Bình quân, HTX đạt sản lượng từ 60-80 tấn rau, củ, quả/năm; tổng doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng, lợi nhuận đạt khoảng 500 triệu đồng/năm; tạo việc làm trực tiếp cho 5 lao động là thanh niên nông thôn và 10-15 lao động thời vụ với mức thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/tháng, đồng thời giúp 15 hộ liên kết sản xuất có việc làm và thu nhập ổn định.
Không chỉ vậy, anh Lục Vân Anh còn đang đẩy mạnh mô hình trải nghiệm, giáo dục, du lịch cho các gia đình đến tham quan, trải nghiệm tự trồng, tự chăm sóc, thu hoạch nông sản vào dịp cuối tuần, góp phần tác động không nhỏ đến tư duy sản xuất nông nghiệp sạch, ý thức bảo vệ môi trường của người dân trên địa bàn huyện Lục Yên nói riêng và trong tỉnh Yên Bái nói chung. Mô hình của anh cũng trở thành điển hình về phát triển kinh tế xanh tại địa phương.
Từ những đóng góp thiết thực, năm 2022, anh Lục Vân Anh đã vinh dự là một trong số 32 thanh niên trên cả nước được nhận Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng và là một trong 2 đại biểu dân tộc thiểu số đạt giải thưởng Lương Định Của nhận bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới, làm kinh tế giỏi năm 2022.
Hay như đoàn viên Đỗ Tuấn Lương sinh năm 1993, Thạc sỹ kinh tế tốt nghiệp ở Úc, hiện là Phó Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận (huyện Văn Chấn).
Anh Lương là một trong những cán bộ trẻ có trình độ về làm việc tại HTX theo chính sách của tỉnh Yên Bái. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, mong muốn được góp phần làm giàu cho quê hương, anh đã cùng Ban lãnh đạo HTX quyết tâm “đưa công nghệ 4.0 lên nương chè Kiến Thuận” giúp cho sản phẩm chè của HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận vươn xa tại các thị trường quốc tế khó tính như: Mỹ, Nga, Anh quốc và Ả rập Xê út…, mang lại thu nhập ngày càng cao cho HTX và thành viên.
Nối tiếp thành công, năm 2023, anh Lương và một số bạn trẻ tiếp tục thành lập HTX chè Shan tuyết Phình Hồ tại huyện Trạm Tấu - địa phương có 90% dân số là đồng bào dân tộc Mông, để nâng cao thương hiệu cũng như giá trị của cây chè Shan tuyết cổ thụ và tạo việc làm cho lao động địa phương.
HTX chè Shan tuyết Phình Hồ được đánh giá là mô hình HTX điển hình của tỉnh, nhất là trong lĩnh vực chuyển đổi số tại tỉnh Yên Bái với việc bán các sản phẩm chè trên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Tiktok, Facebook…, có hàng trăm nghìn follower và hàng triệu lượt xem.
“Nhờ áp dụng các mô hình chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh chè Shan tuyết cổ thụ, HTX đã giữ được giá và bao tiêu toàn bộ nguyên liệu cho các hộ thành viên. Thương hiệu đã cán mốc 15 triệu lượt xem trên các nền tảng Tiktok và Facebook”, anh Lương chia sẻ.
Hay như chị Đồng Thị Hiền (35 tuổi), Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX sản xuất chế biến nông sản Tây Bắc Hiền Vinh cùng tập thể HTX đã có tới 5 sản phẩm OCOP: Cá mương sấy Hồ Thác Bà, Cá Rô lọc xương sấy Hồ Thác Bà, Thịt Trâu sấy gác bếp, Thịt Lợn sấy Hiền Vinh, Lạp sườn gác bếp Hiền Vinh. Trong đó, bộ sản phẩm: Cá mương sấy Hồ Thác Bà, Cá Rô lọc xương sấy Hồ Thác Bà, Thịt Trâu sấy gác bếp của HTX đã được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Yên Bái năm 2023.
Hiện, HTX Hiền Vinh đang tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 thành viên và người lao động với mức thu nhập 5,5 triệu đồng/người/tháng, góp phần vào mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân bản địa.
Đóng góp vào công cuộc giảm nghèo
Ban lãnh đạo tỉnh cho biết, những mô hình nông nghiệp hay, sáng tạo, đặc biệt là của các thanh niên trẻ nhiệt huyết đã góp phần không nhỏ vào công cuộc giảm nghèo của tỉnh. Từ một tỉnh nghèo nhất cả nước với bộn bề khó khăn, Yên Bái đã và đang vươn lên trở thành một trong những tỉnh phát triển năng động của vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Bức tranh kinh tế Yên Bái có nhiều điểm sáng. Năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,91%, vượt kế hoạch đề ra, là mức tăng trưởng cao thứ 2 trong 10 năm (sau năm 2022 là 8,88%), đứng thứ 7/14 tỉnh trong vùng và thứ 25/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; bình quân 4 năm (2021 - 2024) đạt 7,54%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh đề ra với nhiều chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tăng cao.

Sản xuất, chế biến chè tại HTX chè Shan tuyết Phình Hồ.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực; khu vực nông nghiệp, nông thôn khẳng định vai trò là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng luôn duy trì ở mức cao; sản xuất nông nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá trong bối cảnh nhiều diện tích nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, bão lũ, đạt mức tăng 3,56%, đứng thứ 2/14 tỉnh trong vùng; công nghiệp tiếp tục phát triển ổn định; đã thu hút được một số dự án đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp, dự án sản xuất, chế biến công nghiệp có quy mô lớn (Khu công nghiệp Trấn Yên, Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh khối Erex Sakura Yên Bái; 3 cụm công nghiệp Phú Thịnh, huyện Yên Bình...), tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới; thương mại - dịch vụ phát triển nhanh và khởi sắc với tốc độ tăng trưởng đạt 8,94%, đứng thứ 2 trong vùng và thứ 6 toàn quốc (cao nhất từ trước đến nay).
Công tác giảm nghèo, tiếp tục là điểm sáng. Hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 5,68%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 2,99% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025.
Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp từ HTX
Thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục xây dựng các tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp do thanh niên làm chủ, mô hình sáng tạo khởi nghiệp trong thanh niên theo hướng liên kết bền vững gắn sản xuất với tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm. Tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); chủ động tham gia vào các chuỗi giá trị hình thành trong Chương trình OCOP; kết nối các nguồn lực hỗ trợ thông qua các chương trình, dự án để ưu tiên hỗ trợ, triển khai xây dựng mô hình khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên…
Đại diện Liên minh HTX tỉnh Yên Bái chia sẻ, những tấm gương điển hình về khởi nghiệp từ mô hình HTX có thể khẳng định "không có gì là không thể” và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương cũng không còn là điều mới lạ.
Lợi thế của người trẻ là có sức khỏe, có kiến thức, được đào tạo bài bản; năng động, sáng tạo, biết cách nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0, thanh niên luôn là lực lượng tiên phong trong ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, quản lý điều hành HTX và tiêu thụ sản phẩm. Từ những lợi thế đó sẽ giúp người trẻ ngày càng thành công hơn trong lập nghiệp từ mô hình HTX, tạo thành phong trào phát triển kinh tế tập thể rộng khắp trong các tầng lớp thanh niên và người dân trong xã hội.
Trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành với đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, nhất là với việc thanh niên chọn mô hình HTX để lập thân, lập nghiệp. Liên minh HTX tỉnh đã ký Quy chế phối hợp với Tỉnh đoàn Yên Bái, nhằm thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tập thể, HTX trong đoàn viên, thanh niên. Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh tích cực tuyên truyền, hỗ trợ vốn từ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ HTX tỉnh Yên Bái và Trung ương, đồng thời kêu gọi nguồn vốn đầu tư, ủy thác với hệ thống ngân hàng để đoàn viên thanh niên được tiếp cận vốn phát triển kinh tế. Đồng thời, tổ chức các hội nghị tập huấn, tuyên truyền về kinh tế tập thể, HTX, khởi sự kinh doanh và nâng cao năng lực, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xúc tiến thương mại…; tạo điều kiện để các bạn trẻ phát huy thế mạnh của kinh tế tập thể, để lập thân, lập nghiệp, đóng góp ngày càng nhiều cho công cuộc xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.
Được biết, năm 2024, Liên minh HTX tỉnh và Liên minh HTX Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng 33 mô hình thanh niên khởi nghiệp, thành lập 90 tổ hợp tác, 15 HTX và 12 doanh nghiệp do thanh niên làm lãnh đạo.