Làm giàu nhờ trang trại rau hữu cơ '5 không'
Trong thời gian đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan, bà Đặng Thị Cuối không khỏi ngỡ ngàng trước cách thức làm nông nghiệp hiện đại ở nơi cách Việt Nam không xa. Từ đó, bà ấp ủ ý tưởng một ngày nào đó về Việt Nam sẽ áp dụng những kinh nghiệm học hỏi được để sản xuất rau hữu cơ…
Năm 2017, sau 16 năm học nghề trồng rau ở xứ người, bà Cuối trở về với "gia sản" là màn chống côn trùng, giống cây trồng và một ít vốn. Bà động viên chồng, mang số tiền tích cóp bao năm đầu tư nhà màng, nhà lưới trên diện tích 1.600 m2 của gia đình. Từ đó, HTX của bà Cuối tại xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Nội) trở thành mô hình tiêu biểu ứng dụng công nghệ cao của Hà Nội, với 21 sản phẩm rau quả được công nhận OCOP 3 sao.
MÔ HÌNH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO
Mô hình trang trại rau của HTX Sản xuất và Tiêu thụ rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao Cuối Quý áp dụng nguyên tắc "5 không": không sử dụng thuốc diệt cỏ, không phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không thuốc kích thích tăng trưởng, không giống biến đổi và bảo vệ thiên địch. Tuy không mới nhưng thực hiện được là cả một sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả bà Cuối và nhân công của HTX.
Để sản xuất rau sạch đảm bảo chất lượng, toàn bộ giống rau được vợ chồng bà Cuối ông Quý nhập từ Đài Loan, Nhật Bản, còn đất thì được bón phân hoai mục. Quy trình sản xuất theo phương phát khép kín từ trong ra ngoài, phân bón hữu cơ, không lên luống, xử lý nấm bệnh bằng máy đốt dùng khí ga, gieo hạt bằng máy, gieo xong đóng cửa, tưới giữ ẩm bằng cách phun sương chờ ngày thu hoạch. Các loại rau ăn lá như rau cải, xà lách, rau dền, rau muống... có thể thu hoạch được từ 15 đến 18 ngày sau gieo hạt, cho năng suất lên đến 500kg/nhà màng 100m2/lứa với giá bán 20.000 đồng/kg.
Hiện nay, trang trại rau sạch Cuối Quý có tổng cộng 80 nhà màng với hơn 30 loại rau củ quả, một nhà màng sản xuất trên 10 lứa/năm. Ngoài các loại như rau mồng tơi, bí, su su, rau má, cà tím, mướp, các loại rau thơm, măng tây xanh, súp lơ lấy ngồng, ngô lấy quả non và ngọn,… bà Cuối còn trồng thêm các loại cây ăn quả đu đủ, bưởi, ổi, nho. Hàng kỳ trang trại rau bà Cuối được kiểm định chất lượng và đều đạt kết quả rau hữu cơ được đảm bảo hàm lượng hóa chất và vi sinh gây hại trong đất và nước ở dưới mức tiêu chuẩn cho phép.
"Công đoạn làm cỏ, bắt sâu, chăm sóc rau toàn bộ đều được công nhân thực hiện thủ công bằng tay. Để diệt sâu bọ tận gốc, chúng tôi làm thuốc hữu cơ bằng cách trộn với men vi sinh, đường cát, sữa milo, ủ trong 2 tuần. Sau đó nghiền nát, lọc cặn bã và phun cho rau. Mỗi sáng tầm 5 giờ chúng tôi thu hoạch rau đem giao cho các chuỗi cửa hàng, siêu thị rau sạch đặt hàng từ trước", cô Phạm Thị Tình, công nhân làm việc 4 năm tại HTX Cuối Quý chia sẻ.
Theo đó, trang trại hiện hỗ trợ tạo công việc cho 25 lao động thường xuyên có việc làm thu nhập ổn định từ 6 đến 7 triệu đồng/người/tháng và 40 đến 60 lao động thời vụ có nguồn thu nhập từ 4 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng, trong đó có cả những lao động là người dân tộc thiểu số như ở Hà Giang, Lào Cai.
Việc áp dụng mô hình sản xuất rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao tuy lúc đầu vốn đầu tư khá lớn nhưng về lâu dài mang lại nhiều lợi ích. Vì chỉ cần đầu tư một lần nhưng tránh được tác hại của thời tiết và không phải sử dụng thuốc hóa học trong quá trình canh tác do được trồng trong hệ thống nhà lưới, nhà màng tránh được sâu bệnh gây hại, giảm chi phí. Bà Cuối còn đầu tư đào đường mương lớn xung quanh vườn rau để tích trữ nước để đảm bảo nguồn nước tưới quanh năm cho vườn rau, nhất là vào thời điểm nắng nóng kéo dài. “Tôi gieo hạt theo quy trình từ trong ra ngoài, đóng cửa chờ thu hoạch và thu hoạch một lần từ ngoài vào trong, bẫy côn trùng ở 4 góc mái nhà màng vừa không tốn công chăm sóc mà rau lại đảm bảo an toàn”, bà Cuối chia sẻ.
TÍCH CỰC CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
Mô hình có đầu tư đơn giản nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, dễ áp dụng và hoàn toàn có thể nhân rộng ra trên địa bàn và các tỉnh khác. Do vậy, vợ chồng ông Quý bà Cuối cũng sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ bà con khu vực lân cận muốn áp dụng quy trình canh tác của HTX để phát triển sản xuất.
Chia sẻ với VnEconomy, bà Cuối cho biết: “Hiện nay tôi đã đi đến các farm các vùng trong huyện Đan Phượng và một số tỉnh, thành phố trên cả nước để chuyển giao công nghệ. Trong quá trình chuyển giao, tôi lắp đặt hệ thống nhà màng, lắp đặt hệ thống tưới tự động, làm đất, bón phân, gieo hạt để cho cả chủ các farm cũng như nhân công học hỏi. Đến thời điểm hiện tại, tôi đã chuyển giao công nghệ cho 27 farm ở miền Bắc, riêng trong Nam mới làm được 6 farm”. Theo bà Cuối, mô hình này rất phù hợp ngay cả ở quy mô đầu tư hộ gia đình có diện tích đất không lớn.
Không chỉ được biết tới ở Việt Nam, bà Cuối còn nhận được nhiều lời mời chuyển giao công nghệ từ lãnh đạo các nước như Canada, Băng-la-đét, Lào. Đặc biệt, tháng 7 vừa qua, bà Cuối còn được đích thân Chủ tịch nước Lào đến tận trang trại rau mời sang làm kỹ thuật nông nghiệp với vốn đầu tư lên đến 40 tỷ đồng.
Đầu ra của HTX Cuối Quý là 16 trường mẫu giáo trong huyện Đan Phượng, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch của Bác Tôm, 6 chợ đầu mối trong vùng, mỗi ngày xuất 1,5-2 tạ rau củ, quả các loại… Ngoài còn có chuỗi cửa hàng rau sạch Hà Nội, bà con quanh vùng, và khách đến lấy tại ruộng, với giá bán từ 20.000 - 25.000 đồng/1kg. Qua hơn 6 năm xây dựng, mô hình trồng rau hữu cơ của bà Cuối đạt doanh thu hàng năm từ 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng.
Đặc biệt, tháng 4/2023 vừa qua, HTX Cuối Quý được nhận bằng khen của Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và xây dựng nông thôn mới. Bà Cuối còn góp mặt trong Lễ Biểu dương 63 HTX tiêu biểu toàn quốc do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức vào tháng 10/2023.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/lam-giau-nho-trang-trai-rau-huu-co-5-khong.htm