Làm giàu nhờ ứng dụng khoa học, kỹ thuật

Khí hậu, thổ nhưỡng Bình Phước rất phù hợp để phát triển cây công nghiệp lâu năm. Tuy nhiên, do giá cả thị trường bấp bênh, tình trạng 'mất mùa - được giá' thường xuyên xảy ra, một số hộ nông dân chạy theo 'phong trào' chuyển đổi từ cây trồng này sang cây trồng khác. Thế nhưng, hơn 20 năm nay, anh Điểu Trinh (SN 1970, dân tộc S'tiêng) ở ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú luôn duy trì 4 ha điều, 4 ha cao su. Anh còn tích cực tìm tòi, học hỏi áp dụng khoa học, kỹ thuật (KHKT) vào chăm sóc cây trồng để tăng năng suất, mang lại thu nhập cao cho gia đình.

2023 là năm thứ ba liên tiếp điều bị mất mùa, năng suất các vườn điều giảm ít nhất từ 20-30%, nhiều thì 70-80%. Thế nhưng, vườn điều của anh Điểu Trinh vẫn đạt năng suất 2,5 tấn/ha. Anh Điểu Trinh cho biết: Cây điều nếu được chăm sóc tốt thì năng suất sẽ cao, tuy nhiên cây điều rất mẫn cảm với thời tiết. 3 năm trở lại đây, khi điều ra bông đều gặp mưa trái mùa nên không thể kết trái mà khô dần rồi rụng. Năm nay thời tiết khắc nghiệt hơn, kèm theo sương muối, sâu bệnh gây hại càng khiến năng suất điều giảm mạnh.

Anh Điểu Trinh thường xuyên theo dõi vườn cây cao su để có biện pháp chăm sóc hợp lý

Anh Điểu Trinh thường xuyên theo dõi vườn cây cao su để có biện pháp chăm sóc hợp lý

Hiện nay, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, người nông dân phải biết tận dụng để nâng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, áp dụng KHKT và tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất thì cây trồng mới cho năng suất cao. Hiểu rõ điều này, anh Điểu Trinh thường xuyên tham gia các lớp tập huấn khuyến nông và tham khảo những mô hình kinh tế hiệu quả để áp dụng. Nhờ vậy, anh Trinh nắm vững kỹ thuật, hiểu rõ quá trình sinh trưởng của cây để có cách xử lý kịp thời khi phát sinh nấm, sâu bệnh gây hại. “Trước đây, người trồng điều chủ yếu dựa vào thời tiết, ít áp dụng KHKT nên không có nhiều kinh nghiệm ứng phó với sâu bệnh hại. Đặc điểm của cây điều là ra bông nhiều đợt, do đó sau những cơn mưa trái mùa, rất dễ phát sinh nấm, bệnh thán thư và các loại sâu bọ tấn công gây khô cành, khô bông. Nếu không kịp thời chữa trị thì mùa điều thất thu là khó tránh khỏi” - anh Điểu Trinh cho hay.

Để vườn điều phát triển tốt, cho năng suất cao, anh thường xuyên theo dõi vườn để phát hiện sâu bệnh sớm, chữa trị kịp thời. Cây điều thường bị bệnh khô cành, cháy lá, đặc biệt với những vườn cây rậm rạp, bón phân không cân đối. Bệnh lây lan qua gió, nước, xâm nhiễm qua các vết thương trên cây. Để điều trị bệnh cần phun thuốc kết hợp tỉa cành tạo tán, xông khói, dọn cỏ, chăm bón hợp lý. Thời kỳ điều ra bông nếu gặp mưa nhiều sẽ khiến các chùm bông bị ngậm nước, sau đó gặp nắng sẽ héo khô. Đây cũng là giai đoạn bông điều dễ bị nấm, phát sinh sâu bệnh, do đó phải thường xuyên thăm vườn để phát hiện bệnh và chữa trị kịp thời.

Ngoài điều, hộ anh Điểu Trinh còn có 4 ha cao su. Theo anh, để cây cao su phát triển tốt phải thường xuyên dọn vườn sạch sẽ, mỗi năm bón phân 2 lần vào đầu và cuối mùa mưa. Vào giữa mùa mưa, cây cao su hay bị bệnh nấm hồng, bọ trĩ nên phải xịt thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời thường xuyên theo dõi vườn cây để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời, không để lây lan trên diện rộng.

Nhờ chịu khó chăm sóc nên vườn cao su và điều của gia đình anh luôn cho năng suất cao. Năm 2023, anh thu lãi khoảng 500 triệu đồng. Kinh tế ổn định, anh mua sắm được nhiều phương tiện, vật dụng như ôtô, xe máy, tủ lạnh, máy giặt,… phục vụ đi lại và sinh hoạt gia đình.

Trưởng ấp Thuận Tiến Hà Xuân Đỉnh cho biết: Gần 20 năm nay, anh Điểu Trinh luôn chung thủy với cây điều, cao su. Trong quá trình phát triển kinh tế, anh tích cực tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, theo dõi kỹ sự phát triển của cây trồng và áp dụng KHKT vào chăm sóc nên năng suất vườn cây đạt cao. Ngoài ra, anh còn nhiệt tình hướng dẫn KHKT, vận động người dân địa phương tích cực lao động, sản xuất, cùng vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Khắc Bảy

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/160067/lam-giau-nho-ung-dung-khoa-hoc-ky-thuat