Không chậm trễ phòng vệ cho thép

Ngành thép đang cần hơn bao giờ hết sự hỗ trợ từ cơ chế để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, phòng vệ trước hàng nhập khẩu.

Vận chuyển thép thành phẩm đến các khu tập kết tại Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất (Tập đoàn Hòa Phát). Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Vận chuyển thép thành phẩm đến các khu tập kết tại Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất (Tập đoàn Hòa Phát). Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 12 thế giới về sản xuất thép thô với sản lượng đạt 20 triệu tấn. Các doanh nghiệp thép tiếp tục đầu tư vào công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu. Song các chuyên gia vẫn nhận định, ngành thép vẫn gặp khó trong cạnh tranh với hàng nhập khẩu khi liên tục thời gian qua, lượng thép nước ngoài tràn vào, gây nguy cơ sụt giảm sản xuất và mất thị trường. Ngành thép đang cần hơn bao giờ hết sự hỗ trợ từ cơ chế để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, phòng vệ trước hàng nhập khẩu.

Giảm tự chủ hàng trong nước

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), Việt Nam tiếp tục là quốc gia nhập siêu về thép. Sản xuất thép thô mới cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước, còn thiếu hụt sản phẩm thép chất lượng cao, thép kỹ thuật.

Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch VSA cho hay, hiện nay sản xuất thép đang ở tình trạng cung vượt cầu, cùng đó là tình trạng gia tăng nhập khẩu càng làm cho sự cạnh tranh về giá cả mặt hàng thép trong nước khốc liệt hơn. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng thép cán nóng nhập khẩu đạt gần 6 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ 2023. Đáng chú ý, lượng nhập khẩu này bằng 173% so với sản xuất trong nước; trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 74%, còn lại là từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản.

Với lượng nhập khẩu như vậy, Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, sản xuất của hai doanh nghiệp sản xuất thép cán nóng trong nước là Formosa và Hòa Phát đã sụt giảm, chỉ đạt 73% công suất thiết kế so với mức 86% của năm 2021 do phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu bán dưới giá thành. Về mức giá, giá nhập khẩu giảm mạnh từ 613 USD vào đầu năm 2023 xuống còn 541 USD vào cuối năm 2023.

Nhập khẩu tăng mạnh, giá bán thấp đã khiến thị phần bán hàng nội địa của hai nhà sản xuất HRC trong nước giảm mạnh từ 45% của năm 2021 xuống còn 30% năm 2023. Dự kiến đà nhập khẩu năm nay tiếp tục tăng mạnh sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực tự chủ sản xuất thép chất lượng cao.

Ông Nguyễn Hữu Trường Hưng, đại diện Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng trong tương lai gần, ngành thép vẫn sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn để cạnh tranh ngay trên sân nhà với thép nhập khẩu từ Trung Quốc do quy mô sản xuất nhỏ và chi phí sản xuất vẫn còn cao.

Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam bày tỏ, khi chưa sản xuất được thép chất lượng cao thì việc phải nhập khẩu là đương nhiên, nhưng hiện nay Việt Nam đã sản xuất được và sản phẩm có sức cạnh tranh. Nhưng, dòng hàng này vẫn tràn vào với số lượng lớn, đặc biệt thời gian gần đây có dấu hiệu bán dưới giá thành thì cần phải cân nhắc việc mở cuộc điều tra chống bán phá giá, nếu không có thể dẫn đến mất thị trường bởi việc cạnh tranh thiếu công bằng.

Tự vệ trước hàng ngoại

Trên thực tế, Việt Nam đã có nhiều giải pháp để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước hàng hóa nhập khẩu. Tính đến nay, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 29 vụ việc phòng vệ thương mại và đã áp dụng 22 biện pháp với hàng hóa nhập khẩu; trong đó có 4 biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực với các sản phẩm thép nhập khẩu, 1 biện pháp phòng vệ thương mại với sản phẩm liên quan tới thép (vật liệu hàn) và 2 vụ việc đang trong quá trình điều tra liên quan tới sản phẩm cáp thép dự ứng lực và tháp điện gió.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đang tiến hành rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội và thép phủ màu để đánh giá hiệu quả biện pháp cũng như khả năng tiếp tục gia hạn biện pháp thêm 5 năm nữa. Dự kiến trong tháng 10/2024 sẽ có kết quả rà soát của hai vụ việc này. Cùng với đó mới đây, Bộ Công Thương quyết định điều tra chống bán phá giá thép cán nóng từ Ấn Độ, Trung Quốc.

Theo đại diện Bộ Công Thương, việc áp dụng phòng vệ thương mại đối với các nguyên liệu cơ bản cũng giúp tăng khả năng tận dụng cam kết trong các hiệp định thương mại tự do. Đồng thời, làm giảm nguy cơ Việt Nam bị nước ngoài điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại do đã chủ động và bảo vệ được nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, các biện pháp phòng vệ thương mại đã áp dụng đóng góp hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế thu được vào ngân sách nhà nước.

Để hỗ trợ cho ngành thép - ngành công nghiệp nền tảng cho nhiều ngành công nghiệp chế tạo khác, ông Phan Đăng Tuất đề xuất Chính phủ có giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện doanh nghiệp trong nước như Hòa Phát đã đầu tư làm được thép cho cầu dây văng, đường ray và họ sẵn sàng làm được thép chế tạo cho cơ khí, thiết bị.

“Chính phủ có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước sản xuất đầu tư thượng nguồn bằng các hàng rào thuế quan, hàng rào kỹ thuật và đó là về lâu dài, còn trước mắt các giải pháp về chống bán phá giá là việc cần thiết. Việc điều tra không chỉ là bảo vệ sản xuất trong nước mà còn tránh việc các thị trường nhập khẩu coi Việt Nam là thị trường “trung chuyển” hàng bán phá giá để lẩn tránh”, ông Phan Đăng Tuất nói.

Chuyên gia ngành thép ông Nguyễn Văn Sưa cũng cho hay, để nâng cao tính cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập hiện nay, ngoài việc trông chờ vào sự hỗ trợ cơ chế, chính sách từ phía các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp cũng cần xác định mô hình tăng trưởng bền vững của mình. Từ đó, hướng tới chất lượng và chiều sâu, khi đó hàm lượng công nghệ, năng suất lao động, bảo vệ môi trường phải đóng vai trò thiết yếu trong giá trị gia tăng và giá trị sản phẩm.

Mới đây, đại diện Bộ Tài chính cũng đã đồng tình với ý kiến của Hiệp hội Thép Việt Nam về việc cần thiết phải áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để bảo vệ doanh nghiệp sản xuất trong nước. Đối với thuế xuất nhập khẩu điều chỉnh theo hướng tăng dần, đầu vào ở mức thấp còn với các sản phẩm tinh hơn sẽ áp thuế cao hơn góp phần tạo ra rào cản pháp lý bảo vệ doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Bộ Công Thương nhìn nhận: Phát triển công nghiệp sản xuất thép lớn mạnh cũng là tạo nền tảng vững chắc và phát triển thị trường cho các ngành chế biến chế tạo, xây dựng, cơ khí..., góp phần tạo nguồn cung ứng ổn định và nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của các ngành công nghiệp. Do đó, cần có các định hướng chính sách để phát triển mạnh ngành luyện kim, vật liệu, đặc biệt là các loại thép chế biến chế tạo, đi kèm đó là các giải pháp bảo vệ sản xuất trong nước một cách phù hợp thông lệ quốc tế, ngăn chặn các hành vi bán phá giá.

Đức Dũng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/khong-cham-tre-phong-ve-cho-thep-20240818134059356.htm