Làm giàu ở vùng khó nhờ chủ động chuyển đổi cây trồng
Với quyết tâm vượt lên đói nghèo làm giàu chính đáng, đảng viên trẻ người Vân Kiều Hồ Văn Tròn ở thôn Loa, xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đi đầu nêu gương trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế ở địa phương. Bước đầu, anh thành công khi khai thác đất đai vùng đồi để phát triển cây sắn, cao su phù hợp, hiệu quả kinh tế cao.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Ba Tầng Hồ Văn Dữ cho biết: “Với bản tính siêng năng, cần cù, dám nghĩ dám làm, anh Tròn đã trở thành tấm gương tiêu biểu ở địa phương khi biết cách chuyển đổi cây trồng phù hợp trong phát triển kinh tế. Anh đã làm giàu chính đáng trên vùng đất đồi trước đây trồng cây kém hiệu quả. Mô hình kinh tế của gia đình anh được hội chọn là một trong những mô hình điểm để nông dân trong xã học tập và làm theo”.
Hưởng ứng chủ trương chuyển đổi cây trồng để nâng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích của chính quyền địa phương, anh Tròn khai hoang và cải tạo 2 ha đất đồi, lựa chọn giống sắn KM94 phù hợp với đất đai và thổ nhưỡng miền núi để canh tác. Để thuận lợi trong sản xuất, anh tích cực học hỏi kiến thức, kinh nghiệm sản xuất từ sách báo, internet, các mô hình tiêu biểu ở huyện Vĩnh Linh và các xã lân cận để trồng sắn. Nhờ kỹ càng ngay từ khâu làm đất, chọn giống và bón phân nên diện tích sắn của gia đình anh cho năng suất, chất lượng vượt trội, không bấp bênh theo kiểu “nhờ trời”, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết như trước đây. Bình quân mỗi vụ sắn, trừ chi phí, anh thu về hơn 100 triệu đồng.
Đặc biệt, nắm bắt chủ trương của huyện về chuyển đổi cây trồng, nhất là đưa cây cao su vào trồng thí điểm ở tuyến các xã vùng Lìa, gần 10 năm trước, anh Tròn đã chủ động nghiên cứu, học hỏi, trở thành một trong những hộ mạnh dạn làm thí điểm tại xã Ba Tầng. Anh quyết định chuyển đổi vùng đất đồi vốn canh tác các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cao su, với diện tích hơn 2 ha. Sau khi nghiên cứu kỹ giống và kinh nghiệm từ các mô hình của huyện Vĩnh Linh và xã A Dơi của huyện Hướng Hóa, gia đình anh xuống giống, chăm sóc cẩn thận loại cây trồng này. Mặc dù thời điểm bấy giờ cao su là loại cây trồng mới với người dân địa phương, nhưng anh Tròn đã không ngại khó, tích cực tham gia các lớp tập huấn và chủ động học hỏi kiến thức để vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chăm sóc tốt diện tích cao su.
Đến nay, vườn cao su của gia đình anh phát triển tốt, không bị sâu bệnh, hàm lượng mủ đạt khá cao, được các cơ sở thu mua ưu tiên lựa chọn. Các cơ sở thu mua đều đóng trên địa bàn các xã lân cận như A Dơi, Thuận nên đầu ra cho sản phẩm mủ tươi thuận lợi với mức giá từ 25 - 30 nghìn đồng/kg.
Với diện tích cao su này, mỗi năm gia đình anh thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh còn canh tác thêm lúa nước và chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô nhỏ để đảm bảo lương thực, thực phẩm cho gia đình quanh năm.
“Thời gian đầu thực hiện mô hình cây trồng mới, bản thân tôi cũng như gia đình khá lo lắng, đất không phụ công người, sau nhiều năm canh tác mô hình kinh tế cơ bản ổn định và phát triển, chúng tôi rất yên tâm để duy trì, mở rộng sản xuất. Thời gian tới, tôi tiếp tục nghiên cứu và tìm hiểu thêm về giống cây trồng cao su chất lượng để đưa vào thay thế một số diện tích cây trồng kém hiệu quả”, anh Tròn cho biết.