Làm giàu từ diện tích bán ngập

BPO - Xã Bom Bo, huyện Bù Đăng có các thôn 7, 9, 10 giáp hồ thủy điện Thác Mơ. Tổng diện tích bán ngập khoảng 700 ha. Hằng năm, đến mùa mưa hoặc khi thủy điện xả nước sẽ gây ngập sâu phần diện tích canh tác của người dân, vì vậy trồng cây lâu năm không phù hợp. Để thích ứng với điều kiện này, một số hộ đã phát triển kinh tế theo mô hình vườn, ao, chuồng (VAC) khép kín, đem lại lợi nhuận kinh tế cao. Điển hình là mô hình VAC của gia đình anh Nguyễn Văn Trang (1982) ở tổ 7, thôn 7, xã Bom Bo.

Mô hình VAC khép kín đã mang lại kinh tế ổn định cho gia đình anh Nguyễn Văn Trang

Mô hình VAC khép kín đã mang lại kinh tế ổn định cho gia đình anh Nguyễn Văn Trang

Từ trên đồi cao nhìn xuống thấy toàn bộ diện tích canh tác của gia đình anh Trang là một thung lũng, được giới hạn bởi 2 quả đồi chạy dài về phía xa. Lúa sạ được hơn nửa tháng đã vươn lên xanh thẫm. Anh Trang cho biết, gia đình có trên 5 ha đất thuộc vùng bán ngập, thông ra lòng hồ thủy điện Thác Mơ. Gần 20 năm qua, gia đình anh phát triển kinh tế theo mô hình VAC khép kín, gồm: 3 ha trồng lúa nước, 1 ha đào ao thả cá và 1 ha trồng cỏ nuôi bò sinh sản. Mùa khô nước rút, anh Trang tập trung sản xuất lúa. Việc làm đất, gieo sạ và thu hoạch hoàn toàn bằng máy nên rất tiện lợi. Hằng năm, gia đình anh chỉ thu hoạch 1 vụ lúa, sản lượng trên 15 tấn, trị giá khoảng 70 triệu đồng. Mùa khô cũng là thời điểm thu hoạch cá. Nước cạn đến đâu, cá dồn về ao đến đó. Anh Trang chủ yếu nuôi cá trắm và chép. Mỗi vụ chi phí khoảng 10 triệu đồng tiền cá giống, 12 triệu đồng tiền thức ăn. Sau 1 năm nuôi, ao cá cho thu hoạch khoảng trên 1 tấn, trừ chi phí lời 40-50 triệu đồng. Mùa nước lên, toàn bộ diện tích 5 ha bị ngập. Khi đó, anh tiếp tục gieo lúa và thả cá giống. Tuy nhiên, lúa vụ này không để thu hoạch mà chủ yếu làm thức ăn cho cá. Lúa lên tới đâu, cá ăn tới đó. Có đầy đủ thức ăn và mặt nước thoáng, rộng nên cá lớn rất nhanh. Diện tích còn lại 1 ha, địa thế cao hơn ruộng nhưng cũng vẫn bị ngập, do vậy gia đình anh trồng cỏ voi nuôi 1 bò đực và 6 bò cái. Anh Trang cho biết: “Nuôi bò sinh sản rất kinh tế vì ít bệnh, bình quân mỗi năm bò đẻ 1 con. Nếu bê cái 1 năm tuổi thì bán được giá cao, khoảng 12-13 triệu đồng/con. Bê đực giá thấp hơn nhưng cũng 8-9 triệu đồng/con. Giá bò giống hay bò thịt thì nhiều năm qua luôn ổn định ở mức cao, việc chăn nuôi cũng nhàn, không vất vả như nuôi dê hoặc heo. Hằng năm, gia đình tôi còn có thu khoảng 60 triệu đồng từ bán bê”.

Anh Trang chia sẻ thêm, bình quân mỗi con bò ăn 15-20kg cỏ/ngày. Cỏ voi cắt về rồi cho vào máy thái nhỏ cho bò ăn. Phân bò ủ kỹ đem bón cỏ, lúa và các loại cây trồng khác. Với mô hình VAC khép kín này, những năm gần đây gia đình anh Trang đã có kinh tế ổn định vững chắc.

Quang Minh

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/lam-giau-tu-dien-tich-ban-ngap-93316