Làm giàu từ lan rừng
Vốn là người có niềm đam mê đặc biệt với hoa lan rừng, anh Hoàng Văn Khanh (Bản Nả Mường, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) đã không ngại băng qua những cung đường rừng nguy hiểm, mang về những loài lan rừng quý hiếm. Từ tình yêu với hoa lan, hiện tại anh Khanh đã sở hữu hơn 600 giò hoa lan, trong đó có 350 giò lan phi điệp rừng, cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Bén duyên với lan rừng
Theo học khoa Giáo dục Tiểu học tại trường Cao đẳng sư phạm Lào Cai, nhưng sau khi ra trường, anh Hoàng Văn Khanh lại chọn cho mình một hướng đi hoàn toàn khác, một nghề không liên quan gì đến ngành học đó là nghề trồng lan rừng. Theo anh Khanh, nghề săn và trồng lan rừng đến với anh như duyên nợ.
Còn nhớ, thời gian anh biết và say mê lan rừng cũng là lúc anh vẫn đang theo học chuyên nghiệp, vừa học vừa theo dõi Fanpage của Hội chơi lan Lào Cai, cũng chẳng biết từ khi nào, vẻ đẹp của những bông hoa lan rừng đã hút hồn chàng trai trẻ, ngay sau khi ra trường, thay vì tìm cho mình công việc ổn định, anh Khanh trở về nhà và bỏ hết số tiền tích cóp được để tìm mua các cây lan rừng.
Bằng niềm say mê với lan rừng, chàng trai Hoàng Văn Khanh đã vượt mọi cung đường hiểm trở từ Yên Bái cho tới Tuyên Quang để tìm đến các bản làng của dân tộc Thái và H’Mông tìm mua hoa lan phi điệp. Không ít lần, đang giờ nghỉ trưa, có người gọi điện báo ở trong bản có người đi rừng mang về được gốc hoa phi điệp đẹp, anh lại tức tốc đi thật nhanh đến tận nơi để năn nỉ họ bán cho mình.
Nhiều hôm may mắn thì đúng là hoa phi điệp thật, có hôm thì lại tay trắng ra về, thế nhưng anh không bỏ lỡ cuộc hẹn nào với hoa lan. Cầm trên tay giò hoa phi điệp, anh Khanh chia sẻ với phóng viên: “Ban đầu do đam mê hoa lan nên mình cũng chỉ tính mua một vài giò lan về chơi, thế nhưng khi tiếp xúc nhiều với loài hoa này thì mình càng thấy thích, nhất là đối với dòng hoa phi điệp, sau thời gian đi săn và trồng lan thì giờ đây mình cũng có một số lượng hoa lan phi điệp và một số loại hoa lan khác tương đối đa dạng”.
Mới theo nghề trồng lan, ban đầu chàng trai trẻ Hoàng Văn Khanh cũng gặp khá nhiều trở ngại cũng như thất bại. Thế nhưng, những khó khăn đó không làm cho anh nản lòng, anh Hoàng Văn Khanh cho hay: “Trong quá trình sưu tầm, trồng và kinh doanh hoa lan, mình cũng gặp nhiều trắc trở. Khó khăn đầu tiên phải kể đến là do bản thân chưa nhận biết được tất cả các dòng lan nên nhiều khi mua phải lan thường không phải lan phi điệp, dòng lan thông thường chỉ nở một vài lần rồi tàn chứ không chơi được lâu.
Cũng vào thời điểm mình quyết định khởi nghiệp với hoa lan, bố mẹ và người thân phản đối rất nhiều vì thấy tiếc cho thời gian mình theo học chuyên nghiệp, thế nhưng thấy sự quyết tâm của con trai nên lâu dần bố mẹ cũng đồng tình và ủng hộ. Cùng đó, do mới lần đầu trồng và chăm sóc lan nên chưa có nhiều kinh nghiệm, lan thường bị thối nhũ và mắc bệnh thán thư, thiệt hại khá nhiều.”
Với tinh thần cầu tiến và học hỏi không ngừng, từ những điều nhỏ nhặt nhất trong việc chăm sóc hoa đến tìm đầu ra cho sản phẩm đều tự tay anh thực hiện. Có những khi cây hoa mắc phải bệnh lạ, chàng trai trẻ không ngần ngại nhắn tin cho các anh chị trong hội chơi lan để hỏi cách phòng chống bệnh, làm sao để lan ra được hoa đẹp nhất.
Thấm thoắt, cũng đã qua hơn 2 năm kể từ ngày anh bỡ ngỡ theo nghề, đến nay chàng trai trẻ đã nắm rõ được đặc điểm của mọi loài hoa lan, không có bệnh nào mà anh không biết và khắc phục.
Đến nay, việc chăm sóc hoa lan đối với anh Khanh là việc rất đơn giản. Để phòng bệnh cho lan chỉ cần tưới nước vôi trong 1 tới 2 lần trong ngày, cây nào bị thối nhũ nặng thì có thuốc thối nhũ cho cây. Mỗi gốc lan sẽ được bón phân mỗi năm một lần, loại phân được sử dụng cũng là phân hữu cơ ủ vôi trong vòng một tháng, phơi khô. Cùng đó trong quá trình chăm sóc lan cũng có nhiều điều phải chú ý như giá thể phải sạch nấm, phù hợp với sự phát triển của lan thì mới cho ra lan chất lượng cao.
Cũng theo anh Khanh, có một điều đặc biệt cũng là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công cho việc trồng lan đó là khí hậu. Thời tiết tại Lào Cai có sự phân hóa rõ dệt, khá thuận lợi cho việc trồng lan đặc biệt là phi điệp tím khiến cho lan ở đây có màu sắc đặc biệt mà không có nơi nào có được.
Không ngừng cố gắng để thành công
Để phát triển nghề trồng lan rừng, anh Khanh đã phải bỏ ra một số vốn tương đối lớn để đầu tư làm giàn. Ban đầu anh chỉ có ý định mua hoa về chơi cho thỏa đam mê nên chỉ làm giàn sơ sài, không đạt hiệu quả.
Để nâng cấp hệ thống giàn, anh Khanh đã chuyển giàn ra vườn, tuy nhiên do vườn hẹp mà số lượng hoa lan về nhiều nên phải qua 3 lần cải tạo anh mới có được hệ thống giàn ưng ý. Hiện tại, anh đang sở hữu 150m2 giàn sắt có sức chứa hàng nghìn giò lan.
Anh Khanh cũng chia sẻ, dòng hoa anh đang trồng chủ yếu là dòng phi điệp tím được nhiều người săn tìm. Giống lan này có điểm khác so với các loại lan khác là bông to, đều và đẹp, có mùi thơm đặc biệt.
Giá của dòng hoa này cũng cao hơn các loại khác, mỗi đầu cây có giá 200 nghìn đồng, nếu bán theo kg thì phải từ 2,5 triệu cho đến 4 triệu/ 1 kg. Bên cạnh đó, còn có một dòng lan phi điệp tím Phú Thọ là lan 5 cánh trắng thì bán theo từng sen, mỗi sen là 1.5 triệu hoặc dòng lan phi điệp hiếm thì phải tới 2,5 triệu một sen.
Kể từ khi trồng lan tới nay, anh Khanh đã xuất bán được số lượng lan tương đối lớn, anh không bán lẻ mà thường bán buôn và bán theo từng đợt. Khi có lan được bán, anh sẽ thông báo cho các nhà vườn bên Tuyên Quang và một số khách trên tỉnh Lào Cai đến xem hàng và họ sẽ lấy trực tiếp tại vườn. Hiện tại anh Khanh vẫn tiếp tục đi săn thêm lan rừng về cấy ghép để tăng thêm số lượng và đa dạng các giống lan cho vườn nhà.
Bên cạnh việc trồng và phát triển lan rừng, anh Khanh cũng đang tiến hành thử nghiệm nuôi dúi. Việc nuôi và kinh doanh dúi bước đầu đã đưa lại hiệu quả kinh tế cao. Dúi rừng được biết đến là loài có giá trị dinh dưỡng cao, bị săn bắt nhiều, do đó, nguồn dúi trong tự nhiên ngày càng khan hiếm.
Thay vì phải phụ thuộc vào tự nhiên, anh Khanh đã mua lại những con dúi bố mẹ của người dân địa phương rồi cho dúi bố mẹ giao phối để có được dúi con và tiếp tục nhân giống. Dúi cũng là con vật kháng các bệnh tốt, không mắc phải nhiều dịch bệnh và có khả năng sinh tồn lớn. Cùng đó, nguồn thức ăn của dúi cũng khá đơn giản, có sẵn trong tự nhiên như tre, mía, ngô, sắn…nên anh cũng không tốn quá nhiều chi phí về thức ăn khi nuôi con vật này.
Hiện tại, anh Khanh đang sở hữu 20 cặp dúi bố mẹ và khoảng 40 dúi con, với dúi thịt thì có khoảng từ 30 đến 40 kg. Theo đó, với mỗi kg dúi anh bán ra thị trường với giá 450 nghìn đồng, đối với dúi giống anh đưa về khoảng 800- 1600 triệu đồng/ đôi. Vì chất lượng thịt thơm ngon nên dúi của anh không bị trượt giá hay bị các thương buôn ép giá nên cho thu nhập khá ổn định.
Anh Khanh cho hay, do cung không đủ cầu nên gia đình anh chỉ có thể cung cấp cho thị trường Hà Nội và các nhà hàng trên Sapa là chủ yếu, những nơi khác cũng có tìm đến đặt hàng nhưng do nuôi với quy mô nhỏ nên chưa có hàng để cung ứng ra thị trường.
Bằng sự cố gắng, nỗ lực không ngừng, trung bình mỗi tháng anh Khanh có thể thu nhập từ 10 cho tới 20 triệu đồng từ bán lan rừng và kinh doanh dúi thương phẩm. Mô hình trồng lan rừng của anh được mọi người đánh giá cao và được nhiều người biết tới.
Cùng đó, anh Hoàng Văn Khanh cũng là một trong những gương mặt thanh niên tiêu biểu của xã Nghĩa Đô dám nghĩ dám làm, đại diện cho thế hệ trẻ nhiệt huyết, quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Chia sẻ về định hướng trong tương lai, chàng trai trẻ Hoàng Văn Khanh cho hay: “Trong thời gian tới, mình sẽ xin cấp phép nuôi dúi và trồng thêm lan Nghi Xuân để chơi Tết, loài lan này hoa sẽ nở đúng vào dịp tết, càng tưới nước nhiều thì lá càng xanh tốt, ít bị sâu bệnh, không bị thối nhũ như các loài lan khác.
Lợi nhuận tuy không cao bằng phi điệp, tuy nhiên, đây cũng là mặt hàng bán chạy trên thị trường, nhiều người không có nhiều tiền cũng vẫn có thể mua về chơi tết rất đẹp và sang, từ đó đưa lại thêm nguồn thu nhập cho gia đình.”
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/lam-giau-tu-lan-rung-98406.html