Làm giàu từ làng nghề truyền thống

Ở xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, vẫn đang bảo tồn và phát triển rất tốt làng nghề mộc truyền thống đã có từ rất lâu đời.

Tân Dân hôm nay nổi bật với nhiều nhà cao tầng khang trang, những cột đèn cao áp, panô, biển hiệu rực rỡ hai bên đường bê tông như khu phố hiện đại; rộn rã nhất là âm thanh của cưa, đục, bào gỗ... từ các xưởng mộc.

Thôn Đại Nghiệp - một trong những khu sản xuất lớn của xã Tân Dân, nhộn nhịp bởi hoạt động của các xưởng sản xuất. Thôn Đại Nghiệp có hơn 600 hộ thì đến 90% làm nghề, các hộ còn lại mở dịch vụ phục vụ làng nghề, thu hút hơn 1.000 lao động trực tiếp cùng nhiều lao động vệ tinh quanh vùng.

Công nhân sản xuất ghế gỗ ở làng mộc Đại Nghiệp (Ảnh: N.V)

Công nhân sản xuất ghế gỗ ở làng mộc Đại Nghiệp (Ảnh: N.V)

Ở Đại Nghiệp có những nghệ nhân sở hữu trên dưới chục xưởng sản xuất, trung bình mỗi xưởng có hơn 10 thợ làm việc liên tục. Nhiều gia đình có 4-5 cửa hàng ở nội thành

Theo các cụ trong làng, trước đây, làng Đại Nghiệp có tên là làng Tre, nghề mộc ở đây không biết đã được hình thành từ bao giờ và như thế nào, chỉ biết từ thời xa xưa, rất lâu rồi sản phẩm đồ gỗ đã có mặt ở khắp nơi, vào cả cung vua, phủ chúa, những nhà giàu có ở khắp nơi trong cả nước.

Sản phẩm Đại Nghiệp đã tạo được tiếng vang và đã đi khắp các tỉnh trong nước và ngoài nước. Những nghệ nhân làng Đại Nghiệp luôn cải tiến mẫu mã, phù hợp với thị hiếu tạo được sự cạnh tranh với thị trường khốc liệt ngày nay.

Những sản phẩm nổi bật ở Đại Nghiệp như sập, gụ, tủ, bàn ghế... với hoa văn gắn với các tích truyện dân gian, hoa văn cổ. Ở Đại Nghiệp, nhiều người nhờ nghề mà giàu có. Trung bình thợ thôn một tháng cũng có thu nhập vài triệu triệu đồng, còn các nghệ nhân, người thiết kế mẫu mã nhận nhiều hơn.

Không riêng thôn Đại Nghiệp, các thôn khác trong xã Tân Dân cũng phát triển rất mạnh nghề gỗ: Đồng Phố, Đồng Cả, Gia Phú…

P.V

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/lam-giau-tu-lang-nghe-truyen-thong-99929.html