Làm giàu từ nghề mộc
Với nghị lực và quyết tâm vượt khó, dám nghĩ, dám làm, anh Lê Văn Khởi, 42 tuổi ở thôn Đồng Sình, xã Phú Nhuận (Như Thanh) đã mạnh dạn đi đầu trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Từ mô hình sản xuất, buôn bán đồ gỗ mỹ nghệ, mỗi năm gia đình anh thu lãi trên 400 triệu đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Anh Lê Văn Khởi kiểm tra sản phẩm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.
Năm 1995, sau khi học xong THPT, do kinh tế gia đình khó khăn không có điều kiện đi học đại học, cao đẳng như các bạn cùng trang lứa. Với đam mê nghề mộc, Khởi đã xin vào các xưởng mộc trong xã vừa làm, vừa học. Năm 1996, Khởi viết đơn xin tham gia nghĩa vụ quân sự và đã trúng tuyển. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương với niềm đam mê, khao khát phát triển nghề mộc tại quê nhà, Khởi quyết định mở xưởng sản xuất đồ mộc tại gia đình. Thời gian đầu, xưởng sản xuất gặp không ít những khó khăn, như quy mô nhỏ, lại thiếu vốn đầu tư máy móc, thiết bị, sản phẩm làm ra chưa đáp ứng được thị trường tiêu thụ. Nhờ sự nhạy bén trong việc tiếp cận thị trường, đa dạng hóa các mặt hàng, sản phẩm, cơ sở sản xuất đồ gỗ nội thất của anh dần được nhiều khách hàng trong và ngoài huyện ưa chuộng, lựa chọn. Những năm gần đây, kinh tế gia đình ổn định và được tiếp cận các nguồn vốn vay hợp lý, anh đã đầu tư mua sắm thêm máy móc, mở rộng nhà xưởng, xây dựng gian hàng trưng bày sản phẩm, đồng thời buôn bán thêm các mặt hàng nội thất cao cấp khác. Không chỉ làm giàu cho gia đình, xưởng mộc của Khởi còn tạo việc làm ổn định cho 12 lao động địa phương, với mức lương bình quân từ 4,5 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình anh thu lãi trên 300 triệu đồng.
Không những sản xuất, kinh doanh giỏi, anh Khởi còn tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động tại địa phương. Bên cạnh đó, bằng những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình làm kinh tế, anh luôn chia sẻ, giúp đỡ anh em, bạn bè có ý tưởng phát triển nghề mộc trên mảnh đất quê hương.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/lam-giau-tu-nghe-moc/107542.htm