Làm giàu từ nông nghiệp chuỗi ở Đà Nẵng
Không chỉ là thành phố du lịch năng động, Đà Nẵng còn đang từng bước chuyển mình trong lĩnh vực nông nghiệp, nhờ vào những mô hình liên kết sản xuất hiệu quả, đặc biệt là vai trò nòng cốt của các HTX trong việc tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Thôn Phú Mỹ, xã Tây Hồ (mới) là một trong những địa phương có diện tích trồng rau màu lớn nhất ở Đà Nẵng. Xen giữa những triền đồi thấp thoáng là những vạt rau xanh ngút mắt, nơi bà Nguyễn Thị Nguyệt đang tất bật thu hoạch mướp và dưa leo.
Chuyển động từ những luống rau xanh
Bà Nguyệt cho biết, 3 năm nay, gia đình bà gắn bó với mô hình canh tác rau quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP có sự liên kết chặt chẽ với HTX Nông nghiệp Phú Mỹ.
“Trước đây, gia đình tôi làm nông manh mún, trồng gì bán nấy, giá bấp bênh, có năm lỗ nặng. Từ khi liên kết, HTX cung cấp giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật rồi thu mua luôn sản phẩm. Nhờ vậy, thu nhập của gia đình ổn định, cuộc sống đỡ vất vả hơn nhiều”, bà Nguyệt chia sẻ.

Làm nông nghiệp theo chuỗi giúp nông dân, HTX ở Đà Nẵng giàu lên (Ảnh: BĐN).
Không riêng gia đình bà Nguyệt, hiện HTX Nông nghiệp Phú Mỹ đang “bắt tay” với 22 hộ dân trong thôn canh tác hơn 3 ha rau quả các loại. Mỗi tháng, HTX thu mua trên 2 tấn rau quả, cung ứng cho các siêu thị, trường học, nhà hàng tại trung tâm thành phố.
Theo ông Huỳnh Văn Ca, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Mỹ, doanh thu bình quân mỗi năm của đơn vị đạt xấp xỉ 500 triệu đồng. Quan trọng hơn, mô hình của HTX đang tạo sinh kế ổn định, từng bước thay đổi tư duy sản xuất của người dân nông thôn.
“Chúng tôi không chỉ dừng lại ở thôn Phú Mỹ, mà đang mở rộng liên kết thêm với 94 hộ dân ở thôn Thành Mỹ và Xuân Điền, trên diện tích hơn 14ha, tiếp tục sản xuất nông nghiệp sạch theo chuỗi. Mục tiêu là hướng đến vùng nguyên liệu lớn, đảm bảo đầu ra ổn định và đưa nông sản sạch Đà Nẵng vươn xa”, ông Ca cho hay.
Trên địa bàn xã Tây Hồ, không chỉ có rau sạch, mà còn nhiều chuỗi sản xuất khác đang phát huy hiệu quả như: mô hình trồng lúa giống hàng hóa, chăn nuôi heo hữu cơ, dưa hấu hữu cơ… Các chuỗi này không chỉ tạo giá trị kinh tế, mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn môi trường và thay đổi diện mạo nông thôn.
Liên kết để "không ai bị bỏ lại phía sau"
Lãnh đạo ngành nông lâm nghiệp xã Tây Hồ cho biết liên kết sản xuất theo chuỗi chính là mấu chốt để tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương, tạo bước đột phá trong xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho người dân.
Đáng chú ý, nhờ có các HTX làm cầu nối, nông dân không còn lo chuyện “được mùa mất giá”, chất lượng sản phẩm cũng được kiểm soát chặt chẽ hơn.
Thực tế cũng chứng minh liên kết chuỗi sản xuất đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân xã Tây Hồ nói riêng, nông dân tại các địa phương ở Đà Nẵng nói chung, từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa có kế hoạch, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và gắn liền với thị trường tiêu thụ.
“Không chỉ mang lại thu nhập cao hơn cho nông dân, mô hình này còn giúp củng cố và phát triển các HTX nông nghiệp theo hướng chuyên nghiệp. Đây là nền tảng quan trọng để xóa đói giảm nghèo, phát triển chương trình OCOP, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp”, lãnh đạo UBND xã Tây Hồ khẳng định.

Phát triển nông nghiệp theo chuỗi là xu thế tất yếu giúp nông dân, HTX thoát nghèo, làm giàu bền vững (Ảnh: BĐN).
Để có được những kết quả tích cực hiện tại, không thể không kể đến vai trò của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX TP.Đà Nẵng trong việc hỗ trợ phát triển HTX, đặc biệt tại các vùng nông thôn và miền núi Đà Nẵng.
Thông qua các chương trình hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX TP.Đà Nẵng như chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nghề, xúc tiến thương mại, hỗ trợ vốn vay và kết nối thị trường, nhiều HTX ở Đà Nẵng đã từng bước trưởng thành, đóng vai trò hạt nhân trong chuỗi liên kết sản xuất.
Đơn cử, HTX Nông nghiệp Phú Mỹ từng tham gia các lớp tập huấn do Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX TP.Đà Nẵng tổ chức về tiêu chuẩn VietGAP, quản lý chuỗi cung ứng, kỹ năng thương mại điện tử, cũng như được hỗ trợ kết nối với các kênh phân phối nông sản sạch. Nhờ vậy, sản phẩm của HTX ngày càng chiếm được lòng tin người tiêu dùng, nhất là tại các kênh siêu thị lớn.
Hiện thực hóa tiềm năng, làm giàu cho nông dân
Ngoài ra, Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX TP.Đà Nẵng cũng đang thúc đẩy việc hình thành các mô hình HTX kiểu mới – nơi không chỉ sản xuất, mà còn làm dịch vụ đầu vào – đầu ra, đầu tư máy móc công nghệ, xây dựng thương hiệu sản phẩm và hướng đến xuất khẩu.
Đang có được những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng quá trình xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất tại Đà Nẵng vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn TP. Đà Nẵng, hiện số lượng chuỗi liên kết theo chiều sâu trên địa bàn thành phố còn ít, chưa hình thành được các chuỗi giá trị bền vững thật sự. Đặc biệt, vai trò của HTX, doanh nghiệp “đầu tàu” – đóng vai trò dẫn dắt và tiêu thụ sản phẩm trong chuỗi – vẫn còn mờ nhạt.
“Muốn phát triển chuỗi sản xuất hiệu quả và lâu dài, thành phố cần kêu gọi đầu tư của doanh nghiệp hạt nhân, đồng thời xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn như VietGAP, GlobalGAP để đảm bảo tính cạnh tranh. HTX và doanh nghiệp cần là hai bánh xe cùng lăn để đưa chuỗi giá trị đi đến đích”, vị đại diện Chi cục Phát triển nông thôn TP. Đà Nẵng nhấn mạnh.
Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. Đà Nẵng cũng đang tham mưu sửa đổi chính sách hỗ trợ hợp tác, liên kết sản xuất theo hướng phù hợp với thực tế địa phương, kỳ vọng tạo thêm động lực để HTX mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất.
Trong bức tranh phát triển nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo tại các khu vực vùng sâu, vùng xa tại Đà Nẵng, vai trò của các HTX ngày càng rõ nét, không chỉ là tổ chức trung gian, mà thực sự trở thành “chiếc cầu nối” giúp người dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững.
Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi với hạt nhân là HTX đang dần chứng minh rằng nếu có tổ chức đủ năng lực, chính sách hỗ trợ phù hợp và người dân đồng hành, nông thôn Đà Nẵng hoàn toàn có thể trở thành một khu vực kinh tế xanh, sạch, hiện đại và đầy triển vọng.
Với sự tiếp sức của Liên minh HTX Việt Nam, cùng Liên minh HTX TP.Đà Nẵng và quyết tâm từ chính quyền thành phố, tương lai không xa, những vạt rau sạch như tại Tây Hồ, những cánh đồng lúa hữu cơ hay đàn heo sinh học sẽ không chỉ giúp người dân no ấm, mà còn là những viên gạch xây nên một nền nông nghiệp đô thị phát triển bền vững, mang thương hiệu riêng của Đà Nẵng – thành phố đáng sống, đáng đầu tư và đáng kỳ vọng.