Làm giàu từ sản xuất chuyên canh
Phát triển vùng chuyên canh rau màu nhằm tạo ra sản phẩm chuyên biệt, đem lại lợi nhuận kinh tế cao đang được nhiều địa phương quan tâm, phát triển. Huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) là một trong những địa phương như vậy.
Thực chất của vùng chuyên canh rau màu chính là việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, theo hướng công nghệ cao; đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng...
Được biết, từ năm 2017 đến nay, toàn huyện Châu Thành có trên 1.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả đã được chuyển sang trồng các loại rau màu và cây ăn trái, trong đó có xoài, quýt, cam, chuối, chanh, ổi… Một trong những mục tiêu hướng tới của vùng chuyên canh rau màu chính là phát triển rau màu an toàn, có khả năng ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đồng thời đẩy mạnh liên sản xuất gắn với thu mua, tiêu thụ sản phẩm. Từ đó huyện Châu Thành từng bước xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất tập trung với những loại cây trồng, thích ứng với từng vùng, từng địa phương và biến đổi khí hậu. Mà một trong những điển hình là vùng chuyên canh rau màu an toàn xã Bình Thạnh.
Tuy nhiên, muốn thành công với mô hình trồng rau màu chuyên canh, thì việc liên kết với doanh nghiệp về vốn, kĩ thuật, tiêu thụ sản phẩm là rất cần thiết. Nếu không tạo ra sự liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, chính quyền địa phương với doanh nghiệp thì rất có thể rơi vào tình trạng “được mùa rớt giá”. Tại xã Bình Thạnh, hiện đang áp dụng trồng các loại rau màu, như cải rổ, bắp nữ hoàng, bí ăn nụ, khoai mỡ, chuối. Giai đoạn 1 (đến cuối năm 2019), sẽ trồng trên diện tích 20ha. Giai đoạn 2, bắt đầu từ năm 2020 sẽ nâng dần diện tích lên 100ha.Theo lãnh đạo huyện Châu Thành, mục tiêu của địa phương là phát triển vùng chuyên canh rau an toàn, ứng dụng công nghệ cao và xây dựng thương hiệu rau, trước hết đối với xã Bình Thạnh. Trong đó quan trọng nhất là xây dựng được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định khi mở rộng vùng rau theo quy mô sản xuất lớn.
Tới nay, việc sản xuất theo lối chuyên canh trên diện tích lớn đã được nhiều địa phương áp dụng. Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhiều xã đã mạnh dạn chuyển đổi vật nuôi, cây trồng theo hướng chuyên canh. Tương tự, tại khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên cũng đã và đang hình thành những vùng sản xuất chuyên canh, cấp độ thôn bản, hoặc xã. Đây là những dấu hiệu, những bước đi tích cực tiến tới sản xuất theo hướng phát huy thế mạnh của từng địa phương.
Bà con nông dân những vùng thí điểm hoặc đang triển khai sản xuất chuyên canh cho biết, lợi nhuận thu được khá hơn cách sản xuất trước đây. Lợi ích thiết thực khiến bà con nông dân hăng hái sản xuất, cùng nhau hợp tác để thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng trước tiên là xác định đúng, chọn đúng loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với địa phương mình. Đó là bước khởi đầu quan trọng khi vận động, tổ chức bà con sản xuất theo lối chuyên canh. Thứ hai là khâu kỹ thuật. Đây là yếu tố quan trọng vì sản lượng lớn, diện tích lớn rất cần đến sự tham gia, hướng dẫn cụ thể, chi tiết, thường xuyên của cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra trêm diện rộng; đồng thời tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao.
Thứ ba, chính là việc tổ chức sản xuất, tạo ra mối liên kết giữa bà con nông dân, chính quyền địa phương với doanh nghiệp. Đó là yếu tố rất quan trọng để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, ổn định thu nhập theo hướng tăng dần cho bà con nông dân. Vì vậy, cùng nhau thoát nghèo cũng chính là hình thành và phát huy hiệu quả mối liên kết giữa bà con nông dân - chính quyền địa phương - doanh nghiệp.
Thanh Hoàng (tổng hợp)
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-toc/lam-giau-tu-san-xuat-chuyen-canh-tintuc443310