Làm giàu từ thú chơi sinh vật cảnh
Gần 70 tuổi, nhưng ông Phùng Hải, thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa vẫn ngày ngày say mê cắt tỉa, uốn nắn, chăm sóc cho từng cây cảnh. Với ông, đây không những là công việc làm giàu về kinh tế mà còn giúp ông sống vui, sống khỏe, sống có ích ở cái tuổi xế chiều.
Phát triển kinh tế sinh vật cảnh mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình có niềm đam mê với cây cảnh.
Vốn có sở thích đam mê chơi cây cảnh, nên đi đến đâu, thấy các loại cây hoa, cây cảnh vừa mắt là ông lại mua về chơi, cắt tỉa, tạo dáng. Sau thời gian dài, ông đã có một bộ sưu tập hoa, cây cảnh khá phong phú, đa dạng về chủng loại cũng như các dáng, thế. Ban đầu, thú chơi sinh vật cảnh của ông chỉ dừng ở việc giải trí, dần dần có nhiều người đến chiêm ngưỡng và ngỏ ý mua. Ông nghĩ, việc bán các loại hoa, cây cảnh do mình tự tay chăm sóc không những giúp lan tỏa đam mê thú chơi cây cảnh mà còn giúp ông và gia đình có thêm chi phí trang trải cuộc sống và tiếp tục niềm đam mê chơi cây, chơi hoa của mình. Cứ thế, vườn hoa, cây cảnh của ông trở thành địa chỉ tin cậy cho nhiều khách hàng trong và ngoài huyện đến chiêm ngưỡng và chọn mua. Chỉ tính riêng những ngày giáp Tết Nhâm Dần 2022 vừa qua, ông Hải đã bán gần 80 gốc hoa, cây cảnh các loại, thu hơn 70 triệu đồng.
Hơn 30 năm làm kinh tế cũng như làm bạn với các loài hoa, cây cảnh, ông Mai Văn Lam, xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn đã có trong tay bộ sưu tập khủng về các loại hoa lan, hồng trà... Trong bộ sưu tập hàng nghìn cây của mình, ông Lam có đầy đủ các loài lan quý, đắt tiền, như: Đai châu, Phi điệp, Hương Quế nâu, Tam bảo sắc... Là người chơi và kinh doanh sinh vật cảnh (SVC) lâu năm, ông Lam hiểu khá rõ về đặc tính và kỹ thuật chăm sóc của từng loại. Vì vậy, các loài hoa, cây cảnh do bàn tay ông chăm sóc không những thân khỏe, lá bền, bông to, quan trọng hơn luôn ra hoa đúng thời điểm, đắt giá, giúp ông có được nguồn thu không nhỏ. Ở cái tuổi 74, ông Lam hiện có trong tay bộ sưu tập hoa, cây cảnh lên tới hàng tỷ đồng. Mỗi năm, ông thu nhập hàng trăm triệu đồng từ cái nghề tao nhã này.
Theo đánh giá của ông Mai Văn Chước, Phó Chủ tịch Hội SVC huyện Hoằng Hóa: Những năm gần đây, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, nên thú chơi SVC cũng được “lên ngôi”. Cái nghề chơi và kinh doanh SVC cũng theo đó ngày một phát triển. Tuy nhiên, thú chơi của người dân hiện nay chủ yếu là chạy theo mốt. Vì vậy, tại một số nơi, việc chơi và kinh doanh SVC phát triển theo dạng “bong bóng”, ham muốn lợi nhuận nhanh, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường, phá vỡ quy hoạch chung về sản xuất. Vì vậy, để nghề chơi và kinh doanh SVC phát triển theo hướng bền vững, mang lại hiệu quả cao, các địa phương, các cấp hội SVC trong tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng kịp thời cho hội viên trong quá trình phát triển sản xuất, tổ chức tiêu thụ. Phối hợp với các đơn vị chức năng dạy nghề tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong nhân giống, trồng, chăm sóc cây cảnh cho hội viên SVC. Đặc biệt, những người trồng và kinh doanh hoa, cây cảnh nên trang bị kiến thức, tỉnh táo, cẩn trọng trước những biến động của thị trường. Bên cạnh đó, các cấp hội SVC phát huy vai trò cầu nối, tạo cơ hội giao lưu, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm giữa các hội viên phát triển đa dạng sản phẩm cây cảnh để nâng cao giá trị sản xuất. Đồng thời, kết nối tổ chức cho hội viên đem cây cảnh tham gia triển lãm SVC các tỉnh; tăng cường tổ chức hoạt động giao lưu cho hội viên tham quan các mô hình trồng cây cảnh nghệ thuật ở tỉnh bạn để tham khảo, học hỏi kinh nghiệm.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nguoi-tot/lam-giau-tu-thu-choi-sinh-vat-canh/153130.htm