Làm giàu từ trang trại tổng hợp
Ở Hùng Đức (Hàm Yên) - vùng đất 135 còn gian khó, chàng thanh niên Hoàng Văn Thái (sinh năm 1991), thôn Uổm Tưởn đã mạnh dạn cải tạo vườn đồi trồng rừng, trồng cây ăn quả, chăn nuôi, từng bước tạo mô hình kinh tế trang trại tổng hợp để dựng nghiệp.
Dám nghĩ, dám làm
Hoàng Văn Thái sinh ra trong gia đình thuần nông. Tốt nghiệp THPT, anh đi nhiều nơi, làm công nhân tại Công ty Gang thép Tuyên Quang. Khó khăn, vất vả của cuộc đời làm thuê đã hun đúc cho anh ý chí quyết tâm làm giàu. Nhưng với điều kiện như anh rất khó để lập nghiệp ở một nơi xa. Anh Thái nghĩ: “Dù vùng đất quê anh còn nghèo khó nhưng nếu biết tận dụng, thì vẫn có cơ hội cho những thanh niên trẻ như anh lập nghiệp”. Nghĩ sao làm vậy, năm 2015 anh trở về quê nhà cùng với gia đình trồng rừng, cây ăn quả và phát triển chăn nuôi. Ban đầu do chưa có kiến thức và kinh nghiệm, lại phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết nên hiệu quả kinh tế chưa cao và còn thua lỗ. Trồng cây thì chết, sâu bệnh; chăn nuôi thì còi cọc, chậm phát triển.
Không nản chí, Thái làm lại từ đầu. Anh chủ động đi tham quan mô hình và học tập kinh nghiệm từ sách vở, trên mạng, những người đi trước, đồng thời anh mạnh dạn vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội 40 triệu đồng đầu tư áp dụng kỹ thuật xây dựng mô hình gồm 4 ha rừng và 1 ha vườn cây ăn quả, đào ao thả cá. Để tránh rủi ro, anh Thái không đầu tư vào một loại cây mà trồng đa dạng các loại cây ăn quả, bao gồm cả những cây ngắn ngày và dài ngày như: Chanh tứ mùa, cam Vinh, bưởi Diễn, bưởi da xanh, bưởi Soi Hà.
Dẫn chúng tôi mục sở thị vườn cây ăn quả của gia đình, anh giới thiệu: Đây là vườn bưởi Diễn, Soi Hà, da xanh, lúc trồng phải đánh luống cẩn thận, cứ vài hàng lại có một cây bưởi khác loại để khắc phục đặc tính “tự bất thụ” của bưởi, nghĩa là khả năng không thụ phấn cùng giống mà phải có sự thụ phấn chéo của giống bưởi khác. Làm theo cách này, bưởi sẽ sai quả hơn, ngon hơn. Đó là kinh nghiệm 5 năm gắn bó với vườn bưởi của anh. Tuy bưởi mới bắt đầu cho thu hoạch, nhưng cây nào cây ấy được anh chăm sóc đúng kỹ thuật, quả to, đẹp, múi dài, bán lẻ vào dịp Tết được 30.000 - 40.000 đồng/quả. Vườn cam Vinh anh trồng cho thu hoạch được 2 năm nay, năm vừa rồi anh cũng thu được hơn 1 tấn cam, giá bán buôn tại vườn là 10.000 đồng/kg.
Thành công bước đầu của mô hình cây ăn quả đã tạo động lực cho anh Thái tập trung chăm sóc ao cá và 4 ha rừng keo. Bên ao cá, anh Thái tỷ mẩn chăm sóc, kiểm tra “sức khỏe” định kỳ cho cá, xử lý nguồn nước đảm bảo môi trường nước không bị ô nhiễm, giúp cá nhanh lớn. Anh Thái bảo: “Nguồn thu từ mô hình vườn, ao, rừng của anh bước đầu cho thu nhập 150 - 200 triệu đồng/năm. Chỉ vài năm nữa thôi là anh thu cả nửa tỷ đồng từ mô hình này. Bởi vườn cây ăn quả hiện mới đang bắt đầu cho thu hoạch, cam cho năng suất cao cũng phải từ năm thứ 5 trở đi, bưởi thì từ năm thứ 7”.
Nuôi chí làm giàu
Suốt 5 năm làm kinh tế vườn rừng, anh Thái nhận ra giá trị của đất nên anh luôn tìm cách nâng cao hiệu suất sử dụng đất hơn nữa. Anh ra sức “săn lùng” thông tin về các giống cây, con triển vọng. Hễ nghe ở đâu có mô hình hay có thể áp dụng là anh tìm đến học hỏi. Anh đã lặn lội đến nhiều tỉnh, thành để tham quan, học hỏi các mô hình phát triển kinh tế. Sau lần đi học hỏi mô hình trồng cây ba kích và nuôi ba ba, nuôi ốc nhồi ở Yên Bái, Hà Nội và cả mô hình ở thành phố Tuyên Quang…, cuối năm 2018 anh quyết định đầu tư trồng 3 sào ba kích. Đến nay, vườn ba kích đã được hơn 1 năm tuổi, phát triển xanh tốt. Cây sâm ba kích cho thu hoạch sau 5 năm trồng, năng suất ước đạt 2 -3 kg củ tươi/gốc. Với giá bán hiện nay khoảng 200 - 250 nghìn đồng/kg củ tươi.
Năm 2019, anh Thái ngăn 3 sào ao nuôi cá thành các ao nhỏ và nuôi thêm ba ba, ốc nhồi. Anh chọn mua ba ba giống nhỏ, mua những bọc trứng ốc để nuôi ươm thay vì mua ốc bố mẹ rồi cho sinh sản nhằm tiết kiệm chi phí. Theo tính toán của anh Thái thì việc chọn mua con giống như vậy để vừa học hỏi, thực hành cách nuôi ngay từ đầu vừa tiết kiệm chi phí, lại có nhiều kinh nghiệm cho các lứa sau. Nếu có rủi ro thì cũng không bị lỗ nhiều.
Anh chia sẻ, ban đầu cứ nghĩ nuôi cá đơn giản, thì nuôi ba ba, nuôi ốc cũng dễ. Nhà có sẵn ao nước rộng, nước sạch thì lo gì ba ba không lớn, ốc không nở. Nhưng đến khi bắt tay vào làm thì khó nhọc trăm bề, chăm ba ba, chăm ốc như “chăm con mọn”. Từ lo thức ăn cho đến gia cố ao nuôi, bảo vệ ba ba, giữ môi trường thuận lợi cho ba ba, ốc phát triển. Chưa tính đến việc khi thời tiết thất thường ba ba, ốc nhiễm bệnh. Lúc ấy, anh lao vào tìm hiểu qua sách, qua internet để hiểu nguyên nhân và cách chữa; rồi cả những chuyến xe bắt vội sang Yên Bái để trao đổi kinh nghiệm với các chủ mô hình nuôi ba ba, xuống thành phố Tuyên Quang học hỏi cách nuôi ốc…, nhờ vậy sau hơn 1 năm chăm sóc, những con ba ba đã lớn, nặng tầm 1kg/con. Những bọc trứng ốc nhồi đã nở thành ốc con và đang sinh trưởng phát triển thành ốc bố, mẹ. Từ số ốc này, anh lại tiếp tục nuôi ốc sinh sản để bán ốc giống.
Trong quá trình lao động, sản xuất anh Thái không biết mệt mỏi. Mỗi ngày, anh chạy xe máy quấn xích vào lốp để lên đồi chăm cây, hoặc thăm vườn, thăm ao. Hàng xóm không ít lần đến chơi thấy anh mặt bê bết đất nhưng khuôn mặt vẫn nở nụ cười tươi rói. Theo anh phải chịu khó, hiểu từng loại cây, con thì mới biết cách chăm sóc tốt nhất. Hiện nay, vườn cây ăn quả của gia đình anh Thái đã có trên 200 cây bưởi, 300 cây cam, 100 cây chanh đã cho thu hoạch. Vườn ba kích của anh cũng có tới 3.000 gốc, trong tương lai đó là cả một “gia tài” lớn. Trang trại tổng hợp của anh đang tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động địa phương có thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Nhờ có chí tiến thủ, hăng say làm kinh tế, tích cực tham gia các hoạt động của địa phương, anh Thái đã được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đồng thời, anh tích cực chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi cho các đoàn viên thanh niên trong thôn.
Ông Hà Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Hùng Đức bảo, Hoàng Văn Thái không chỉ là thanh niên năng động, tiếp thu và áp dụng kỹ thuật tốt vào sản xuất, đưa cây trồng, vật nuôi của địa phương phát triển theo hướng hàng hóa mà còn là nguồn cán bộ kế cận của thôn, xã trong những năm tới. Mô hình phát triển kinh tế của Thái cũng là mô hình điển hình của thanh niên trong xã, đồng thời góp phần khơi dậy phong trào khởi nghiệp của đoàn viên thanh niên.