Lâm Hà: 67 khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất
Cơ quan chức năng huyện Lâm Hà thống kê có 90 khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai; trong đó 67 khu vực có nguy cơ sạt lở đất, 22 khu vực trũng có nguy cơ ngập lụt cục bộ khi có mưa lớn, 1 khu vực có nguy cơ ngã đổ cây.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Lâm Hà cho biết, hiện trên địa bàn huyện liên tục có mưa lớn kèm theo gió lốc, nước lũ từ thượng nguồn đổ về lớn làm tăng nguy cơ sạt lở, trượt đất, ngập úng cục bộ... ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân.
Theo đó, huyện Lâm Hà hiện có tổng số 90 khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai; trong đó 67 khu vực có nguy cơ sạt lở đất, 22 khu vực trũng có nguy cơ ngập lụt cục bộ khi có mưa lớn, 1 khu vực có nguy cơ ngã đổ cây.
Để thực hiện quyết liệt chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai nguy hiểm, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản và tính mạng của người dân; trong đó, tập trung thực hiện phòng, chống sạt lở, trượt đất tại các khu vực đèo dốc, khu vực các công trình dưới chân mái taluy khu vực đồi dốc và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp như Đinh Văn, Phú Sơn, Nam Ban, Đông Thanh, Gia Lâm, Mê Linh…, UBND huyện Lâm Hà yêu cầu Thủ trưởng các phòng, ban ngành, thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ huy), các đơn vị quản lý, vận hành công trình thủy lợi, thủy điện và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn khẩn trương, tập trung thực hiện một số nội dung, giải pháp phòng, chống.
Trong đó, UBND huyện Lâm Hà nhấn mạnh Chủ tịch UBND các xã, thị trấn, thủ trưởng các phòng ban, đơn vị trên địa bàn huyện tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tập trung triển khai công tác phòng chống thiên tai, ứng phó sự cố với phương châm chủ động phòng ngừa, kịp thời, quyết liệt ứng phó, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
Đặc biệt, phải triển khai ngay tất cả lực lượng tại chỗ của địa phương (thôn, xóm, đội xung kích, …) thực hiện kiểm tra, trực gác tại các điểm có nguy cơ sạt trượt, lở đất, lũ quét, ngập úng, cảnh báo Nhân dân, không cho người dân hoạt động trong khu vực nguy hiểm và kiên quyết cưỡng chế di dời người dân ra khỏi nơi nguy hiểm đến nơi an toàn; chuẩn bị tốt phương án ứng phó, ứng cứu, khắc phục sự cố theo phương châm “bốn tại chỗ”, “ba sẵn sàng”, giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản và không để xảy ra thiệt hại về người.
Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương có chức năng, nhiệm vụ duy trì công tác trực ban 24/24h đối với tất cả các lực lượng phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư tại những nơi xung yếu để sẵn sàng xử lý các tình huống khấn cấp và ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố xảy ra.
Đặt biển báo, bố trí lực lượng canh gác tại các địa bàn trọng yếu, điểm giao thông cắt ngang qua sông, suối và bến đò ngang, đò dọc, tràn,… để hướng dẫn người dân và các phương tiện qua lại, đảm bảo an toàn tuyệt đối; kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về tập kết vật liệu, công trình, nhà xưởng xây dựng trái phép ở lòng, bãi sông, suối gây cản trở thoát lũ...