Lâm Hà chủ động phòng chống hạn cho cây trồng mùa khô
Trước dự báo tình hình thời tiết khô hạn, huyện Lâm Hà đã và đang triển khai các biện pháp phòng, chống hạn và tình trạng thiếu nước mùa khô năm 2025 nhằm chủ động nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do hạn hán gây ra.

Nông dân Lâm Hà chủ động tưới cho cây cà phê trong mùa khô năm 2025
• NGƯỜI DÂN KHẨN TRƯƠNG ỨNG PHÓ NẮNG NÓNG
Những tháng đầu năm 2025, dự báo nắng nóng, khô hạn diễn biến phức tạp. Đây cũng là thời điểm Lâm Đồng đang bước vào mùa khô, là giai đoạn những người nông dân khẩn trương tưới nước cho cây trồng. Tại huyện Lâm Hà, nhằm chủ động, ứng phó sớm với tình trạng khô hạn và lo ngại hạn hán trên diện rộng, người dân đã tất bật ra vườn, chủ động tìm nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Xã Đạ Đờn hiện có hơn 4.000 ha đất sản xuất nông nghiệp; trong đó, có 3.726 ha trồng cà phê, còn lại chủ yếu là lúa nước, dâu tằm và cây ăn quả. Đây là địa phương được dự báo có diện tích sản xuất bị ảnh hưởng lớn nhất do tình trạng thiếu nước trong mùa khô sắp tới với khoảng 750 ha.

Anh Nguyễn Chánh Nghĩa bơm nước tưới chống hạn cho vườn cà phê tại Đạ K’Nàng
Vừa đấu nối máy bơm và kéo những cuộn dây tưới lên vườn cà phê rộng 2 ha đã bắt đầu có dấu hiệu khô héo tại khu vực Đạ K’Nàng - thôn An Phước, anh Nguyễn Chánh Nghĩa chia sẻ: Vài năm gần đây, nhất là vụ vừa rồi, cà phê cao giá nên nông dân rất phấn khởi. Chính vì vậy, ngoài tăng cường bón phân, chăm sóc thì người dân cũng đặc biệt chú ý đến việc phòng chống hạn. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng dẫn đến tình trạng thiếu nước tưới ở nhiều khu vực đã gây thiệt hại đáng kể cho những người dân trồng cà phê.

Theo dõi tình trạng hoa để chủ động tưới, đảm bảo cây không bị thiếu nước
“Năm ngoài, do tình hình hạn hán gay gắt đã làm cho vườn cà phê của gia đình bị giảm nặng suất, chỉ thu được 4 tấn/ha thay vì 5 tấn như những vụ thu hoạch trước. Nguồn nước tưới vườn chính là từ hồ do gia đình tự đào nhưng không đủ. Do đó, rút kinh nghiệm của năm trước, năm nay tôi đã chủ động điều tiết nước tưới tiết kiệm với hai máy bơm hoạt động, hoàn thành xong đợt tưới thứ hai, đảm bảo đủ nước cho cây qua mùa khô này”, anh Nghĩa nói.

Bên cạnh tưới chủ động, người dân còn chú trọng chăm sóc và bón phân hợp lý cho cây trồng
Cũng tại khu vực Đạ K’Nàng - An Phước, vườn cà phê 7 ha của ông Đoàn Hồng đang được tưới đợt 2. Dưới cái nắng hầm hập giữa trưa, ông Hồng vẫn phải túc trực canh máy bơm để tránh hụt nước. Ông Hồng bộc bạch: Do vườn ở xa nguồn nước là sông Đa Dâng nên không chủ động được nước tưới, năm ngoái vườn cà phê của gia đình chỉ thu được 20 tấn nhân, giảm 8 tấn so với trung bình mọi năm.
“Cà phê là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế gia đình của các hộ dân nơi đây. Tuy nhiên, do xa sông suối tự nhiên nên nguồn nước tưới chủ yếu vẫn từ các hồ chứa tự đào, hiện trên địa bàn có khoảng 20 hồ chứa nước. Năm nay, dự báo nắng nóng có khả năng xuất hiện muộn nhưng để chủ động thích ứng với mùa khô Tây Nguyên, tránh cho cây trồng suy kiệt, gia đình đã đầu tư ống để bơm nước tưới tận gốc cà phê. Bên cạnh đó, thực hiện các phương pháp trữ nước như khoan giếng, đào hồ và cắt tỉa cành, dọn cỏ vườn phù hợp để giữ ẩm cho đất ”, ông Hồng cho hay.

Cán bộ chuyên môn huyện Lâm Hà khảo sát thực tế tại một số địa phương có nguy cơ thiếu nước tưới
• QUYẾT LIỆT TRONG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG HẠN
Theo số liệu thống kê của UBND huyện Lâm Hà, từ tháng 1/2024 đến tháng 5/2024, mực nước trên các sông, suối như Đạ Dâng, Đachomo, Cam Ly Thượng, sông Đồng Nai… giảm, lưu lượng dòng chảy trung bình đều dưới mực nước dâng bình thường từ 1.54 đến 5.08 m.
Lượng nước tại các hồ chứa nước thủy lợi có dung tích > 10.000 m3 giảm từ 1/3 đến 1/2; các hồ chứa có dung tích < 10.000 m3, các ao, hồ nhỏ do Nhân dân tự đầu tư giảm mạnh từ 1/2 đến 3/4.
Năm 2024, toàn huyện có khoảng 3.360 ha diện tích sản xuất nông nghiệp (chiếm 11,7% diện tích canh tác) thiếu nước tưới, chủ yếu là cà phê, dâu tằm. Để chủ động phòng chống hạn hán vào mùa khô năm 2025, UBND huyện Lâm Hà đã xây dựng kế hoạch nhắm giảm thiểu tình trạng thiếu hụt nguồn nước.

Rút kinh nghiệm từ những năm trước, nông dân đã chủ động tưới sớm cho những diện tích có nguy cơ cao thiếu hụt nguồn nước vào mùa khô hạn
Ông Hoàng Văn Dũng - Phó Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Lâm Hà cho biết: Ngoài tăng cường công tác tuyên truyền, huyện Lâm Hà đã tăng cường các biện pháp phi công trình; trong đó, tổ chức kiểm tra, đánh giá cụ thể nguồn nước tại các sông, suối, hồ, đập... khoanh vùng diện tích cây trồng có khả năng bị hạn, thường xuyên bị hạn và những diện tích cây trồng không đủ nước; xây dựng kế hoạch điều tiết nước phù hợp với khả năng nguồn nước. Qua đó, ưu tiên nước cho sinh hoạt, tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao...
Cùng với đó, quản lý vận hành chặt chẽ công trình, nhất là hệ thống kênh tưới, không để rò rỉ lãng phí nước, đảm bảo đủ nước tới cuối khu tưới. Thực hiện tưới khoa học, tưới từ khu xa đầu mối trước xong mới tưới khu gần đầu mối sau; khu cao tưới trước khu trũng tưới sau.
Đồng thời, tăng cường hệ số sử dụng nước của kênh mương; phối hợp đồng bộ giữa đơn vị, địa phương, tổ dùng nước với các hộ dân dùng nước và bám sát lịch thời vụ gieo trồng, nhu cầu dùng nước của cây trồng.

Tưới tiết kiệm nước, tưới phân bổ đảm bảo lượng nước tối thiểu cho cây sinh trưởng và phát triển tốt là những điểm người dân cần lưu ý
Huyện cũng làm việc với các nhà máy thủy điện để đề nghị thực hiện tốt quy trình vận hành và thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến mực nước của các công trình, báo cáo kịp thời về các hiện tượng bất thường để có biện pháp xử lý khắc phục. Các công trình kênh mương thủy lợi, tổ chức nạo vét, phát dọn, khơi thông dòng chảy, cửa vào cống lấy nước, cửa vào các bể hút trạm bơm; dùng các biện pháp giữ nước, tích nước trong hồ chứa như: dùng bao tải đất, phai gỗ nâng cao ngưỡng tràn xả lũ để sử dụng dung tích phòng lũ nâng cao năng lực tích.
Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế máy móc và các thiết bị hư hỏng; sửa chữa khắc phục kịp thời các vị trí hư hỏng, đảm bảo không để thất thoát, lãng phí nguồn nước. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành sửa chữa các hồ chứa, hệ thống kênh dẫn để đưa vào sử dụng hiệu quả, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh.

Một số vùng sản xuất nông nghiệp tại huyện Lâm Hà ở xa nguồn nước tự nhiên nên có nguy cơ cao thiếu nước vào mùa khô
Đối với hồ chứa, theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước dâng tại hồ chứa. Khi mực nước trong các hồ chứa xuống thấp hơn mực nước chết, thấp hơn mực nước kiệt thiết kế, căn cứ tình hình thực tế các đơn vị khai thác công trình phải chủ động lắp đặt máy bơm dã chiến, thực hiện hạ thấp cao trình đáy bể hút và nối ống hút để sẵn sàng bơm nước phục vụ công tác chống hạn.
Ngoài ra, với công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn cũng phải chú trọng tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng, khắc phục kịp thời các vị trí hư hỏng, đảm bảo hệ thống cấp nước thường xuyên, an toàn, ổn định phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân…