Mưa 'vàng' giải nhiệt cho Đồng bằng sông Cửu Long giữa cao điểm hạn mặn
Các cơn mưa trái mùa liên tiếp trên diện rộng được người dân quý như vàng trong tình hình mùa khô nơi đây đang vào cao điểm với nguy cơ gây hạn hán và xâm nhập mặn.

Mưa tại huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng. Ảnh: TTXVN phát
Từ ngày từ 31/3-1/4, những cơn mưa "vàng” trên các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Sóc Trăng đã giải cơn khát cho hàng nghìn ha cây trái, rau màu, đồng thời khiến không khí mát mẻ, dễ chịu sau nhiều ngày nắng gắt, oi bức.
Các cơn mưa trái mùa liên tiếp trên diện rộng được người dân quý như vàng trong tình hình mùa khô nơi đây đang vào cao điểm với nguy cơ gây hạn hán và xâm nhập mặn sâu vào phía thượng lưu đe dọa sản xuất, đặc biệt là ảnh hưởng các vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản xuất khẩu có giá trị kinh tế cao phía Tây tỉnh Tiền Giang.
Chiều 1/4, tại các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh Tiền Giang như thị xã Cai Lậy, huyện Cai Lậy, Cái Bè …xuất hiện một cơn mưa to trái mùa trên diện rộng kéo dài trong khoảng hơn 1 giờ (từ khoảng 16 giờ đến 17 giờ) trong sự hân hoan, phấn khởi của người dân địa phương.
Các huyện, thị trên có vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản tập trung lớn gồm khoảng 24.500 ha sầu riêng xuất khẩu; trong đó, có trên 16.000 ha đang cho thu hoạch; trên 15.000 ha mít; khoảng 2.000 ha xoài và một số cây ăn quả có giá trị kinh tế cao khác. Đây là những cây trồng đang rất cần nguồn nước tưới, chống hạn trong mùa khô 2024 – 2025.
Chị Nguyễn Thị Phương Ngọc, canh tác 2.000 m2 sầu riêng ở thị xã Cai Lậy vui mừng cho biết, nhờ trận mưa to này, vườn sầu riêng của gia đình sẽ hồi phục sau những ngày nắng nóng gay gắt vừa qua. Sầu riêng là cây trồng rất cần nước tưới để sinh trưởng. Nếu thiếu nước, cây sẽ suy kiệt, giảm năng suất, thiệt hại cho nhà vườn rất lớn, nhất là trong thời điểm hiện nay có không ít khu vườn sầu riêng đang ra hoa, kết quả hoặc sắp đến kỳ thu hoạch.
Ông Nguyễn Minh Hiếu, canh tác 3.000 m2 mít Thái ở xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy đánh giá, cơn mưa to trái mùa buổi chiều được nông dân địa phương trông đợi. Mưa to giải hạn cho vườn cây, cải thiện nguồn nước tưới tiêu, bà con ai cũng phấn khởi. Ông Hiếu cho biết, trước mắt, trong vài ngày tới, khu vườn của ông không phải tốn công bơm tát, tưới tiêu, giảm được chi phí sản xuất mà cây vẫn đảm bảo xanh tốt.
Cũng trong ngày 31/3 và sáng 1/4, tại khu vực duyên hải phía Đông Tiền Giang như Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây cũng đã xuất hiện những cơn mưa trái mùa góp phần cải thiện, tăng thêm nguồn nước tưới tiêu, chống hạn cho các vùng trồng rau màu, vùng chuyên canh thanh long tại địa phương đang rất cần nước sản xuất.
Tại tỉnh Sóc Trăng, liên tục trong 2 ngày qua xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Mưa trái mùa đã cung cấp nước cho nhiều vùng sản xuất lúa, hoa màu, cây ăn trái,... làm hạ nhiệt cho mùa khô năm 2025.
Huyện Long Phú, địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của nước mặn xâm nhập từ mùa khô đến nay; cơn mưa chiều ngày 31/3 đã cung cấp lượng nước khá lớn phục vụ sản xuất cho nhiều diện tích nông nghiệp ở địa phương.
Ông Lâm Thanh Vũ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Long Phú cho biết, huyện có diện tích lúa Đông Xuân muộn xuống giống 1.780,6 ha và có gần 1.000 ha trồng cây ăn trái và hoa màu. Từ đầu năm đến nay, địa bàn huyện bị ảnh hưởng mặn xâm nhập nên các cống lấy nước ở cặp sông Hậu đều đóng kín, lượng nước cung cấp tại các kênh nội đồng cũng cạn kiệt. Cũng theo ông Lâm Thanh Vũ, cơn mưa trái mùa chiều 31/3 đã giúp cung cấp một lượng nước tương đối cho nông dân sản xuất, giúp cho hàng nghìn ha sản xuất nông nghiệp có thêm nước dự trữ để ứng phó hạn mặn trong mùa khô 2025.
Còn tại thị xã Ngã Năm hơn 13.000 ha đang chuẩn bị gieo sạ vụ lúa Hè Thu 2025 cũng được cung cấp lượng nước khá lớn nhờ những cơn mưa trái mùa. Theo ông Châu Văn Bỉ (phường 2, thị xã Ngã Năm), gia đình sản xuất gần 1 ha lúa Hè Thu 2025, nắng nóng trong mấy ngày qua làm ảnh hưởng đến tiến độ xuống giống, tăng chi phí bơm tát, hạt giống chậm nảy mầm. Tuy nhiên cơn mưa trái mùa làm nông dân khá phấn khởi bởi vì có lượng nước để phục vụ làm đất để gieo sạ và diện tích đã gieo sạ lúa Hè Thu thì phát triển khá tốt.
Ông Đỗ Huy Lập, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Sóc Trăng cho biết, liên tục trong 2 ngày qua các nơi trong tỉnh có mưa, tổng lượng mưa từ 0,2 – 13,4 mm. Riêng tại thành phố Sóc Trăng, huyện Kế Sách và huyện Châu Thành có lượng mưa cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 6,4 – 10,4 mm.
Cũng theo ông Đỗ Huy Lập, từ đây đến 5/4/2025 khu vực tỉnh Sóc Trăng trưa chiều và tối có mưa, nhưng phân bố không đều; tổng lượng mưa khoảng từ 20 – 70 mm, mức cao hơn so với trung bình nhiều năm. Ngành chức năng cũng khuyến cáo, do mưa trái mùa kèm dông nên nguy cơ xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như sét, lốc và gió giật mạnh nên người dân cần thận trọng các hoạt động ngoài trời và tham gia giao thông.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến ngày 11/4, khu vực Nam Bộ sẽ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa vừa, mưa to. Từ đêm 2/4 có mưa rào rải rác, có nơi có dông. Từ đêm 3/4 đến ngày 11/4 có mưa rào, dông vài nơi. Tuy nhiên, thời kỳ giữa và cuối tháng 4, nắng nóng tiếp tục xuất hiện diện rộng tại khu vực miền Đông Nam Bộ và có xu hướng gia tăng ở khu vực Tây Nguyên và miền Tây Nam Bộ.
Cùng với đó, từ 2-10/4, chiều sâu ranh mặn 4‰ trên các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây từ 45-55km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại là 40-48km; sông Hàm Luông là 50-58km; sông Cổ Chiên là 45-50km; sông Hậu là 40-45km; sông Cái Lớn là 30-35km... và còn diễn biến phức tạp. Cảnh báo độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long cấp 2. Trước tình hình đó, những ‘cơn mưa hiếm” trong thời điểm này sẽ giúp cho việc sản xuất và cuộc sống của người dân được thuận lợi hơn.