Làm khoa học phải cụ thể, sát thực tiễn

Dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết năm 2023 của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vào sáng ngày 11/1, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh: 'Làm khoa học thì phải làm cho đến nơi đến chốn; làm KH&CN trên địa bàn tỉnh Cà Mau phải có cách nghĩ và cách làm của người Cà Mau, sát với thực tế. Chúng ta không tham vọng, không đặt yêu cầu cao, không yêu cầu cái gì cũng 100%, nhưng phải chọn lĩnh vực đột phá và là thế mạnh của tỉnh, ngành và địa phương'.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo gợi mở nhiều nội dung quan trọng cho ngành KH&CN.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo gợi mở nhiều nội dung quan trọng cho ngành KH&CN.

Nhìn nhận thực tế Cà Mau cũng là tỉnh “ trũng” về nguồn nhân lực làm khoa học, công nghệ, thiếu các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia; nguồn nhân lực làm KH&CN có hạn, Bí thư Tỉnh ủy đã gợi mở cho ngành: Đối với những nghiên cứu khoa học nào mà ngành không có đủ điều kiện tự làm do thiếu hụt nguồn nhân lực thì đặt hàng, thậm chí là đi mua nếu cần thiết cho sự đột phá của tỉnh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử dự và chủ trì hội nghị cùng Ban giám đốc Sở KH&CN.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử dự và chủ trì hội nghị cùng Ban giám đốc Sở KH&CN.

Năm qua, hoạt động triển khai các nhiệm vụ KH&CN kịp thời, đúng quy định, công tác quản lý nhà nước về KH&CN bám sát vào các chủ trương, chỉ đạo của Bộ KH&CN và của tỉnh. Hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đã triển khai kịp thời các nội dung theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh đề ra. Công tác triển khai nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng và nhân rộng các nhiệm vụ KH&CN trên các lĩnh vực đã có nhiều cải thiện, ứng dụng các kết quả đề tài, dự án vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh.

Sở KH&CN đã chủ động, kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các chủ trương, chính sách có liên quan đến hoạt động quản lý của ngành KH&CN để triển khai trên địa bàn tỉnh.

Đơn vị đã hoàn thành 3/3 nhiệm vụ trọng tâm được UBND tỉnh giao. Cụ thể, hoàn thành việc cấp 2 giấy chứng nhận doanh nghiệp (DN) KH&CN. Hỗ trợ thành lập Câu lạc bộ Khởi nghiệp của tỉnh và đi vào hoạt động; hỗ trợ quảng bá và thương mại hóa 2 sản phẩm từ DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thực hiện kế hoạch triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh đối với 38 sản phẩm OCOP của 26 cơ sở, kích hoạt tem và đưa lên cổng truy xuất của tỉnh.

Về quản lý khoa học, đã tổ chức hội đồng nghiệm thu kết quả thực hiện 18/18 đề tài/dự án, đạt 100% kế hoạch; kết quả, 2 dự án đạt loại xuất sắc, 2 dự án đạt loại khá, 14 đề tài/dự án xếp loại đạt.

Về quản lý công nghệ, đã tổ chức thẩm định và có ý kiến về công nghệ đối với 23 dự án đầu tư. Ngoài ra, Sở KH&CN đã phối hợp với Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ thuộc Bộ KH&CN hỗ trợ tìm kiếm, chuyển giao công nghệ nước ngoài cho Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau và Công ty Cổ phần Camimex Group. Cấp giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ cho 2 DN. Hỗ trợ 14 DN xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng HACCP, ISO 22000:2018; 3 DN xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn cơ sở cho 4 sản phẩm.

Lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng trên địa bàn tỉnh được triển khai hiệu quả, qua đó đã góp phần đáng kể trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa, ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Việc triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc từng bước giúp công khai, minh bạch các thông tin về sản phẩm, hàng hóa của các DN trên địa bàn.

Đại biểu nhiều ngành chuyên môn, bộ phận làm khoa học, doanh nghiệp có ý kiến thảo luận tại hội nghị.

Đại biểu nhiều ngành chuyên môn, bộ phận làm khoa học, doanh nghiệp có ý kiến thảo luận tại hội nghị.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của ngành KH&CN tỉnh còn những hạn chế như: Hoạt động KH&CN chưa thực sự gắn kết với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chưa đáp ứng yêu cầu giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra như nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; chưa có các đề tài, dự án quy mô lớn, mang tính đột phá nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nhất là nhu cầu phục vụ kinh tế biển, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản. Tiềm lực KH&CN về cơ sở vật chất tuy có sự đầu tư nhưng thiếu tập trung và chưa đồng bộ, thiếu sự phối hợp để phát huy, sử dụng giữa các ngành; nguồn nhân lực KH&CN chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là thiếu đội ngũ nghiên cứu khoa học chuyên sâu…

Tại hội nghị, ông Phan Tấn Thanh, Giám đốc Sở KH&CN cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị trong năm 2024 là thành lập 2 doanh nghiệp KH&CN; thương mại hóa ít nhất 2 sản phẩm được hình thành từ DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng cho 20 sản phẩm OCOP đã được xếp loại phân hạng đưa lên Cổng truy xuất nguồn gốc của tỉnh; tổ chức Hội đồng xét duyệt đề cương thuyết minh 15 nhiệm vụ; kiểm tra nội dung, kinh phí thực hiện 30 lượt đề tài/dự án; tiếp nhận hồ sơ và tổ chức Hội đồng nghiệm thu 14 dự án.

Mô hình nuôi tôm càng được đại biểu dự hội nghị quan tâm luận bàn giải pháp, định hướng phát triển trong thời gian tới.

Mô hình nuôi tôm càng được đại biểu dự hội nghị quan tâm luận bàn giải pháp, định hướng phát triển trong thời gian tới.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử đề nghị, trong năm 2024, ngành cần xác định chính xác, phân loại, phân luồng đúng tầm nhiệm vụ KH&CN để triển khai có hiệu quả; nâng cao tài sản sở hữu trí tuệ; áp dụng có hiệu quả các kết quả nghiên cứu khoa học.

Tập trung các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích DN nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động. Đồng thời, có các giải pháp đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ; thẩm định công nghệ dự án đầu tư; kiểm soát dự án đầu tư sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao; xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên.

Đẩy mạnh các hoạt động về tiêu chuẩn, đo lường chất lượng, hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; bảo hộ, thực thi quyền sở hữu công nghiệp, khai thác tài sản trí tuệ. Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh và thị trường KH&CN.

Xác định nhiệm vụ KH&CN hằng năm phải thiết thực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tập trung vào các nhiệm vụ mang tính đột phá để phát triển. Ưu tiên lựa chọn các đề tài, dự án KH&CN liên quan đến sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm cụ thể, có sự tham gia của dn; kết quả đề tài, dự án phải có khả năng ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống của người dân./.

Phú Hữu

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/lam-khoa-hoc-phai-cu-the-sat-thuc-tien-a30875.html