Làm lại cũng phải biết cách

Phim truyền hình tràn ngập sản phẩm remake (làm lại từ bản gốc nước ngoài), góp phần giúp thị trường phim Việt sôi động trở lại

Từ đầu năm 2025 đến nay, có hơn 10 phim truyền hình Việt mới lên sóng, trong đó khoảng 1/3 là phim remake. Nổi bật nhất là "Cha tôi, người ở lại", được chuyển thể từ "Lấy danh nghĩa người nhà" (Trung Quốc). Phim tạo hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ và dẫn đầu bảng xếp hạng rating nhiều tháng liên tiếp.

Sức hút này khiến công chúng nhớ lại giai đoạn "vàng" của phim remake khoảng 5-6 năm trước với những tác phẩm như "Người phán xử", "Hương vị tình thân", "Sống chung với mẹ chồng", "Gạo nếp gạo tẻ"… Các phim này đều tạo được dấu ấn, thậm chí giành nhiều giải thưởng lớn trong nước. Tuy nhiên, điểm chung là chúng đều được Việt hóa kỹ lưỡng, lồng ghép yếu tố văn hóa, tâm lý, xã hội Việt vào nội dung.

Một số tác phẩm thành công có mức độ chỉnh sửa lớn so với bản gốc. Ví dụ, "Người phán xử" được thay đổi tới 60% kịch bản, "Cây táo nở hoa" mất gần một tháng chỉ để viết 2 tập đầu nhằm chuyển hóa văn hóa Hàn Quốc sang Việt Nam...

Phim “Cha tôi, người ở lại” được đánh giá là một trong những bộ phim truyền hình “remake” thành công. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)

Phim “Cha tôi, người ở lại” được đánh giá là một trong những bộ phim truyền hình “remake” thành công. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)

Với "Cha tôi, người ở lại", đạo diễn Vũ Trường Khoa khẳng định chỉ lấy tứ truyện từ bản gốc, còn lại được biên kịch khai thác sâu yếu tố văn hóa Việt. Đặc biệt, nhân vật ông Bình - nghệ sĩ chèo về hưu, được xây dựng đậm bản sắc dân tộc và gây xúc động với nhiều cảnh hát chèo, hát văn.

Dù vậy, không phải phim remake nào cũng thành công. Một số phim như "Hành trình công lý", "Hậu duệ mặt trời", "Mối tình đầu của tôi", "Vua bánh mì"… bị đánh giá là khiên cưỡng, lệch tông, thậm chí "phá nát" bản gốc vì lối kể không phù hợp, diễn xuất thiếu thuyết phục.

Biên kịch Trịnh Khánh Hà (phim "Hương vị tình thân") nhận định: "Một bộ phim remake thành công, thì đó là do tác phẩm gốc hay, nhưng bộ phim remake chưa thành công, đó là phá nát nguyên tác".

Các chuyên gia làm phim cũng cảnh báo, nếu lạm dụng remake, thị trường kịch bản Việt vốn đã khan hiếm sẽ càng thêm lệ thuộc, dẫn tới tình trạng nhà sản xuất chọn phương án an toàn, diễn viên chạy theo vai diễn nổi tiếng, còn biên kịch chỉ "xào nấu" theo công thức sẵn.

Thực tế gần đây cho thấy, dòng phim remake đang chững lại, nhường chỗ cho các tác phẩm đậm chất Việt như "Đi giữa trời rực rỡ", "Sinh tử", "Mẹ biển", "Cuộc đời vẫn đẹp sao"… Dù chưa hoàn hảo, nhưng những bộ phim này đã chứng minh nỗ lực tự xây dựng kịch bản, khai thác văn hóa và con người Việt.

Đã đến lúc phim Việt cần đầu tư chiều sâu vào kịch bản, nâng tầm vị thế biên kịch, và đi con đường riêng, thay vì mãi chạy theo cái bóng của phim ngoại. Chỉ khi đó, truyền hình Việt mới có thể phát triển bền vững và để lại dấu ấn lâu dài.

Kim Ngân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/lam-lai-cung-phai-biet-cach-196250709203615385.htm