Làm mới ca khúc ngày xuân: Người buồn, người vui!

Nhạc xuân không chỉ đơn thuần là phần không thể thiếu trong không khí ngày Tết, mà còn là sự kết nối, giao lưu giữa các thế hệ, giữa các nền văn hóa. Nhưng lựa chọn nghe bản nhạc xuân cũng là một câu chuyện vô tình mà hữu ý bởi có người vui mà cũng có người buồn.

Mùa xuân vẫn thường được ví von là mùa của sự hồi sinh và tươi mới. Bối cảnh ấy chắc hẳn không thể thiếu những giai điệu âm nhạc tươi vui. Nhạc xuân không chỉ đơn thuần là phần không thể thiếu trong không khí ngày Tết, mà còn là sự kết nối, giao lưu giữa các thế hệ, giữa các nền văn hóa. Khi đó, có người chọn nghe ca khúc mới, có người hoài niệm với những bài nhạc xưa và cũng có người chọn cả hai: bằng cách chọn nghe một bài hát xưa, được làm mới trên nền nhạc vui vẻ và sôi động. Lựa chọn sau có vẻ trung dung vì cân bằng được giữa nhạc xưa với sự mới mẻ. Song, nếu không cẩn trọng, niềm vui của người nghe lại trở thành nỗi buồn của tác giả.

Chuyện xưa kể lại

Nhiều thập kỷ trước, việc ca sĩ tự ý sửa lời bài hát khi biểu diễn thường được giới hành nghề xem như là một điều cấm kỵ. Cần phải nói ngay, luật lệ về bản quyền khi đó còn rất sơ khai, thiếu chặt chẽ và còn khá xa lạ với văn hóa truyền thống của người Việt. Song có lẽ, chính sự tôn trọng lẫn nhau giữa nhạc sĩ và ca sĩ trong quá trình hành nghề nghiệp đã góp phần tạo nên một văn hóa tôn trọng bản quyền trong lĩnh vực âm nhạc.

Nhìn vào đời sống âm nhạc lúc trước, thông thường, nhạc sĩ sẽ “đo ni đóng giày” tác phẩm của mình cho một ca sĩ cụ thể. Ngược lại, ca sĩ thường chỉ biểu diễn các bài hát của một số nhạc sĩ nhất định, như: ca sĩ Khánh Ly thường chỉ trình bày các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ca sĩ Thái Thanh với các nhạc phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy, hay ca sĩ Hương Lan với các bài hát của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.

Danh ca Phương Dung từng cho biết, để ca sĩ có thể hiểu bài hát và trình diễn tốt, nhạc sĩ thường giải thích rất kỹ về ý nghĩa bài hát, cùng tập luyện cách nhấn nhá, bỏ nhỏ, hay lên cao trào chỗ nào. Chỉ khi nhạc sĩ ưng ý thì mới trình diễn hay thu âm, phát hành băng đĩa ra công chúng.

Sự kỹ lưỡng và cẩn trọng như vậy là vì đối với mỗi nhạc sĩ, tác phẩm được xem là “đứa con tinh thần” mang đậm tư tưởng, ý nghĩa riêng của họ. Mà thử hỏi, mấy ai không cảm thấy bực tức khi “đứa con” mà mình cất công thai nghén lại bị người khác tùy tiện chỉnh sửa. Trên thực tế, một danh ca đã từng thuật lại: “Có nhạc sĩ khi nghe ca sĩ hát sai lời liền tức giận ném thẳng chiếc máy cassette vào tường, không hợp tác nữa”(1). Đó là chưa kể, việc sai lệch về giai điệu, nhịp điệu hay lời ca dù là chỉ vài chữ cũng có thể sẽ làm sai lệch ý nghĩa cũng như tâm tư, tình cảm mà tác giả gửi gắm vào ca khúc. Có lẽ, hiểu được những ý tứ đó nên hầu như hiếm có trường hợp nào ca sĩ tự ý sửa lời của nhạc phẩm khi trình diễn. Thực hành này quả thật là một điều đáng để thế hệ chúng ta học hỏi từ lớp người đi trước.

Nhưng rồi vật đổi, sao dời

Rồi mọi thứ cũng dần thay đổi, xã hội ngày càng phát triển và cuộc sống của mọi người cũng trở nên bận rộn hơn. Nhu cầu thưởng thức các tác phẩm tinh thần đa dạng cũng theo đó tăng lên. Thế là, việc chỉnh sửa, remix các ca khúc theo các phong cách khác nhau dần dần xuất hiện và ngày càng nở rộ.

Ngày nay, nhờ vào các kỹ thuật, công nghệ hiện đại một bài hát có thể nhanh chóng khoác lên mình chiếc áo mới, với giai điệu và tiết tấu sôi động hơn. Bản phối mới (remix) này có thể nhanh chóng phổ biến tới người nghe qua một loạt kênh truyền thông, ứng dụng, mạng xã hội. Việc “remix” các bài hát nhạc xuân, tranh thủ dịp xuân về để tăng lượt nghe cho kênh phát hành cũng nằm trong bối cảnh như vậy. Vài tháng trước Tết, dạo quanh YouTube đã có đủ thể loại danh sách bài hát xuân, cũ mới đều có và không thiếu các bản remix để “chạy đà” cho không khí xuân cận kề.

Có thể việc làm mới một ca khúc bằng cách remix chỉ đơn thuần mong muốn mang lại không khí vui tươi, rộn ràng đặc biệt là khi nhân dịp đất trời giao mùa. Tuy nhiên, việc khoác một chiếc áo mới mẻ cho ca khúc có thể trở nên không phù hợp, nhất là khi ca khúc gốc được ra đời với bối cảnh sáng tác, âm hưởng và tiết tấu khác. Hãy thử hình dung, nếu ca khúc “Xuân này con không về” của nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân, vốn diễn tả tâm trạng buồn bã của một người lính khi xa nhà ngày xuân mà lại được “remix” bằng tiết tấu nhanh rộn ràng như ngày hội thì có vẻ không ổn. Chưa kể, trong khi ca từ vẫn thể hiện sự buồn bã mà trên nền nhạc xập xình thì lại càng khó chấp nhận. Hay nói dí dỏm là nghe xong “quên luôn bản gốc”. Nhiều thính giả lớn tuổi cảm thấy khó chịu hẳn cũng là từ những lý do này.

Cũng chính tại đây mà mâu thuẫn nảy sinh giữa một bên muốn duy trì tác phẩm như nó vốn có và một bên thì muốn cải biên để “hợp thời”. Có thể ví von, bên muốn duy trì sự toàn vẹn của ca khúc là thế hệ noi theo lớp người đi trước trong câu chuyện ngày xưa ở trên, những người cẩn trọng và tinh tế; còn bên muốn mở rộng hoạt động remix là một thế hệ trẻ năng động nhưng cũng có phần vội vàng. Một lựa chọn trung dung - hài hòa không phải lúc nào cũng dễ dàng, thậm chí là không thể.

Hiện đại hơn nhưng cũng cần cẩn trọng hơn

Mỗi khi mâu thuẫn lên đến cao trào, luật pháp sẽ phải can thiệp để giữ gìn sự ổn định trong xã hội. Ngày nay, hầu hết các quốc gia đều công nhận tác giả có quyền bảo vệ sự toàn vẹn đối với tác phẩm của mình. Song luật pháp cũng có sự điều chỉnh để nguyên tắc bảo toàn nguyên tác có thể hòa hợp với bối cảnh hiện đại.

Theo đó, nếu những sửa đổi trong ca khúc làm tổn hại đến danh dự, uy tín của tác giả, hoặc là làm lu mờ “cá tính” của ca khúc - những dấu ấn mang tâm tư và màu sắc riêng của tác giả được thể hiện trong tác phẩm - thì những phiên bản remix này có thể bị coi là vi phạm quyền bảo toàn nguyên tác. Như vậy, những phiên bản “quên luôn bản gốc” rất có thể bị xem là xâm phạm sự toàn vẹn của tác phẩm, bởi vì chúng có khả năng tạo cho người nghe ấn tượng không tốt về ca khúc, qua đó ảnh hưởng đến danh dự và tiếng tăm của tác giả. Hay nói cách khác, đây có thể xem là “ranh giới” trong việc làm mới ca khúc mà chúng ta cần cẩn trọng.

Mùa xuân là dịp để lan tỏa những điều tốt đẹp, và khi thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật, hãy cẩn trọng để chúng ta không vô tình làm tổn thương tác giả. Sự phát triển của pháp luật về bản quyền, kết hợp với tiến bộ công nghệ, là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng một xã hội văn minh và có trách nhiệm. Tuy nhiên, sự phát triển ấy sẽ chỉ phát huy tác dụng khi đi kèm với ý thức và hành động đúng đắn từ cộng đồng. Suy cho cùng, chính đạo đức ứng xử của con người, sự tôn trọng lẫn nhau, chứ không phải là sự kính sợ quyền uy luật pháp, mới góp phần đem lại sự ổn định trong xã hội.

(*) Chuyên gia nghiên cứu và phát triển về sở hữu trí tuệ.

(**) Luật sư tại Văn phòng Luật sư NGUYỄN & TRẦN

(1) Danh ca Phương Dung trả lời báo Pháp luật TPHCM ngày 7-7-2022.

Nguyễn Ngô Thành Danh(*) - Nguyễn Thái Hải Lâm(**)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/lam-moi-ca-khuc-ngay-xuan-nguoi-buon-nguoi-vui/