Làm mới các động lực tăng trưởng để vực dậy doanh nghiệp
Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, rời khỏi thị trường trong 2 tháng đầu năm 2024 lên tới 63 nghìn doanh nghiệp. Đây tiếp tục là con số đáng báo động, dù tình hình kinh doanh đang có dấu hiệu khởi sắc. Để trợ lực cho DN thì cần giải quyết vấn đề căn cơ, nguyên nhân gốc rễ thay vì xử lý vấn đề hiện tượng.
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 2 tháng đầu năm 2024, cả nước có 41,1 nghìn doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 1 tháng có hơn 20,5 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, số DN rút lui khỏi thị trường là 63 nghìn, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 1 tháng có gần 31,5 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.
Hơn 31 doanh nghiệp ‘chết lâm sàng’ mỗi tháng
Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024, bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn thách thức. Sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn cao do giá dầu thô, giá lương thực, tỷ giá trên thị trường thế giới biến động mạnh; rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản thế giới; xu hướng bất ổn chính trị, kinh tế, xã hội tiếp tục gia tăng.
Trong khi đó, tình hình sản xuất kinh doanh trong một số DN còn nhiều khó khăn (một trong những nguyên nhân chính liên quan tới nguồn vốn); sản xuất công nghiệp một số lĩnh vực, một số nơi phục hồi chậm; một số ngành dịch vụ, nhất là ăn uống, giải trí chưa phục hồi rõ nét.
Dù thị trường dệt may được đánh giá là đã có những tín hiệu rất khởi sắc trong những tháng đầu năm 2024. Song Công ty CP Garmex Sài Gòn vẫn quyết định bán hai mảnh đất tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Nam sau khi cắt giảm gần 2.000 lao động vì không có đơn hàng.
Trước đó, Garmex Sài Gòn liên tục tổ chức đấu giá để thanh lý nhiều tài sản như máy móc, ô tô, máy thuê, xe tải… hơn 2,2 tỷ đồng. Năm 2023, doanh thu của Garmex Sài Gòn giảm gần 35 lần so với cùng kỳ, đạt 8,6 tỷ đồng. Nguyên nhân do đơn hàng giảm sâu, chủ yếu là đơn lẻ, số lượng ít, đơn giá thấp.
Điều đáng nói, trước đại dịch, Garmex Sài Gòn từng được biết đến là "ông lớn" trong ngành dệt may, tạo việc làm cho hơn 4.000 công nhân trong năm 2019. Công ty ghi nhận mức doanh thu hàng nghìn tỷ đồng và lợi nhuận lên đến hơn trăm tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp này bắt đầu có kế hoạch kinh doanh bết bát kể từ 2022.
Hay với ngành gạo, tưởng chừng như giá gạo tăng cao, các DN xuất khẩu sẽ hưởng lợi. Nhưng, nhiều DN vẫn phản ánh khó khăn. Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đánh giá 2023 vừa qua là một năm đầy biến động của ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Tuy kết quả xuất khẩu gạo đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay nhưng hiệu quả kinh doanh của thương nhân bị hạn chế do chính sách xuất nhập khẩu gạo của các quốc gia lớn trên thế giới thay đổi đột ngột.
Theo ông Nam, việc kinh doanh của các thương nhân tham gia xuất khẩu đạt hiệu quả chưa cao, vì chi phí sản xuất và chi phí dịch vụ tăng cao đã đẩy chi phí giá thành sản phẩm lên cao.
Cần giải pháp ‘gốc rễ’ thay vì hiện tượng
Hiện nay, hầu hết các thương nhân xuất khẩu gạo gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là nguồn vốn lưu động, gây ảnh hưởng đến tiến độ thu mua của DN. Với đặc thù sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, việc duy trì mức dự trữ, lưu thông 5% theo quy định của Nghị định 107 cũng gây áp lực khá lớn lên các thương nhân xuất khẩu gạo.
Nhận định về “sức khỏe” DN, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM), đánh giá thông thường số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động thời điểm đầu năm thường thấp hơn so với các tháng giữa năm và cuối năm do rơi vào các tháng Tết có số ngày nghỉ dài.
Dù thấp hơn các giai đoạn khác song số DN gia nhập thị trường luôn nhiều hơn số DN rút lui. Vì vậy, hiện tượng DN rút lui cao đột biến hơn cả DN gia nhập thị trường. Đây là xu hướng đi ngược so với trước.
Theo đó, bà Thảo cho rằng đây là tín hiệu DN ngày càng suy kiệt sức khỏe sau một thời gian phải cố gắng duy trì vượt khó bởi đại dịch COVID-19 và các thách thức từ bên ngoài. Vì vậy, những khó khăn vẫn tiếp tục bủa vây DN trong năm 2024.
Thống kê từ Bộ KH&ĐT cho thấy, hiện nay, Việt Nam có gần 920.000 DN đang hoạt động, tuy nhiên chủ yếu có quy mô nhỏ bé, với gần 98% là các DN có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Thời gian qua, các DN chưa kịp phục hồi hoàn toàn sau dịch bệnh Covid-19, lại tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức do tác động của các bất ổn kinh tế, địa, chính trị thế giới. Do đó, với sức khỏe còn yếu thì các DN khó có thể hấp thụ được nguồn vốn.
“Để trợ lực cho DN thì cần giải quyết vấn đề căn cơ, nguyên nhân gốc rễ thay vì xử lý vấn đề hiện tượng”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. Theo đó, cần nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của DN; Tiếp tục hỗ trợ DN giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.
Cùng với đó, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh tới hỗ trợ DN tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước; hỗ trợ người lao động, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung vào các ngành: sản xuất chip bán dẫn, năng lượng mới (hydrogen)…
Nhìn nhận tình hình thế giới còn nhiều biến động khó lường, Thủ tướng yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Bảo đảm lưu thông tiền tệ tốt hơn, cung ứng đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế; giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống. Tiếp tục có biện pháp giảm lãi suất cho vay.
Bên cạnh đó, tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Về đầu tư, tạo thuận lợi thu hút, giải ngân đầu tư xã hội; quyết liệt xử lý vướng mắc, tích cực hỗ trợ đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư; tăng cường xúc tiến, thu hút dự án FDI.
Về xuất khẩu, củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới; thực hiện hiệu quả các FTA; thúc đẩy Trung Quốc sớm dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu gia cầm từ Việt Nam. Về tiêu dùng, đẩy mạnh khuyến mại, giảm giá, thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; có giải pháp mạnh mẽ thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Ông Đậu Anh Tuấn
Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Xung đột chính trị đã và đang tác động đến kinh tế Việt Nam nói chung và cộng đồng DN nói riêng, hiện nhiều ngành hàng của Việt Nam gặp khó do vận tải qua Biển Đỏ bị rủi ro, nhiều chuyến tàu hàng bị đổi hướng cho nên thời gian giao hàng kéo dài chi phí tăng cao… Điều này cho thấy những khó khăn của nền kinh tế trong năm 2023 chưa giảm bớt mà vẫn kéo dài sang năm 2024. Theo đó, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ thuế, phí để tiếp sức cho cộng đồng DN.
TS. Lê Duy Bình
Giám đốc điều hành Economica Vietnam
Một trong những nhiệm vụ của năm 2024 là nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế. Vừa qua thị trường trong nước gia tăng đáng kể nhưng chưa được quan tâm, DN nhiều khi vẫn chú trọng nhiều về thị trường xuất khẩu thể hiện qua doanh thu thị trường nội địa thấp hơn xuất khẩu. Do vậy, một trong những chính sách trong thời gian tới là phát triển doanh thu dịch vụ tiêu dùng, kích cầu trong nước, giúp năng lực nội tại mạnh mẽ hơn.
Ông Trần Như Tùng
Chủ tịch HĐQT CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công
Ngành dệt may có thể sẽ vẫn còn khó khăn trong quý I, đơn hàng chưa phục hồi mạnh. Trước năm 2019 trở về trước, thời điểm cuối năm, DN đã nhận được đơn hàng cho quý I và 50% cho quý II. Tuy vậy, DN vẫn hy vọng tình hình có thể cải thiện hơn từ quý II. Nếu mọi thuận lợi đúng như báo, 2024 vẫn là một năm đáng để hy vọng cho DN dệt may. Việc Chính phủ yêu cầu giảm mạnh lãi suất sẽ tạo thuận lợi cho DN.