Làm mới cái cũ
Làm mới một cái cũ thực chất là sửa chữa, cải tạo, tân trang, nâng cấp cái cũ thành một cái mới đẹp hơn, tốt hơn, tiến bộ hơn. Theo quy luật của sự phát triển thì cái mới bao giờ cũng thay thế cái cũ, phủ định cái cũ, nhưng phủ định trên cơ sở kế thừa, tiếp thu, chọn lọc cái hay, cái đẹp, cái tốt của sự vật cũ.
Cái mới không bao giờ phủ định sạch trơn cái cũ... Đó là nội hàm được chỉ rõ bởi quy luật phủ định của phủ định trong lý luận Triết học Mác-Lênin. Chân lý ấy ai cũng biết, cũng hiểu và công nhận tính đúng đắn, cách mạng, khoa học của nó. Thế nhưng, việc vận dụng thế nào cho đúng đắn, sáng tạo, hiệu quả thì quả là một câu chuyện khác.
Gần đây, chúng ta chứng kiến vô số kiểu làm mới các công trình kiến trúc, di tích lịch sử, văn hóa của dân tộc thật ngược đời. Là những dự án trùng tu, tôn tạo, nâng cấp, tu sửa... nhưng người ta lại hồn nhiên đập phá, triệt tiêu cái cũ một cách không thương tiếc để thay vào đó là những công trình mới 100%... Hoa văn kiến trúc biến dạng, tiểu tiết trang trí trình bày theo cách nhìn và ý muốn chủ quan của các kiến trúc sư và người thợ vừa thiếu, vừa yếu tri thức lịch sử, kiến thức văn hóa, cả nền tảng truyền thống và gốc rễ đạo đức xã hội. Thành thử, cái mới phủ định sạch trơn cái cũ, cái mới không phải là phát triển trên cơ sở cái cũ.
Chúng ta công nhận với nhau rằng: Di tích lịch sử, di tích văn hóa, công trình lịch sử... là những sản phẩm “quốc hồn, quốc túy” được kết tinh từ những giá trị lịch sử, văn hóa ngàn đời. Giá trị của nó là ở chất liệu, thẩm mỹ, kiến trúc văn hóa, ở tuổi di tích, ở chất liệu xây dựng cổ xưa, ở cái linh thiêng cao cả của văn minh, văn hóa được kết tinh từ một thời đại, một triều chính, thời kỳ lịch sử... Thế nhưng, bất chấp tất cả, vô số cái cũ bị phá bỏ, bị phủ nhận hoàn toàn, bị đánh đổ trong tiếc nuối, còn cái mới được xây lên, nhưng do không kế thừa, tiếp thu cái cũ nên cũng bị tẩy chay, lên án, làm mất giá trị quý báu của nó. Đáng buồn hơn, những cái chưa cũ, chưa lạc hậu, thậm chí nó còn là cái mới, cái tiến bộ cũng bị thải loại... khiến chúng ta thực sự đau lòng!
Cũng buồn không kém, khi cái cách "phủ định sạch trơn" ấy lại hiện hữu cả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số nơi: Cán bộ nhiệm kỳ mới "phủ định" cách làm của nhiệm kỳ cũ theo lối "tư duy nhiệm kỳ"; thế hệ trẻ phủ định, chê bai nhiều giá trị văn hóa truyền thống lịch sử, dẫu vẫn được các thế hệ đi trước trân trọng, nâng niu...
Xin hãy quay về với lý luận gốc để nhận thức lại, tư duy lại và cải biến hành vi, hành động vốn có nhiều sai phạm. Trong bất luận, để làm mới một cái cũ, không đơn giản chỉ là việc chúng ta khoác cho nó cái vỏ bọc mới, mặc cho nó một chiếc áo mới, càng không phải là một sự nhào nặn chủ quan, hay xem thường, miệt thị cái cũ, cái truyền thống. Làm mới cái cũ phải tuân theo quy luật tự nhiên vốn có của thực tiễn khách quan. Có vậy thì cái mới mới thật sự mới, trở thành cái tốt, cái hay, cái cần thiết và có ích cho xã hội.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/lam-moi-cai-cu-657749