Làm mới hệ thống nhà chờ xe buýt
Đầu tư xây dựng hệ thống nhà chờ xe buýt là bước đi đúng đắn, góp phần làm đẹp đô thị và nâng cao chất lượng vận tải công cộng.

Nhà chờ xe buýt tại trạm trung chuyển xe buýt Long Biên. Ảnh: Thanh Tuấn
Khắc phục những tồn tại
Hà Nội được kỳ vọng sẽ phát triển hệ thống giao thông công cộng hiện đại, trong đó xe buýt đóng vai trò quan trọng trong việc giảm ùn tắc và ô nhiễm. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, vẫn tồn tại một số nhà chờ xe buýt trên địa bàn Thủ đô có tình trạng xuống cấp, không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị mà còn gây bất tiện cho người dân.
Theo ghi nhận, dọc các tuyến đường: Cầu Giấy, Giải Phóng, Nguyễn Trãi, Xuân Thủy, Trần Duy Hưng…, dễ dàng bắt gặp những nhà chờ xe buýt rệu rã, bám đầy bụi bẩn, rác thải vương vãi khắp nơi. Không chỉ xuống cấp, nhiều nhà chờ xe buýt ở Hà Nội còn bị “biến tướng” thành địa điểm kinh doanh tự phát. Người bán hàng rong tận dụng mái che để bày bán đồ ăn, nước giải khát, thậm chí có nơi trở thành điểm tụ tập của xe ôm truyền thống lẫn xe ôm công nghệ.
“Tuyến buýt mà tôi hay đi có nhiều điểm chờ có mái che bị rách nát, khung sắt gỉ sét, ghế ngồi bong tróc, hư hỏng. Tình trạng vẽ bậy, quảng cáo rao vặt, rác thải vương vãi khá phổ biến. Đặc biệt tại các khu vực xa trung tâm, một số nhà chờ bị thiếu ánh sáng về ban đêm hoặc nằm sát lòng đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân, nhất là vào giờ cao điểm” - bác Nguyễn Văn Thức (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.
Để khắc phục những tồn tại này, cuối tháng 4/2025, Hà Nội đã tiến hành ra quân chỉnh trang, duy tu hệ thống nhà chờ, điểm dừng xe buýt trên toàn TP. Đây là động thái nhằm cải thiện mỹ quan đô thị, đồng thời nâng cao trải nghiệm cho hành khách sử dụng phương tiện công cộng.
Chiến dịch chỉnh trang lần này do Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông TP Hà Nội (Sở Xây dựng) tổ chức. Hàng trăm điểm dừng và nhà chờ xe buýt trên các tuyến phố như: Điện Biên Phủ, Trần Phú, Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Giải Phóng, Nguyễn Trãi... đã được vệ sinh, sửa chữa, sơn mới, thay kính vỡ và làm sạch mái che, ghế ngồi, biển báo chỉ dẫn. Nhờ đó, diện mạo nhiều nhà chờ xe buýt đã trở nên sáng sủa, khang trang hơn, góp phần xây dựng hình ảnh Thủ đô xanh - sạch - đẹp, văn minh và hiện đại.
Tại một điểm chờ xe buýt ở bến xe Long Biên, quận Ba Đình, chị Nguyễn Thị Lan đang đợi nối chuyến để đến công ty. Chị Lan cho biết: “Nhà chờ xe buýt bây giờ đã khang trang hơn, các tuyến xe chạy đúng giờ. Tôi cũng hay dùng ứng dụng tra cứu tuyến xe, rất thuận tiện. Mong TP Hà Nội đầu tư thêm nhiều tuyến xe buýt điện hơn”.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện toàn mạng lưới xe buýt của TP có khoảng 4.700 điểm dừng đỗ, nhưng mới chỉ có khoảng 350 nhà chờ được xây dựng, đạt tỷ lệ khoảng 7,4%. Tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhà chờ đã ảnh hưởng lớn đến hành khách, nhất là trong điều kiện thời tiết bất lợi, làm giảm sức hấp dẫn của loại hình vận tải hành khách công cộng này. Bên cạnh đó, quỹ đất dành cho các điểm đầu, điểm cuối, trung chuyển, làn đường ưu tiên cho xe buýt cũng còn thiếu, khiến hoạt động vận hành gặp nhiều khó khăn. Tại một số vị trí, các điểm dừng và nhà chờ bị lấn chiếm, phương tiện cá nhân đỗ dưới lòng đường gây cản trở xe buýt khi ra vào đón trả khách.
Bên cạnh những tích cực, cũng cần phải nói thêm, một số người dân chưa thực sự có ý thức giữ gìn cơ sở vật chất nhà chờ xe buýt. Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đã kêu gọi người dân chung tay bảo vệ công trình công cộng, không xả rác, không vẽ bậy, không phá hoại. Song trên thực tế, việc thay đổi thói quen và nâng cao ý thức cộng đồng vẫn cần thêm nhiều thời gian và giải pháp đồng bộ.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, UBND TP Hà Nội cũng đã giao Sở Xây dựng nghiên cứu, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án xây dựng hệ thống nhà chờ xe buýt trên địa bàn TP giai đoạn 2026 - 2028. Theo kế hoạch, tổng mức đầu tư dự kiến cho dự án là hơn 180 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách TP. Sở Xây dựng được giao rà soát các tuyến buýt đang vận hành ổn định, xác định các vị trí xây dựng nhà chờ phù hợp với thực trạng, quy hoạch, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả khi đầu tư. Các sở, ngành liên quan như: Sở Tài chính, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Nông nghiệp và Môi trường; UBND các quận, huyện, thị xã;... sẽ phối hợp với Sở Xây dựng triển khai thủ tục đầu tư, giải quyết các vấn đề liên quan nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng, đúng quy định pháp luật.
Đối với hệ thống nhà chờ xe buýt, TP triển khai dự án đầu tư, phát triển theo hướng đầu tư công với tổng số nhà chờ dự kiến đầu tư là 1.150 nhà chờ, toàn bộ sử dụng năng lượng mặt trời phục vụ chiếu sáng. Trong đó có 800 nhà chờ theo mẫu mã hiện đại lắp đặt tại các khu vực có khả năng khai thác quảng cáo thương mại, tạo nguồn thu cho ngân sách; 350 nhà chờ thiết kế mẫu mã đơn giản, lắp đặt tại các khu vực ngoại thành với công năng duy nhất là phục vụ hành khách để tiết kiệm chi phí đầu tư.
Đối với điểm đầu cuối, điểm trung chuyển, TP đầu tư cải tạo toàn bộ hệ thống điểm đầu cuối, điểm trung chuyển hiện có và đầu tư bổ sung các điểm mới theo hướng đồng bộ về hình ảnh, thân thiện và tiện ích cho hành khách, đáp ứng yêu cầu văn minh đô thị. Cùng với đó, TP sẽ cải tạo điểm trung chuyển xe buýt Cầu Giấy thành điểm trung chuyển mẫu, bảo đảm kết nối hiệu quả với các loại hình vận tải. Tại đây sẽ có khu vực trông giữ xe cá nhân phục vụ hành khách sử dụng phương tiện công cộng; lắp đặt hệ thống bảng điện tử thông tin về hoạt động của các tuyến buýt theo thời gian thực; lắp đặt camera giám sát, "phạt nguội”…
Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hành khách công cộng TP Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho biết: “Điểm dừng, nhà chờ còn có vai trò kết nối quan trọng giữa các tuyến buýt với nhau và kết nối xe buýt với các loại hình vận tải công cộng khác. Do đó, lập Quy hoạch điểm dừng, nhà chờ không chỉ để phục vụ xe buýt mà quan trọng hơn còn là hình thành các điểm kết nối giữa hành khách với vận tải công cộng. Cùng với đó là tăng cường giữ gìn vệ sinh, mỹ quan đô thị tại các điểm dừng, nhà chờ xe buýt, nhất là trong khu vực nội thành”.
Việc đầu tư xây dựng hệ thống nhà chờ đồng bộ, hiện đại được kỳ vọng sẽ cải thiện điều kiện phục vụ, thúc đẩy người dân sử dụng phương tiện vận tải công cộng, góp phần giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường, từng bước xây dựng hệ thống giao thông đô thị văn minh, hiện đại.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/lam-moi-he-thong-nha-cho-xe-buyt-422639.html