Làm mới phương pháp nghiên cứu tác phẩm
Là đơn vị trung tâm, cơ bản của nghiên cứu văn học, tồn tại trong mối quan hệ phức tạp, khái niệm tác phẩm văn học luôn nhận sự chú ý của mọi giới cả sáng tác, nghiên cứu...
Đã có nhiều công trình nghiên cứu trong và ngoài nước về vấn đề này nhưng vì giới hạn bởi quan niệm và cứ liệu nên mỗi thời lại đòi hỏi phải có những kết quả mới. Một cuốn sách vừa được xuất bản đã tạo sự chú ý của dư luận với tựa đề Phương pháp nghiên cứu tác phẩm văn học của tác giả, GS.TS Trần Đăng Suyền (Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội, 2022).
Là người có bề dày kinh nghiệm giảng dạy ở bậc đại học (Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), tác giả không chỉ tham khảo lý thuyết trong nước mà cả nước ngoài, dồi dào cứ liệu văn học để hoàn thành cuốn sách. Vì vậy, công trình này thể hiện vốn kiến văn sâu rộng, thẩm văn tinh tế cùng một năng lực sư phạm truyền tải kiến thức uyển chuyển, cách kiến tạo một cấu trúc công trình khoa học, thuyết phục.
Mở đầu cuốn sách, tác giả trình bày quan niệm về tác phẩm văn học không chỉ là một cấu trúc văn bản mà là một quá trình (chương 1). Tức quan niệm tác phẩm là một yếu tố mở nên phân tích nó cũng là cả một quá trình mở, phải tìm hiểu một cách toàn diện chứ không thể chỉ đi sâu vào một vài đơn vị, yếu tố nhỏ lẻ.
Lấy đó làm điểm tựa lý thuyết, cuốn sách triển khai các vấn đề cụ thể: Tìm hiểu hoàn cảnh ra đời và phân tích trực tiếp tác phẩm văn học (chương 2); Tiếp cận và phân tích tác phẩm văn học trên bình diện cấu trúc văn bản nghệ thuật từ những mối liên hệ biện chứng nội tại (chương 3); Tiếp cận và phân tích tác phẩm văn học theo đặc trưng thể loại (chương 4); Tiếp cận và phân tích tác phẩm văn học dưới góc nhìn văn hóa và vấn đề tiếp nhận văn học (chương 5). Như vậy, hướng tiếp cận đã cho thấy các đơn vị kiến thức hệ thống, đa dạng của cái nhìn bao quát, sâu rộng.
Nét mới của công trình là quan niệm văn học vừa là một hình thái ý thức xã hội, vừa là một loại hình nghệ thuật ngôn từ, tức tác phẩm vừa có ý nghĩa xã hội đặc thù, vừa có tính nghệ thuật đặc trưng. Phân tích tác phẩm phải làm rõ được điều này, nếu chỉ thiên về một phía sẽ là cực đoan, hoặc đánh mất ý nghĩa xã hội, hoặc bỏ qua vẻ đẹp của văn chương. Do vậy cần phải có cái nhìn tổng thể mới phù hợp với bản chất tác phẩm văn học là một chỉnh thể nghệ thuật. Khám phá nghệ thuật chính là đi tìm nội dung của hình thức nghệ thuật.
Phù hợp với tinh thần toàn cầu hóa văn hóa, lý luận phê bình văn học trên thế giới hiện nay hướng sự chú ý vào văn hóa, lấy văn hóa cắt nghĩa văn học và đề cao vấn đề tiếp nhận. Công trình đã hòa nhập cùng xu hướng này thể hiện trong chương 5 và chứng minh mạch ngầm văn hóa, ngoài ảnh hưởng sâu đậm đến nhân vật, ngôn ngữ, tư tưởng còn chi phối cả cách kể chuyện.
Đây là vấn đề mới mẻ, thú vị, cần sự tiếp nối của các công trình khác. Cuốn sách nhấn sâu vào hai bình diện tiếp nhận là cá nhân và lịch sử. Tùy vốn sống, vốn văn hóa mà có tầm đón nhận khác nhau. Mỗi thời đều có hệ tư tưởng riêng nên tiếp nhận văn chương cũng không thể giống nhau. Do vậy, để hiểu văn phải hiểu người, hiểu đời và hiểu thời. Tiếp nhận văn học chính là tham gia vào các cuộc đối thoại, nhờ đó, ý nghĩa văn học được mở rộng cả bề sâu, bề xa.
Công trình bàn về phương pháp nhưng không tuyệt đối hóa phương pháp, cũng không độc tôn phương pháp mà mở ra những hướng đi triển vọng. Mỗi bạn đọc hãy tự chọn cho mình cách đến với tác phẩm. Đó cũng là cách làm giàu có, phong phú thêm cách hiểu văn chương.
Nguyễn Thanh/Quân đội Nhân dân
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lam-moi-phuong-phap-nghien-cuu-tac-pham-post1439829.html