Làm nghề giáo trong bối cảnh hiện nay không hề dễ dàng!
Nhiều thầy cô lương chưa đủ sống nhưng luôn cố gắng vượt lên khó khăn bám lớp, bám trường để mong một ngày học sinh mình bớt khổ, cuộc sống của chính mình cũng tốt đẹp hơn.
Ám ảnh nỗi lo cơm áo đè nặng
Hiện nay, đất nước đổi mới, mở cửa. Người Việt Nam có nhiều cơ hội ra nước ngoài làm việc, lao động. Các công ty nước ngoài đầu tư vào trong nước lập nhà máy, xí nghiệp nên lao động phổ thông cũng dễ dàng tìm kiếm được việc làm.
Đại đa số người lao động không còn quá lo lắng tìm cho mình một công việc có nguồn thu nhập ổn định. Xét trong bối cảnh chung đó, lương giáo viên trở thành nguồn thu nhập thấp, cũng từ đó mà vai trò, vị trí người thầy cũng không còn được xã hội đề cao như trước đây.
Để có tiền để sống nhiều giáo viên hiện nay phải bươn chải làm nhiều nghề từ bán hàng online đến dạy thêm, học thêm… không ít trong đó đã chọn con đường nghỉ việc để tìm cho mình công việc mới. Đơn cử như thầy Lê Văn Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Xuân (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã “trốn” việc, nghỉ dạy để đi lao động tại Hàn Quốc hay như PGS.TS Đinh Công Hướng (một nhà toán học) đã phải bán nghiên cứu khoa học của mình cho nhiều trường đại học lấy tiền nuôi vợ con.
Câu chuyện những người thầy vất vả mưu sinh khiến dư luận xốn xang. Câu hỏi khi nào lương giáo viên mới đủ sống, người thầy mới được tự do sáng tạo, tự do cống hiến trí tuệ của mình mãi vẫn chưa có đáp án.
Đáng buồn hơn, trong xã hội vẫn còn những định kiến không hay khi người thầy “buông phấn”, vẫn còn những “bản án” quá hà khắc phán xét người thầy khi họ phải bán kiến thức của mình để có tiền lo cho gia đình, người thân.
Vẫn hết mình vì học trò
Bên cạnh những câu chuyện buồn như vậy, may mắn còn đó vẫn còn những tấm gương người thầy hằng ngày hết mình vì học sinh. Họ cống hiến một cách tận tâm để mong một ngày cuộc sống của học trò và của chính họ được tươi sáng hơn.
Chuyện thầy Trương Văn Hiện (SN 1989) - người dân tộc Cờ Tu, giáo viên, Tổng phụ trách Đội, trường tiểu học Hòa Bắc, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng là một ví dụ sinh động. Người dân của vùng quê nghèo miền Trung ở núi rừng Trường Sơn này đã quen với hình ảnh thầy Hiện trên chiếc xe máy cũ kỹ, lai chiếc loa thùng “kẹo kéo” cồng kềnh phía sau hằng ngày đi tới các điểm trường để dạy học sinh những bài hát hay, hướng dẫn các em học tập, rèn luyện nề nếp đã quá quen thuộc.
Với đồng lương ít ỏi nhận được hơn 6 triệu đồng, đời sống của thầy còn rất khó khăn nhưng tình yêu đối với trẻ em người dân tộc, với học sinh của thầy Hiện không vơi đi mà ngày một lớn hơn.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, thầy Trương Văn Hiện chia sẻ, Trường Tiểu học Hòa Bắc nơi thầy công tác có nhiều điểm trường. Trong đó, có nhiều điểm trường ở thôn đa số là người dân tộc. Vì thế, làm công tác đội, tổ chức sinh hoạt, hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ cho học sinh không được thuận lợi so với các môn học khác.
“Tôi phải đến từng điểm lẻ. Từ điểm trường chính phải di chuyển 5 đến 10 cây số nữa mới vào các điểm trường. Để nắm bắt được nề nếp học sinh, tổ chức hoạt động cho các em, hằng tuần tôi phải di chuyển rất nhiều” - thầy Trương Văn Hiện kể.
Mỗi lần đến với các điểm trường, thầy Hiện phải dậy rất sớm. Bởi, giờ sinh hoạt học tập của các em thường bắt đầu từ 6h30 sáng. Với chiếc loa thùng kẹo kéo thầy Hiện vẫn cứ thế như một con ong chăm chỉ đến với các em. Nói về đồng lương hằng tháng nhận được, giọng thầy như trầm lại. Số tiền lương thực nhận 6,8 triệu, chắt bóp lắm thầy mới đủ trang trải. “So với người khác thực sự điều kiện mình rất khó khăn vì hai vợ chồng ở hai nơi” - Thầy Hiện tâm sự.
Vợ chồng thầy Hiện hiện công tác ở hai tỉnh khác nhau, cách nhau hơn 100 cây số. Gia đình vợ chồng trẻ có hai người con. Để tiện chăm sóc, thầy nuôi cháu lớn đang học lớp 1 còn cháu bé ba tuổi ở với mẹ tận Quảng Nam. “Thời gian hai vợ chồng đến gặp nhau sinh hoạt gia đình có khi 2 tháng trời. Hai vợ chồng mong muốn được gần nhau để thể hiện trách nhiệm người chồng, người cha, vun vén hạnh phúc nhưng thực sự không có cách nào” - thầy Hiện kể.
Khó khăn, vất vả là thế nhưng thầy Hiện luôn lạc quan, thầy tin rằng khi tuổi còn trẻ mình cần cố gắng phấn đấu để con em mình, học trò mình có tương lai hơn. Xuất thân là người đồng bào dân tộc thiểu số đã quen với làm nông, lên núi lấy lá nón, bứt mây, để được như ngày hôm nay vợ chồng thầy đã phải cố gắng rất nhiều.
Tận hiến vì nghề nghiệp
Cũng giống như thầy Hiện, thầy Trần Đình Phương (SN 1991) - giáo viên Trường THCS & THPT Hồng Vân, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng là một tấm gương tuổi trẻ dấn thân vì sự nghiệp giáo dục.
Học xong cao học ngành Toán, thầy Phương được điều động lên Trường THCS và THPT Hồng Vân làm việc. Khi bước lên trường vùng cao này, thầy Phương cảm thấy yêu mến vùng đất và con người miền núi nơi đây. “Nhìn học trò miền núi thật thà, thiếu thốn nên có cảm giác thương. Sau khi có tình thương rồi mình cố gắng dạy học” - thầy Phương chia sẻ với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận.
Gắn bó với nghề dạy học ở vùng núi cao của tỉnh Thừa Thiên Huế không phải là điều dễ dàng, với thầy Phương cũng vậy. Học sinh vùng cao nhiều em không thích đến trường. Để vận động và giữ các em đi học đầy đủ đã là một sự cố gắng lớn của thầy cô.
Do đó, thầy Phương luôn tâm niệm, phải cố gắng truyền đạt dạy học sao cho lôi cuốn, hấp dẫn nhất để lôi kéo học sinh đến trường. Chính việc các em đến trường cũng đã tạo nên động lực cho thầy cố gắng . “Có những lúc tình cảm của mình gửi đến học trò, không phải học trò đáp ứng lại được 100% nên thấy buồn. Nhưng sau đó suy nghĩ lại, vẫn còn những học trò cần mình hơn nên phải cố gắng, quá trình cứ lặp lại như vậy” - Thầy Phương chia sẻ.
Nhà cách trường gần 100 cây số, 6 năm qua thầy Phương đã nỗ lực hết mình để nâng cao chất lượng dạy học cho con em người dân vùng sơn cước. Đầu tuần, thầy Phương từ nhà đi xe máy lên trường, cuối tuần lại về nhà với gia đình thân yêu của mình. Hành trình từ nhà đến trường như vậy cũng rất gian nan, đặc biệt vào mùa mưa. Đường đi lại nguy hiểm, hay xảy ra sạt lở. Đôi khi, đi được nửa đường lại buộc phải quay lại nhà, có những lúc đợi đến hơn 5 tiếng đồng hồ để chờ thông đường vì mưa lớn gây sạt lở đất.
Hỏi về số lương hơn 6 triệu làm sao thầy nuôi được vợ con và đối ngoại, thầy Phương cười. Thầy Phương kể, để bù những thiếu thốn về vật chất bản thân thầy Phương chủ trương sống tình cảm. Vì thế, theo thầy Phương mình sống tình cảm thì người khác cũng đáp lại với mình bằng tình cảm. “Trong nhà, mình là con trai một nên mọi người trong gia đình muốn mình ở nhà. Ở Huế, con trai đi xa nhà hơi khó, nhất là con trai một. Nhưng hiểu cho nghề của mình, ba mẹ cũng thông cảm, giúp đỡ trông cháu để mình yên tâm công tác” - thầy Phương bày tỏ.
Thầy Phương cũng chia sẻ rằng, mỗi lần vào mùa mưa, khởi hành từ nhà đến trường bản thân mình cũng lo, thầy sợ nếu chẳng may xảy ra việc thì gia đình lấy ai gánh vác. Ở nhà mọi người trong gia đình thầy cũng lo lắng, nơm nớp sợ. Đặc biệt mùa này, ở Huế đang vào mùa mưa lũ. Lo lắng là thế, nhưng tình yêu trò với học trò vùng cao đã tạo nên động lực lớn để thầy Phương chăm chút, phấn đấu hàng ngày, trau dồi nghề nghiệp.
Qua tâm sự với thầy Hiện, thầy Phương có thể thấy để làm được nghề giáo trong bối cảnh hiện nay không hề dễ dàng. Ngoài đồng lương ít ỏi không đủ sống, người thầy cần phải phấn đấu chuyên môn, lao động chăm chỉ suốt ngày. Như một định mệnh của cuộc đời, những người thầy hằng ngày đã nỗ lực phấn đấu, yêu nghề nên vượt lên trên khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Được trao đổi với thầy cô có thể thấy trong thâm tâm của thầy Hiện và thầy Phương cũng như nhiều thầy cô khác vẫn mong muốn một ngày rất sớm lương giáo viên đủ sống, để những người thầy như họ đỡ vất vả , để có điều kiện chăm chút và trau dồi nghề nghiệp hơn.