Lâm nghiệp bền vững

Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt 5-5,5%/năm; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025 và 25 tỷ USD vào năm 2030...

Ảnh: minh họa

Ảnh: minh họa

Để đạt mục tiêu trên, lâm nghiệp sẽ được xây dựng trở thành một ngành kinh tế, kỹ thuật trên cơ sở thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp; đảm bảo sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động lâm nghiệp, huy động các nguồn lực xã hội; phát huy tối đa các tiềm năng, vai trò và giá trị của rừng để phát triển bền vững; đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo các chuyên gia, hiện nay, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc tiếp tục duy trì ổn định ở mức 42,02%. Tổng diện tích rừng cả nước hiện có gần 14 triệu ha, trong đó có trên 10 triệu ha rừng tự nhiên. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2023 đạt 14,4 tỷ USD; dự kiến đạt 17,5 tỷ USD trong năm 2024. Mặc dù giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản những năm gần đây không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra do khó khăn từ các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản, nhưng ngành lâm nghiệp vẫn đạt con số xuất siêu lớn (năm 2023 là 12,19 tỷ USD), đóng góp tích cực tăng trưởng và xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, ngành lâm nghiệp đã và đang triển khai một số chiến lược quan trọng để đảm bảo duy trì tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định từ 42% đến 43%, chú trọng nâng cao chất lượng rừng, nhất là rừng tự nhiên hiện có, với tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt 5% đến 5,5%/năm. Đặc biệt, những cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước phù hợp hơn với thực tiễn để phát triển trồng rừng và khai thác hiệu quả nguồn lợi từ rừng.

Thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng sản xuất, đến nay, có trên 1 triệu hộ gia đình, cá nhân trong nước được giao hơn 3 triệu ha rừng, chủ yếu là rừng sản xuất. Cùng với đó, đã có trên 10.000 cộng đồng hiện đang quản lý và sử dụng gần 1 triệu ha rừng, chủ yếu là rừng tự nhiên đặc dụng, rừng tự nhiên phòng hộ. Tuy nhiên, để hướng đến mục tiêu năm 2025, giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất trên một đơn vị diện tích tăng 1,5 lần, đến năm 2030 tăng 2 lần so với năm 2020, ngành lâm nghiệp còn nhiều việc phải tập trung tháo gỡ.

Hiện, còn khoảng 3,3 triệu ha rừng nghèo kiệt và đất chưa có rừng, chưa được giao cho các chủ thể để hoang hóa rất lãng phí. Trong khi đó, cộng đồng dân cư thôn được giao rừng sản xuất nhưng không có các quyền như các chủ rừng khác, như quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, góp vốn kinh doanh bằng giá trị quyền sử dụng rừng được giao. Hệ lụy là, cộng đồng dân cư chưa thiết tha nhận đất để trồng rừng sản xuất. Mặt khác, ngành công nghiệp gỗ còn đối mặt với các khó khăn về thị trường xuất khẩu, những quy định chặt chẽ hơn về tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm...

Do đó, để hoàn thành các mục tiêu đề ra trong Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia, Nhà nước cần có cơ chế chính sách đẩy nhanh việc giao đất giao rừng để phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế lâm nghiệp, đảm bảo 100% diện tích rừng của các chủ rừng là tổ chức được quản lý bền vững. Ưu tiên ngân sách Nhà nước cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển công nghệ tạo ra các sản phẩm chất lượng, có giá trị gia tăng cao; đầu tư trang thiết bị hiện đại, tự động hóa, chuyên môn hóa trong chế biến lâm sản; xây dựng các chương trình, kế hoạch xúc tiến thương mại, phát triển thị trường gỗ và lâm sản.

Hoàng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/lam-nghiep-ben-vung-post480250.html