Làm nhiều việc một lúc có tốt không?
Làm nhiều việc một lúc có nghĩa là làm từ hai việc trở lên vào cùng một thời điểm, việc nào cũng đòi hỏi ta phải chú ý.
Làm nhiều việc một lúc
Làm nhiều việc một lúc có nghĩa là làm từ hai việc trở lên vào cùng một thời điểm, việc nào cũng đòi hỏi ta phải chú ý. Nhắn tin khi đang lái xe là ví dụ. Hít thở khi đang lái xe thì không phải, vì hít thở diễn ra tự động. Sự chú ý là nguồn lực có hạn tối quan trọng. Định luật cơ bản về sự chú ý là thế này:
Nếu bạn thực hiện một việc đòi hỏi sự chú ý và đồng thời thực hiện một việc thứ hai, chất lượng của công việc thứ nhất sẽ suy giảm.
Làm nhiều việc một lúc không phải chuyện gì to tát nếu ta vừa cắt cỏ sân trước nhà vừa nghe podcast hay vừa xem phim vừa nói chuyện với một người bạn. Nhưng với chiếc xe hơi, chúng ta đang vận hành một thứ vũ khí có thể gây chết người. Bất chấp thực tế số nạn nhân không hề giảm, nhiều tài xế nghĩ rằng định luật cơ bản về sự chú ý không đúng với họ vì làm nhiều việc cùng lúc đã trở thành bản năng thứ hai. Những nghiên cứu tâm lý cho thấy thật không may niềm tin phổ biến này chỉ là ảo tưởng.
Nói ví dụ, một nghiên cứu đã so sánh những người thường xuyên làm nhiều việc một lúc với những người hiếm khi làm như vậy. Những ai quen làm nhiều việc một lúc dễ bị phân tâm bởi thông tin không liên quan, có trí nhớ kém hơn, và chuyển đổi giữa các công việc chậm chạp hơn.
Tất cả đều là những năng lực mà lẽ ra người làm nhiều việc một lúc dày dạn kinh nghiệm phải xuất sắc. Nhưng ít ra cũng phải có vài trường hợp ngoại lệ chứ, phải có những người không bị định luật chú ý chi phối chứ? Để trả lời câu hỏi này người ta đã làm thử nghiệm cho các sinh viên đeo tai nghe giải những bài toán ghi nhớ và toán đố đơn giản trong tình huống giả lập lái xe.
Như thường lệ, thành tích của họ với bốn công việc - thời gian phản ứng phanh xe, giữ khoảng cách, ghi nhớ, và làm toán - giảm xuống so với khi họ làm từng việc một. Một phân tích cá nhân cho thấy kết quả này đúng với tất cả 200 sinh viên, trừ năm người được thông báo là “tuyệt đối không hề suy giảm thành tích khi làm nhiều việc một lúc,” và họ được gọi là những người “làm nhiều việc một lúc siêu hạng.” Có thực như vậy không?
Khi kiểm tra lại nghiên cứu này, tôi thấy rằng trái với thông tin đấy, bốn trong năm người siêu hạng kia thực ra làm tệ hơn ở một trong bốn nhiệm vụ. Điều đó đồng nghĩa chỉ còn lại một trong 200 sinh viên là ngoại lệ. Nhưng cá nhân đó có thể chỉ là ngoại lệ do tình cờ.
Nói ví dụ, nếu bạn yêu cầu 200 người tung xúc xắc bốn lần, có khả năng có người tình cờ tung được bốn lượt sáu điểm liên tiếp. Riêng điều đó không chứng minh rằng người đấy miễn nhiễm với các định luật về xác suất; sẽ phải thử nghiệm nhân vật làm nhiều việc siêu hạng này để loại bỏ khả năng tình cờ đấy.
Xét tổng thể, một số lượng lớn nghiên cứu đã cho thấy sức chú ý là nguồn lực có hạn và thực hiện thêm nhiệm vụ đòi hỏi thêm sức chú ý sẽ làm giảm chất lượng của công việc ban đầu. Thực hành làm nhiều việc một lúc không thể loại được định luật về sự chú ý này và cũng không thể biến chúng ta thành người làm nhiều việc một lúc siêu hạng.
Nguồn Znews: https://znews.vn/lam-nhieu-viec-mot-luc-co-tot-khong-post1493709.html