Làm những việc này khi say rượu, có thể mất mạng
Bạn sẽ gặp nguy hiểm, thậm chí mất mạng nếu làm những việc cấm kỵ dưới đây trong trạng thái say xỉn.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết rượu bia là nguyên nhân trực tiếp gây ít nhất 30 bệnh và nguyên nhân gián tiếp gây 200 loại bệnh tật, chấn thương.
Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu, bia cao. Các hệ lụy về mặt xã hội do sử dụng rượu, bia gồm tai nạn giao thông, mất trật tự an ninh trật tự... Bên cạnh đó, sức khỏe suy giảm nghiêm trọng.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, trong hơn 3 triệu cái chết mỗi năm do bia rượu gây ra, quá 75% là nam giới. Sử dụng rượu, bia gây tổn thương đến nhiều cơ quan, chức năng của cơ thể như rối loạn tâm thần kinh, bệnh tim mạch, bệnh tiêu hóa, ảnh hưởng tới chất lượng giống nòi và phát triển bào thai, suy giảm miễn dịch...
Các chuyên gia khuyến cáo, bia, rượu nói chung có hại nhiều hơn có lợi. Dù bia hay rượu với nồng độ, hương vị là gì thì bản chất vẫn là ethanol. Do vậy nếu, bia hay rượu vang uống quá nhiều đều gây hại cho gan và toàn bộ cơ thể.
Tắm
Theo PGS.TS Phạm Văn Tiến, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quân y 103, người say rượu tuyệt đối không được tắm dù nước nóng hay lạnh. Tắm nước nóng sẽ khiến nhiệt độ tập trung trong cơ thể không thoát ra ngoài, khiến cho tình trạng say trở nên nghiêm trọng hơn, gây buồn nôn, thậm chí đau đầu, chóng mặt, choáng váng.
Uống thuốc trị nhức đầu
Theo PGS Tiến, nhiều người khi say thường uống panadol, tylenol để trị nhức đầu. Tuy nhiên, đây là cách trị nhức đầu rất nguy hiểm. Gan rất vất vả để đào thải rượu nên sẽ phải làm việc nhiều hơn khi bạn uống paracetamol. Điều đó khiến gan dễ bị viêm và tổn thương.
Uống nước có gas
Nước uống có ga sẽ làm tốc độ hấp thụ rượu của cơ thể tăng gây ảnh hưởng đến gan và viêm dạ dày cấp tính.
Quan hệ tình dục
Chuyên gia Nguyễn Bá Toàn, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn vì Sức khỏe Cộng đồng, khuyến nghị quan hệ tình dục, xuất tinh vào thời điểm này sẽ làm sinh lực suy giảm nghiêm trọng, có thể dẫn đến cảm lạnh.
Tập thể dục
Theo Daily Mail, sử dụng đồ uống có cồn sau khi tập luyện làm chậm quá trình phục hồi cơ bắp. Với những người bị chấn thương phần mềm, rượu bia còn khiến các mạch máu giãn nở và khiến khu vực bị thương sưng to hơn.
Tiêm thuốc giải rượu
PGS.TS Bùi Quang Huy, Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện 103, cho hay người say tuyệt đối không tự ý tiêm thuốc để giải rượu. Nhiều trường hợp tiêm B1 qua đường tĩnh mạch để giải rượu đã bị sốc và tử vong.
Theo các BS, say rượu cần được coi là cấp cứu. Uống rượu say gây ảnh hưởng tới toàn cơ thể, ở mức ngộ độc rượu sẽ ảnh hưởng trước hết tới các hệ cơ quan quan trọng như hô hấp, tuần hoàn, thần kinh...
Vì vậy, phải đưa ngay bệnh nhân say rượu, ngộ độc rượu tới các cơ sở y tế có các y, bác sĩ đã được đào tạo về cấp cứu chống độc.
Các dấu hiệu nguy hiểm cần phải phân biệt và xử trí ngay là: hôn mê (gọi không tỉnh), co giật; suy hô hấp (thở chậm; ngừng thở; ứ đọng đờm dãi; chất nôn, dịch dạ dày trào ngược vào phổi do bệnh nhân hôn mê không còn phản xạ bảo vệ đường hô hấp...), suy tuần hoàn (tụt huyết áp, không bắt được mạch, nhịp tim chậm, loạn nhịp tim...) và các dấu hiệu nguy hiểm khác như hạ đường huyết, chấn thương...