Làm nông nghiệp thời hội nhập
Gạo thơm Hòa Vàng được giới thiệu tại Hội chợ xúc tiến thương mại toàn quốc ở Hà Nội. Ảnh: ANH KHOA
Hòa chung dòng chảy thời đại mới, nông dân đất Phú cũng đang đổi mới cách nghĩ, cách làm để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của thị trường, của thời kỳ kinh tế hội nhập, cho ra đời các sản phẩm chất lượng cao, tạo nên những “dấu son” cho ngành Nông nghiệp tỉnh nhà.
ÐỔI MỚI CÁCH LÀM
Mùa xuân mới lại về, nắng trải vàng trên những cánh đồng xanh mướt lúa non, một vụ mùa mới lại bắt đầu trên những vùng sản xuất nông nghiệp ở các địa phương. Trên đồng lúa đang thì con gái trải dài theo kênh tây hồ chứa nước Ðồng Tròn, xã An Nghiệp (huyện Tuy An), bà con nông dân vẫn chăm chỉ ra đồng. Toàn bộ diện tích rộng hơn 70ha này là vùng sản xuất lúa giống chất lượng cao và là vùng nguyên liệu tạo nên những hạt gạo mang thương hiệu đầu tiên của tỉnh - Gạo thơm Hoa Vàng.
Theo ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp An Nghiệp, để có được thương hiệu Gạo thơm Hòa Vàng mà thị trường khó tính như TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành chấp nhận ngày hôm nay, hơn 10 năm ròng rã ông cùng bà con đã “gieo” toàn bộ tâm sức, mồ hôi và hy vọng của mình vào đất.
Ông Khoa kể: “10 năm trước, doanh nghiệp ở Ðắk Lắk đặt hàng HTX sản xuất lúa thịt để họ làm thương hiệu, đưa gạo ra thị trường với những ưu đãi về bao tiêu, giá cả… Ngay lúc đó, tôi đã trăn trở việc Phú Yên là vựa lúa lớn nhất nhì khu vực miền Trung lại chưa có thương hiệu gạo nào. Vậy nên thay vì làm thuê, HTX quyết xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Phú Yên”.
Ðể bà con chung tay, HTX tổ chức liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, đổi lại nông dân trồng khảo nghiệm những loại giống theo quy trình kỹ thuật của HTX. Qua 10 năm, HTX khảo nghiệm hơn 10 loại giống và đã chọn được 2 giống RVT và Bắc Thịnh. Ðây là những giống lúa phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, có năng suất ổn định, chất lượng gạo dẻo thơm. Ðến nay, HTX đã xây dựng được chuỗi liên kết với 400 hộ nông dân mỗi năm sản xuất được khoảng 100 tấn gạo và gần 300 tấn lúa giống.
Trong khi đó, người dân huyện Phú Hòa lại có hướng đi riêng, bằng việc biến các khu đồi hoang hóa thành vùng chuyên canh cây ăn trái giá trị cao. Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Quang Bắc Phan Thanh Ðồng cho biết: Sau hơn 20 năm thực hiện chuyển đổi cây trồng, vùng đất Lỗ Chài đã có hơn 100ha chuyên canh mít, mãng cầu, bơ, cam…
Người dân còn có kỹ thuật kích trái riêng để chọn được vụ mùa mãng cầu mỹ mãn nhất. Theo ông Huỳnh Văn Tánh, một chủ trang trại cây ăn trái ở đây, với 4ha mít và mãng cầu (50% đã cho thu hoạch) mỗi năm đem về cho ông thu nhập gần 800 triệu đồng, gấp hàng chục lần so với trồng lúa.
Cùng với đó, Phú Hòa còn xây dựng vùng trồng khóm rộng gần 500ha chạy dọc 2 bên suối Cái qua các xã Hòa Quang Nam, Hòa Quang Bắc và thị trấn Phú Hòa. Với kỹ thuật kích trái chủ động, vùng trồng khóm ở đây cho thu hoạch quanh năm. Ðều đặn mỗi ngày, theo các chuyến xe, trái khóm ở đây đến với mọi miền đất nước, mang về thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm.
XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU
Không dừng lại ở việc chuyển đổi cây trồng, sản xuất thâm canh… mà nhiều nông sản địa phương đã được cấp thương hiệu, chỉ dẫn địa lý… đến chế biến sâu sau thu hoạch.
Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Ðồng Din Nguyễn Hoàng Chương cho biết: Nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho khóm, HTX đã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm với hầu hết các hộ trồng khóm tại Ðồng Din (thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa). Khóm sau thu hoạch đưa vào dây chuyền chế biến thành các sản phẩm tiêu dùng tiện lợi như bánh khóm, khóm sấy, nước ép khóm...
Các sản phẩm này đều được ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, đã được cấp chứng nhận ISO 9001-2015 và HACCP. Ðặc biệt, toàn bộ sản phẩm đều không sử dụng phụ gia bảo quản, đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và phù hợp thị hiếu người dùng nên đầu ra rộng mở. Hiện nay sản phẩm khóm sấy và bánh khóm đã được đưa vào hệ thống siêu thị BigC và nhiều cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc.
Ðồng thời, HTX cũng vừa được cấp quota xuất khẩu sang Nga với các mặt hàng khóm sấy, bánh khóm và nhiều rau quả khác. HTX đang xây dựng chuỗi bán hàng tự động tại TP Hồ Chí Minh và TP Tuy Hòa để đưa các sản phẩm từ khóm và những sản phẩm OCOP của tỉnh đến với du khách. Cũng theo ông Chương, một khi nông sản được chế biến sâu, có thương hiệu thì giá trị gia tăng gấp hàng chục lần so với tiêu thụ truyền thống.
Không dừng lại ở việc tạo ra những hạt gạo chất lượng, thơm ngon, HTX Nông nghiệp An Nghiệp còn xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Ðến nay, thương hiệu Gạo thơm Hoa Vàng đã có mã QR, được cấp mã vạch và được UBND tỉnh cho phép sử dụng chỉ dẫn địa lý… Theo ông Trần Tấn Khoa, chúng tôi đang sản xuất lúa, gạo theo hướng hữu cơ và sẽ tiến tới sản xuất hữu cơ, để tạo ra những sản phẩm có chất lượng đảm bảo và tuyệt vời nhất, tiến đến những thị trường xa hơn.
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp của tỉnh đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với công nghiệp chế biến, dịch vụ và đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Giai đoạn 2016-2020, giá trị gia tăng ngành Nông nghiệp đạt 4%/năm, giá trị sản xuất tăng 4,5%/năm, đóng góp gần 24% giá trị tổng sản phẩm trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/252271/lam-nong-nghiep-thoi-hoi-nhap.html